Thứ ba, 26/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Mạo hiểm tìm dòng tiền trong khó khăn để duy trì hoạt động sản xuất

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Chưa có tiến triển gì mới, tình hình vẫn "căng như dây đàn", chỉ mong sao các khoản lỗ đừng tăng thêm... là những lời chia sẻ đầy nỗi lo âu của nhiều nhà sản xuất dệt may khi nói về tình cảnh hiện tại và triển vọng sắp tới,  sau hơn nửa năm đầy khó khăn.

Bên cạnh thực trạng sụt giảm đơn hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh của mình, các doanh nghiệp còn đang đối mặt với khó khăn do đơn giá giảm sâu, đối tác trì hoãn nhập hàng khiến lượng tồn kho lớn...

Doanh nghiệp dệt may đã 'đói' đơn hàng nửa cuối năm, đơn giá dệt may còn giảm sâu... Ảnh minh họa: TL

Tiếp tục giảm lao động, thanh lý hàng tồn kho...

Diễn biến tình hình sản xuất của doanh nghiệp dệt may cho đến nay vẫn còn nhiều khó khăn khi mà mới đây thông tin một doanh nghiệp lớn trong ngành tại TPHCM trong nửa đầu năm đã cắt giảm đến gần 2.000 nhân sự, giờ chỉ còn 41 nhân viên.

Đáng chú ý, trong quí 2 vừa qua, Garmex Sài Gòn chỉ ghi nhận doanh thu thuần hơn 100 triệu đồng, giảm gần như toàn bộ so với hơn 125 tỉ đồng cùng kỳ. Chẳng những thế Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn (HOSE: GMC) còn phải đang gánh lỗ hàng chục tỉ đồng khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang.

Theo giải thích của GMC, kết quả kinh doanh nửa đầu năm nay tiếp tục lỗ chủ yếu do chịu ảnh hưởng bởi sự sụt giảm đơn hàng từ các thị trường chính như Mỹ, EU. GMC thiếu đơn hàng, đơn hàng số lượng nhỏ, đơn giá thấp.

Tuy nhiên, theo bảng cân đối tài chính tại Garmex Sài Gòn, một trong những nguyên nhân chính khiến doanh thu tại doanh nghiệp dệt may này sụt giảm trầm trọng là do hụt thu từ đối tác là Công ty cổ phần Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, mã: GIL).

Trong khi đó, lãnh đạo một doanh nghiệp dệt may chuyên gia công xuất khẩu khác tại TPHCM (không cho nêu tên) cũng chính thức đóng xưởng sản xuất sau khi đơn hàng liên tục sụt giảm từ tháng 9 năm ngoái đến nay. Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay đơn hàng liên tục nhỏ giọt và có giá bán thấp, thiếu việc cho người lao động nên ông vừa quyết định tạm dừng sản xuất, cắt lỗ và đồng nghĩa với hàng trăm lao động mất việc làm.

Thị trường dệt may khó khăn, cầu giảm khắp nơi, đơn hàng thiếu hụt, giá cả giảm sâu, cạnh tranh gay gắt... đã ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

Gần đây, Tổng công ty May 10 (MCK: M10) cũng đã công bố báo cáo tài chính quí 2/2023 với doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm. Theo đó, trong quí vừa qua, May 10 thu về 1.018 tỉ đồng doanh thu thuần, giảm 17% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán cũng giảm 17% xuống, còn hơn 915 tỉ đồng do đó lợi nhuận gộp cũng giảm theo, còn 102,6 tỉ đồng.

Doanh nghiệp lý giải, doanh thu trong kỳ giảm do tình hình thị trường khó khăn, đơn hàng thiếu hụt, nhỏ lẻ, thời gian giao hàng ngắn, các đơn hàng truyền thống giảm về cả số lượng và giá trị. Công ty phải tìm kiếm các chủng loại sản phẩm không phải sở trường để thay thế trong khi yêu cầu về chất lượng sản phẩm và thời hạn giao hàng khắt khe làm giảm hiệu quả; giá gia công giảm từ 20 - 50%.

Ngoài ra, tình trạng đơn hàng bị huỷ, tạm dừng sản xuất làm kế hoạch sản xuất bị động, tăng áp lực và chi phí các khâu. Lương tối thiểu tăng 6% nên chi phí bảo hiểm xã hội, chi phí lương tăng. Điều đó đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của công ty trong quí 2.

Tương tự, Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) gần đây công bố doanh thu quí 2 vừa qua chỉ đạt hơn 714 tỉ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp của doanh nghiệp chỉ đạt 95 tỉ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ.

Sau khi trừ chi phí, Dệt may Thành Công báo lãi sau thuế chỉ 2,3 tỉ đồng, giảm 96% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất mà doanh nghiệp này ghi nhận kể từ quí 4-2021.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Dệt may Thành Công ghi nhận doanh thu đạt 1.590 tỉ đồng và lãi sau thuế 56,4 tỉ đồng, lần lượt giảm 26,7% và 56% so với thực hiện nửa đầu năm ngoái.

Có doanh nghiệp quá khó khăn còn mạo hiểm làm việc cấm kỵ của các nhãn hàng. Trong ảnh là một chuyền may xuất khẩu. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Trong cộng đồng các nhà gia công hàng dệt may gần đây còn chia sẻ về những giải pháp bất đắc dĩ của một số đơn vị. Có trường hợp do thiếu tiền vì đối tác không lấy hàng, lượng tồn kho quá lớn nên phải mạo hiểm thanh lý hàng gia công cho người lao động. Mặc dù đây là cách thức "gỡ gạc" phần nào khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng quyết định này có nhiều rủi ro bởi vi phạm quy tắc gia công của các nhãn hàng quần áo thế giới. Nếu các nhãn hàng biết được là sẽ không tiếp tục đặt hàng tại đơn vị này. Nhưng có thể đơn vị nêu trên không còn cách thức nào khác, bởi sức ép phải có một phần doanh thu bù đắp các khoản lỗ, chi trả lương cho người lao động và tiếp tục duy trì dây chuyền sản xuất.

Chỉ mong sao... bớt lỗ nặng

Trải qua gần một năm khó khăn và cầm cự, tình hình tại các doanh nghiệp dệt may vẫn đang rất căng thẳng và chưa có tín hiệu rõ nét về sự hồi phục của đơn hàng. Điều đó dẫn đến một số doanh nghiệp bấm bụng ra quyết định cắt giảm lao động, thậm chí có một số trường hợp doanh nghiệp buộc phải rời khỏi thị trường sau thời gian dài gồng mình bám trụ...

Dù đã qua được hơn nửa chặng đường của năm, nhưng ông Phan Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty May Thành Phát đánh giá tình hình của của công ty hiện vẫn “căng như dây đàn”. Cụ thể, lượng đơn hàng xuất khẩu của Thành Phát hiện chỉ bằng 50% so với cùng kỳ năm trước, riêng thị trường trong nước khoảng 2 tháng gần đây còn giảm mạnh tới 80%.

Ở góc độ hiệp hội, theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội May – Thêu – Đan TPHCM (Agtex), với tình hình khó khăn kéo dài vừa qua lượng doanh nghiệp trong ngành phải cắt giảm lao động hoặc đi đến đóng cửa là điều khó tránh khỏi. Theo ông Hồng quan sát và tìm hiểu thì hơn 10% doanh nghiệp quy mô nhỏ của ngành vì thiếu đơn hàng mà đã rời khỏi thị trường. Đáng chú ý, tình hình doanh nghiệp rao cho thuê lại nhà xưởng hoặc bán cả phần đất cơ sở sản xuất ở một số địa phương khu vực miền Nam là tương đối nhiều...

“Khi không có đơn hàng, gánh nặng chi phí thuê nhà xưởng, trả lương cho công nhân buộc các doanh nghiệp phải đóng cửa. Thậm chí có cả những doanh nghiệp nước ngoài thuê xưởng ở khu vực Thủ Đức, Bình Dương cũng đã đóng cửa, treo biển cho thuê…”, ông Hồng chia sẻ.

Theo ông Hồng, tình hình chung của các doanh nghiệp hiện nay là lượng đơn hàng sụt giảm mạnh tới 30-40%. Trong quý 3 tình hình chưa có tín hiệu rõ nét và cũng chưa thể dự báo được tình hình cuối năm. Hiện các khách hàng vẫn đang ở trạng thái theo dõi diễn biến thị trường, sức mua, tình hình tồn kho…

Đáng chú ý, việc tìm được đơn hàng đã khó nhưng để thực hiện đơn hàng còn khó hơn. Theo ông Chủ tịch Agtex, trước đây các đơn hàng thường được đặt hàng trước 3 tháng, nhưng nay có đơn hàng chỉ đặt trước 1 tháng, thậm chí là tính từng tuần và chủ yếu chỉ đặt số lượng nhỏ và khá đặc thù, theo đó chi phí sản xuất cũng tăng lên cao 10-15%.

"Yêu cầu khó khăn hơn, sản xuất phải nhanh hơn, số lượng lại ít hơn và hàng hóa đặc thù hơn... Thế nhưng các doanh nghiệp vẫn phải ngậm ngùi chấp nhận giá bán ra thấp hơn trước đây để duy trì được sản xuất và giữ chân người lao động", ông Hồng chia sẻ, và cho biết có doanh nghiệp nói dù đơn hàng thậm chí làm ra chỉ hòa vốn hoặc thậm chí là lỗ cũng phải chấp nhận thực hiện.

"Trong tình cảnh khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp dệt may chỉ mong sao duy trì sản xuất, giảm bớt lỗ,... để duy trì sản xuất và công việc làm cho người lao động nhằm chờ thị trường phục hồi và tươi sáng hơn", ông Hồng chia sẻ.

Tương tự, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex, cho biết đặc điểm lớn nhất từ quí 4-2022 cho tới 6 tháng đầu năm nay là đơn hàng rất nhỏ lẻ, manh mún. Đáng chú ý, chưa bao giờ có tiền lệ doanh nghiệp may quy mô vài nghìn lao động phải chấp nhận cả các đơn hàng với 500 - 700 chiếc áo jacket, nhưng bây giờ phải làm. Bởi lẽ theo ông, nếu không làm khách không biết đến và doanh nghiệp sẽ không có đơn hàng sản xuất.

Tại cuộc họp về ngành dệt may nửa đầu năm nay gần đây, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cũng có cuộc họp về ngành với báo cáo nửa đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt đạt 18,6 tỉ đô la Mỹ, giảm 17,6% so với cùng kỳ 2022. Đáng chú ý, xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Canada,... đều giảm. Đáng chú ý là thị trường lớn nhất là Mỹ giảm sâu.

Theo phân tích của Vitas, mức giảm sâu này không chỉ bởi tác động của nền kinh tế mà còn đến từ áp lực “xanh hóa” ngành, chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), EU và Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức (có hiệu lực từ 1-1-2023).

Bên cạnh đó, mặc dù Ngân hàng nhà nước đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành, nhưng do lãi suất huy cao từ cuối năm 2022, nên lãi suất vay vẫn ở mức cao. Doanh nghiệp không tiếp cận được với các gói hỗ trợ, ví dụ giảm lãi suất 2% với gói 40.000 tỉ đồng…

Theo Vitas, dự báo tình hình sản xuất, xuất khẩu sẽ cải thiện dần nhưng khó khăn sẽ còn kéo dài hết năm 2023, do nhiều doanh nghiệp đến nay chưa đủ đơn hàng cho quí 3 và quí 4. Bên cạnh việc thiếu đơn hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh của mình, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với khó khăn do đơn giá giảm sâu, thậm chí giảm đến trên 50% so với bình thường.

Năm 2023, toàn ngành dệt may đặt mục tiêu phấn đấu đạt 39 - 40 tỉ đô la Mỹ. Để hoàn thành mục tiêu, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp cần chú trọng 3 vấn đề cốt lõi.

Thứ nhất, tìm giải pháp giữ chân người lao động, nhất là lực lượng nòng cốt. Tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng nghề, đào tạo nhân lực cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Thứ hai, giữ chân khách hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh, không có lãi để có việc làm cho người lao động và để khách hàng không chuyển đi nơi khác. Xây dựng quan hệ đối tác tin cậy, lâu dài. Khai thác thị trường mới, quan tâm thị trường nội địa.

Thứ ba, giảm tối đa các chi phí chưa thực sự cần thiết của doanh nghiệp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới