Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Vòng quanh thế giới cùng một ‘trái tim tan vỡ… biết cười’

Huỳnh Trọng Khang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Less: Vòng quanh thế giới cùng một trái tim tan vỡ của Andrew Sean Greer đầy những giễu nhại, chơi chữ, phóng chiếu về một thân phận người đương thời nhưng nỗi buồn trong Less... biết cười! Người ta rồi sẽ chọn bi lụy cùng thân phận ấy, hay khước từ bằng tiếng cười còn thiếu vắng dưới gầm trời này?

Tiểu thuyết Less được xuất bản ở Việt Nam kèm theo một tựa phụ: Vòng quanh thế giới cùng một trái tim tan vỡ (Khánh Nguyên dịch, NXB Phụ nữ Việt Nam, Nhã Nam liên kết xuất bản năm 2022). Nhân vật chính Arthur Less trong tiểu thuyết này của Andrew Sean Greer là một nhà văn hạng xoàng, ôm trái tim tan vỡ vì thất tình, vì tuổi già đang dí sát mặt.

Người từng có tác phẩm bị từ chối lên từ chối xuống lại đi khắp nơi tham dự những sự kiện văn chương - nơi ông dường như chỉ là kẻ bên lề lạc quẻ trong một nền văn học chuyên nghiệp hóa; nơi một “nhà văn quốc tế” có lẽ cũng chỉ là ốc vít trên cỗ máy khổng lồ được vận hành theo một cách thức khó nắm bắt.

Bất chấp những điều ấy, Arthur vẫn dự hội thảo, vẫn dạy viết văn, vẫn có giải thưởng (một chút thành công), vẫn chu du thế giới với tư cách tác giả… Văn đàn trong Less biến thành sân khấu - nơi hết người này rồi người khác xuất hiện, họ đi dây, họ tung hứng trong một thế giới trào lộng, hài hước.

Less đầy những giễu nhại, chơi chữ, phóng chiếu, gợi nhắc các tác phẩm văn chương khác. Bản thân nó khiến người ta nhớ ngay đến tiểu thuyết A Single Man của Christopher Isherwood (1904-1986) xuất bản năm 1964, với nhân vật chính là một giáo sư tuổi trung niên chưa thể vượt qua cú sốc sau cái chết của người bạn đời đồng tính.

Dẫu vậy, Less ít buồn bã hơn, ít u ám hơn. Nỗi buồn trong Less… biết cười! Nhưng đằng sau những nụ cười mỉa mai, nhiều ẩn ý là không ít phần chua xót. Arthur sắp bước vào tuổi năm mươi, độ tuổi mà người ta biết rằng mình sẽ làm được gì và chẳng làm được gì. Người yêu đồng tính của ông sắp kết hôn. Trái tim tan vỡ đẩy ông vào một “hành trình văn chương” vòng quanh thế giới.

Thực chất hành trình ấy không khác một cuộc chạy trốn, nhưng dường như quá muộn để bắt đầu lại bất cứ điều gì. Hình ảnh mà Arthur lao ra thế giới lại không phải một cuộc dấn thân. Nghịch lý thay đó lại là một sự quay lưng với thế giới, cụ thể hơn là sự lẩn tránh phải đối mặt với tương lai vô định.

Bước vào thế giới văn chương của Less, độc giả có cảm giác mọi hình ảnh, nhân vật cứ xoay như chiếc đèn kéo quân. Trái đất hình như quay nhanh hơn, nhanh đến chóng mặt: hết Mỹ đến Mexico, rồi sang Ý, Đức, Maroc, Ấn Độ…

Trên hành trình đó, Việt Nam cũng thoáng qua “nhân một dịp cao hứng hồi ba năm trước, trong thời kỳ đồng bóng ngắn ngủi, khi mà anh quăng hết mọi thận trọng (cùng tiền) cho gió cuốn đi và bay sang TPHCM thăm một người bạn đang công tác ở đó. Giữa lúc đang tìm điều hòa trong cái thành phố ẩm ướt, đầy ặc xe máy ấy, anh lại thấy mình đứng trong một hiệu may đo, đặt làm một bộ suit”.

Dưới đôi mắt của Arthur, mọi thứ luôn vội vàng và đầy ứ. Tất cả diễn ra như để kẹp chặt một sự thiếu vắng ở bên trong mà không được phép bộc lộ ra ngoài.

Nhưng Trái đất thì tròn, chạy mãi rồi cũng phải về điểm xuất phát. Đến cuối tác phẩm, người kể chuyện tư lự: “Ba tôi từng hỏi vì sao tôi lười vậy, vì sao tôi không muốn cả thế giới. Ông hỏi tôi muốn gì. Tuy lúc đó tôi không trả lời vì tôi không biết, và cứ thế tiếp tục những lề thói cũ thậm chí cả khi đến lễ đường, nhưng lúc này thì tôi biết rồi… Và em thấy anh rồi, vẫn Arthur ấy, vẫn tình yêu ấy, đang ngước lên nhìn cái bóng trước hiên nhà - tôi muốn gì đây?”.

Và cả chúng ta nữa, chúng ta thật sự muốn gì? Trong cái thế giới hiện đại quay cuồng hôm nay, chẳng phải con người vẫn luôn phải nỗ lực, vắt kiệt sức cho kịp với guồng máy đời không ngừng chuyển động?

Và tôi thốt lên:“Less!”. Đây là câu cuối cùng của người kể chuyện, khép lại tác phẩm. Less ở đây vừa là tên nhân vật, nhưng đồng thời là một cách chơi chữ - “ít hơn”, “thiếu vắng”, “thiếu thốn”, tùy sự cảm nhận của từng độc giả muốn hiểu nó theo cách nào. Bởi trong Less, mọi điều được viết ra luôn có vẻ như mang nhiều hơn một cách hiểu cùng với sự lưỡng nan của đi hay ở, với cái tính nước đôi giữa châm biếm và chiêm nghiệm, giữa giọng điệu nhọn như kim châm với lời lẽ đôi lúc như chực khóc.

Và đó cũng là cuộc đời này, một cuộc đời rộng lớn - nơi ta không ngừng dịch chuyển, không ngừng tìm kiếm để lắp đầy sự thiếu vắng. Để rồi sau bao năm tháng, khi mọi chuyện đã qua, khi ta nhìn lại đời mình, có lẽ cũng như cái cách mà người kể chuyện trong Less đã nhìn: “Từ chỗ tôi mà xét, chuyện của Arthur Less không đến nỗi nào”.

Với Less, Andrew Sean Greer đã giành chiến thắng giải Pulitzer năm 2018 ở hạng mục văn học. Đến năm 2022, câu chuyện “không đến nỗi nào của Arthur Less được Greer tiếp nối bằng tiểu thuyết hậu truyện Less is Lost (lại một cách chơi chữ).

Dịch giả Khánh Nguyên cũng là người dịch cuốn tiểu thuyết Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian (On Earth We’re Briefly Gorgeous) của Ocean Vuong. Hai cuốn tiểu thuyết, hai nhân vật chính ở độ tuổi khác nhau nhưng tương đồng về thân phận. Chỉ là người ta chọn bi lụy cùng thân phận ấy, hay khước từ bằng tiếng cười - chính cái tiếng cười còn thiếu vắng dưới gầm trời này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới