Thứ Hai, 7/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Đắp đê ngăn nước mặn vào gây khó cho nuôi tôm ở ĐBSCL

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Đắp đê ngăn không cho nước vào, trong khi nắng nóng làm nước bốc hơi khiến độ mặn tại các vùng nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng cao. Điều này khiến việc phát triển nuôi tôm của nông dân gặp không ít khó khăn.

Nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Trung Chánh

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo “Giải pháp môi trường phát triển bền vững ngành tôm” do UBND tỉnh Bạc Liêu phối hợp với báo Tuổi Trẻ tổ chức vào hôm nay, 21-7, tại tỉnh Bạc Liêu.

Ông Phạm Văn Chu, nông dân nuôi tôm ở xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu - người 22 năm nuôi tôm - cho biết, có thời điểm độ mặn tại vùng nuôi nơi đây lên đến 45 phần ngàn, nông dân phải dừng việc thả nuôi do tôm không thể phát triển được. “Thời tiết thất thường, có 6 tháng mùa khô, nắng nóng khiến nước bốc hơi làm độ mặn ao nuôi tăng cao”, ông nói.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú, cho biết, theo kết quả khảo sát của đơn vị này ở các vùng biển như tỉnh Kiên Giang, độ mặn không vượt quá 25 phần ngàn (chỉ khoảng 20-22 phần ngàn). Ông đặt câu hỏi tại sao các ao tôm ở tỉnh Bạc Liêu có độ mặn đến 45 phần ngàn, khiến nông dân không nuôi được tôm. Theo ông, nên đưa nước mặn từ biển vào (có độ mặn thấp hơn trong các ao tôm - PV) để kéo giảm độ mặn trong ao, giúp phát triển nuôi tôm, thay vì đắp đê ngăn lại như hiện nay.

Kết quả khảo sát, tìm hiểu của Minh Phú tại Ecuador cho thấy, công ty lớn nhất của quốc gia này nuôi đến 300.000 tấn tôm mỗi năm với độ mặn ao nuôi cao nhất lên đến 38,5 phần ngàn. “Tôi hỏi họ độ mặn hơn 38 phần ngàn có ảnh hưởng tốc độ lớn không, họ bảo tôm vẫn phát triển tương đương với điều kiện nuôi có độ mặn 15-20 phần ngàn, không có ảnh hưởng gì”, ông Quang chia sẻ.

Theo ông Quang, đối với mô hình lúa - tôm, lấy nước mặn phát triển nuôi 1-2 vụ tôm trong mùa khô, và mùa mưa thì lấy nước ngọt để sản xuất lúa. “Bình quân thu nhập của mô hình tôm - lúa là 250 triệu đồng/năm/héc ta, thậm chí có thể đạt 500 triệu đồng/năm/héc ta”, ông dẫn chứng và cho biết tỉnh Kiên Giang đang phấn đấu đạt đến 1 tỉ đồng/héc ta/năm.

Các đại biểu tham dự hội thảo hôm nay, 21-7, tại tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Trung Chánh

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, cho rằng do hạ tầng thuỷ lợi của địa phương chưa đồng bộ nên một số vùng nuôi có độ mặn lên đến 30, 40, thậm chí 50 phần ngàn. “Trước kia mình phát triển thoải mái nhờ lấy nước ngầm để giải quyết bài toán đó, nhưng bây giờ nước ngầm không được sử dụng nên gây ra tình trạng mặn tăng cao”, ông giải thích.

Tuy nhiên, ông Trình Trung Phi ở Tập đoàn thuỷ sản Việt Úc cho rằng, ĐBSCL là vựa tôm nói riêng và thuỷ sản nói chung của cả nước vì có nguồn nước sông với trữ lượng rất lớn. “Ecuador phát triển mạnh con tôm cũng nhờ có nguồn nước sông lớn, gần 1.900 m3/giây đổ ra biển”, ông Phi cho biết và nhấn mạnh nếu ĐBSCL không có nguồn nước sông này thì không thể đáp ứng cho phát triển nuôi tôm được.

Vì vậy, ông Phi ủng hộ quan điểm tận dụng tối đa nguồn nước ngọt của sông Cửu Long dẫn về Bạc Liêu, Cà Mau để bổ sung nước sông vào nước biển, tạo thành nước lợ để phát triển nuôi tôm. “Có nguồn nước này (nước sông) chắc chắn giúp hạn chế được sụt lún đất vì người dân không lấy nước ngầm nuôi tôm nữa”, ông nhận định.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới