Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Môi trường vùng nuôi tôm bị ‘đe doạ’ ngày càng trầm trọng

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Môi trường nước phục vụ nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị “đe doạ” nghiêm trọng trước áp lực gia tăng phát triển của loại thuỷ sản chủ lực này. Đây là vấn đề cần có giải pháp giải quyết đồng bộ để giúp ngành tôm phát triển bền vững...

Một ao nuôi tôm được kiểm soát bền vững về môi trường. Ảnh: Trung Chánh

Ông Nguyễn Văn Hữu, Phó Phòng nuôi trồng thuỷ sản thuộc Cục thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, khu vực ĐBSC là vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp của cả nước, trong đó, nuôi tôm nước lợ chiếm 93,26% về diện tích và 87,8% về sản lượng của cả nước.

Về cơ cấu nuôi tôm nước lợ, theo ông Hữu, hình thức nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh, thì tôm thẻ chân trắng chiếm 15%, tôm sú (bao gồm cả bán thâm canh) chiếm 3%; tôm lúa chiếm 26%; tôm rừng chiếm 5% và còn lại 51% là loại hình nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến đối với con tôm sú.

Tôm siêu thâm canh tạo áp lực lớn cho môi trường

Ông Hữu cho biết, đối với tôm thẻ chân trắng, chủ yếu được áp dụng ở mô hình nuôi thâm canh và siêu thâm canh với diện tích chiếm 15% tổng diện tích nuôi tôm nước lợ, nhưng sản lượng chiếm đến 57%.

Có được kết quả nêu trên vì năng suất trung bình của tôm thẻ chân trắng trong mô hình nuôi thâm canh và siêu thâm canh đạt 4,2-5,7 tấn/héc ta/năm, trong khi tôm sú hiện nay chỉ đạt năng suất trung bình 0,42-0,47 tấn/héc ta/năm. “Điều này cho thấy, áp lực của mô hình nuôi thâm canh và siêu thâm canh thời gian qua rất là lớn”, ông Hữu nhấn mạnh.

Cụ thể, trong hơn 10 năm qua, từ 2010-2022, diện tích và sản lượng nuôi tôm sú khá ổn định, đạt 622.000 héc ta và 271.000 tấn vào năm ngoái. Trong khi đó, tôm thẻ chân trắng của mô hình nuôi thâm canh và siêu thâm canh tăng dần qua các năm, đạt 115.000 héc ta và sản lượng 474.000 tấn vào năm ngoái.

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh và thâm canh đối với tôm thẻ chân trắng có mật độ thả nuôi cao, sử dụng nước và thức ăn, cho nên, lượng chất thải đưa ra môi trường nhiều. Điều này, cũng chính là lý do khiến chất lượng môi trường nước ở vùng nuôi tôm ngày càng bị “đe doạ” nghiêm trọng.

Ông Đặng Văn Ngọc, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc hợp tác xã dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản 30-4 (Bạc Liêu), người có 23 năm gắn bó với con tôm (trong đó có 7 năm áp dụng mô hình nuôi thâm canh và siêu thâm canh) thừa nhận, trước đây môi trường sạch, nuôi tôm rất dễ thành công vì mô hình nuôi thâm canh và siêu thâm canh ít, chất thải đưa ra môi trường không nhiều.

“Trước đây, mỗi năm lấy nước vào 1 lần nuôi tới cuối năm nông dân mới xả ra. Thế nhưng, bây giờ nuôi siêu thâm canh, thì sử dụng nước nhiều, cho ăn nhiều và nuôi mật độ cao nên áp lực cho môi trường quá lớn” ông Ngọc dẫn chứng và cho biết, trước đây nếu một ngày cho tôm ăn 100 kg thức ăn, thì bây giờ tăng lên 1 tấn (1.000 kg), nhưng tôm chỉ hấp thu được 40% và 60% phải thải ra môi trường.

Ông Hữu của Cục thủy sản - đơn vị được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao chủ trì việc quản lý về môi trường trong ngành thủy sản - cho biết, đối với quan trắc phục vụ nuôi trồng thủy sản, đơn vị này đã triển khai 992 điểm trên phạm vi cả nước, trong đó, có 460 điểm ở các vùng nuôi tôm.

Theo ông, đối với ĐBSCL, có 36 điểm quan trắc (bao gồm cả quan trắc phục vụ nuôi cá tra, nuôi lồng bè và nhuyễn thể), thì đa số được thực hiện tại các vùng nước đầu vào ở các cửa sông ven biển. “Riêng tại Bạc Liêu, chúng tôi triển khai 3 điểm quan trắc tại huyện Đông Hải, Hoà Bình và thành phố Bạc Liêu”, ông nói.

Từ thực tế triển khai các điểm quan trắc như nêu trên, ông Hữu đánh giá, môi trường khu vực ĐBSCL trong giai đoạn 2021-2023 (tức qua khoảng 3 năm kiểm tra), cho thấy chất lượng môi trường nước cấp cho nuôi thủy sản nói chung và tôm nước lợ nói riêng có hiện tượng ô nhiễm, ảnh hưởng đến sinh trưởng, tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện bệnh.

“Ở đây có hiện tượng phú dưỡng (phú dưỡng là hiện tượng bị dư thừa chất dinh dưỡng như: nitrate (NO3) và photphat (PO4) - PV) ở nguồn nước cấp cho vùng nuôi thuỷ sản; một số chỉ tiêu vượt ngưỡng giới hạn cho phép; hàm lượng oxi thấp thường xuyên xảy ra trong các điểm quan trắc, nhất là ở Bạc Liêu, Cà Mau”, ông Hữu cho biết và nói rằng, kết quả này cũng phản ánh đúng thực trạng các địa phương như: Bạc Liêu, Cà Mau có mô hình nuôi tôm công nghiệp (tôm siêu thâm canh) phát triển sớm và khá mạnh.

Môi trường nuôi tôm ngày càng bị đe doạ. Ảnh: Trung Chánh

"Cơ sở sơ chế tôm" cũng là nguồn ô nhiễm đáng quan ngại

Bên cạnh nguồn lây từ hoạt động nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh, ông Ngọc của hợp tác xã dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản 30-4 cho rằng, các cơ sở sơ chế tôm cũng chính là nguồn gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh khá trầm trọng, nhưng lại ít được chú ý hiện nay.

Tại hội thảo “Giải pháp môi trường phát triển bền vững ngành tôm” do UBND tỉnh Bạc Liêu phối hợp với báo Tuổi Trẻ tổ chức hôm 21-7 ở địa phương này, ông Ngọc cho biết, nguồn tôm được các cơ sở sơ chế sử dụng để sản xuất chủ yếu là tôm bị nhiễm bệnh. Bởi, tôm sạch đã được “tuyển lựa” đưa vào nhà máy chế biến xuất khẩu. “Các cơ sở sơ chế đem nguồn bệnh từ các nơi về sản xuất, nhưng không xử lý và thải ra môi trường, thì cuối cùng người nuôi tôm cũng sẽ là người gánh chịu”, ông cho biết.

Dẫn chứng vấn đề nêu trên, theo ông Ngọc, ở huyện Hoà Bình (tỉnh Bạc Liêu) có rất nhiều nhà máy sơ chế tôm, nhưng chưa được kiểm soát về môi trường khi xả thải ra ngoài. “Các ngành chức năng có kiểm soát môi trường thải ra hay không? Điều kiện xử lý trước khi xả ra môi trường có đảm bảo hay không?”, ông đặt câu hỏi tại hội thảo.

Trong khi đó, ông Nguyễn Phú Quỳnh, Phó viện trưởng Viện khoa học thuỷ lợi miền Nam thì cho biết, hệ thống thuỷ lợi không đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển nuôi trồng thuỷ sản cũng chính là nguyên nhân khiến nguy cơ ô nhiễm, dịch bệnh ở vùng nuôi tôm gia tăng. “Việc chuyển từ sản xuất lúa sang nuôi trồng thuỷ sản diễn ra tự phát và nhanh, dẫn đến hệ thống thuỷ lợi không đáp ứng kịp”, ông dẫn chứng.

Để bảo vệ môi trường cho con tôm

Qua triển khai quan trắc môi trường, ông Hữu của Cục thuỷ sản cho biết, có nhiều thách thức đang tồn tại, bao gồm thứ nhất, hệ thống văn bản pháp luật và tiêu chuẩn liên quan đến quan trắc môi trường chưa đồng bộ. “Hiện nay, sử dụng hầu hết các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, chứ chưa có hướng dẫn về môi trường cho nuôi trồng thuỷ sản nói riêng”, ông dẫn chứng.

Thứ hai, đó là cơ sở dữ liệu còn mỏng và đơn lẻ; hạ tầng thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản còn thiếu, chủ yếu dùng chung hệ thống thuỷ lợi phục vụ cho nông nghiệp, tạo ra thách thức lớn cho ngành tôm hiện nay; chất thải phát sinh lớn và xâm nhập mặn cũng gây thiệt hại cho nuôi trồng thuỷ sản, làm tăng nguy cơ dịch bệnh.

Trước vấn đề nêu trên, ông Hữu đưa ra 5 gợi ý để khắc phục nhằm giúp ngành tôm phát triển ổn định: đầu tiên, cần rà soát hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến môi trường; thứ hai, chủ động kiểm soát nguồn ô nhiễm từ hoạt động nuôi trồng thuỷ sản; thứ ba, tăng cường năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ ô nhiễm môi trường; thứ tư, thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong nuôi trồng thuỷ sản và cuối cùng, nhưng quan trọng nhất là cần ưu tiên nguồn vốn phát triển hạ tầng thuỷ lợi để đáp ứng yêu cầu phát triển ngành tôm hiện nay.

Đứng ở góc độ người nuôi tôm, ông Phạm Văn Chu, nông dân ở xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu cho rằng, bên cạnh phải có nguồn giống sạch bệnh và thức ăn đảm bảo chất lượng, thì cần đẩy mạnh ứng dụng mô hình công nghệ nuôi tôm tuần hoàn nước.

Theo ông Chu, mô hình nuôi tôm tuần hoàn nước sẽ giúp bảo vệ được môi trường vì ít sử dụng nước, đồng thời giúp tiết kiệm quỹ đất phục nuôi tôm do không tốn quá nhiều diện tích cho ao lắng hay chứa chất thải. “Ví dụ, trước đây tôi có 6 héc ta, thì chỉ nuôi được 4-5 ao, nhưng mô hình tuần hoàn nước có thể nuôi đến 8 ao vì nguồn nước cấp vào rất hạn chế và nguồn nước thải ra môi trường cũng rất ít”, ông dẫn chứng.

Phát biểu trực tuyến tại hội thảo nêu trên, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, cần phải chuẩn hoá từng tiêu chuẩn để cập nhật theo công nghệ, bởi công nghệ đã thay đổi thì tiêu chuẩn cũng phải thay đổi cho phù hợp.

Theo ông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ giao cho Cục thuỷ sản “phát thảo” một ý tưởng về quy hoạch, nhưng không phê duyệt đóng khung vì phải “co giãn” theo thị trường. “Chúng tôi sẽ cùng ngồi với doanh nghiệp, địa phương và hợp tác xã để bàn hướng quy hoạch như vậy”, ông nói và cho rằng, quy hoạch này cũng sẽ xem xét các tình huống ảnh hưởng đến người dân như thế nào.

Vị tư lệnh ngành nông nghiệp cũng đề nghị, vận động thành lập hiệp hội ngành hàng tôm có sự tham gia không chỉ của doanh nghiệp, mà còn có hợp tác xã, nhà khoa học, chính quyền, tức có sự tham gia của một câu trúc ngành hàng để cùng giải quyết một bài toán tổng thể của ngành tôm, bao gồm công nghệ, thị trường, giống, thức ăn... “Tôi tin, khi có hiệp hội nó sẽ khác đi”, ông nói.

1 BÌNH LUẬN

  1. Tham thì thâm! tự mình chặt đuôi mình, tôi về mấy vùng đó chỉ nghe kiểu làm mọi cách kiếm tiền nhanh, không ai nghĩ dài lâu hay môi trường gì hết, tui cũng thấy phèn dưới tầng sâu xì lên bắt đầu nhiều.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới