Thứ bảy, 9/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Vì sao nhập siêu tăng?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vì sao nhập siêu tăng?

(TBKTSG) - Một số quan chức Chính phủ cho rằng giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới leo thang tác động xấu đến cán cân thương mại của Việt Nam. Điều này có thật nhưng không phải là yếu tố chính, mà chủ yếu là xuất phát từ những bất cập của nền kinh tế liên quan đến cơ cấu hàng xuất khẩu và sản xuất công nghiệp, xu hướng tiêu dùng, hiệu quả đầu tư...

Dầu thô, lương thực không còn thặng dư

Bốn tháng đầu năm nay, nhập siêu của Việt Nam đã lên đến 11,1 tỉ đô la Mỹ (chưa kể phần nhập siêu dịch vụ), gần bằng tổng nhập siêu của cả năm ngoái. Các chuyên gia kinh tế dự báo, mức nhập siêu trong năm 2008 có thể trên 23 tỉ đô la Mỹ, vượt khá xa tổng nhập siêu của cả giai đoạn năm năm 2001 - 2005 (19,54 tỉ đô la Mỹ). Đây là điều bất thường và là mối đe dọa lớn đối với sự phát triển ổn định của nền kinh tế trong những năm tới.

Trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam, những sản phẩm công nghiệp chủ lực là dệt - may, da - giày, điện tử, chế biến gỗ, nhựa... cho đến nay hầu hết vẫn chỉ là gia công ở công đoạn cuối với giá trị gia tăng rất thấp, nên lượng ngoại tệ mang về cho nền kinh tế không nhiều và không đủ để bù đắp cho phần giá trị nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất hàng tiêu thụ ở thị trường nội địa. Nguồn thu ngoại tệ lớn nhất trong những năm qua là xuất khẩu tài nguyên khoáng sản và hàng nông, thủy sản. Nhưng cán cân xuất, nhập khẩu nhiều sản phẩm thuộc nhóm này đã thay đổi, từ thặng dư sang thâm hụt, do số lượng xuất khẩu liên tục giảm sút, trong khi nhập khẩu mỗi năm đều tăng do nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Xin dẫn chứng trường hợp thâm hụt của nhóm hàng lương thực. Bốn tháng qua, Việt Nam thu được 975 triệu đô la Mỹ từ xuất khẩu gạo và hạt điều, nhưng đã phải chi gần 1,036 tỉ đô la Mỹ để nhập lúa mì, dầu ăn và thức ăn gia súc.

Trường hợp xuất khẩu dầu thô và nhập khẩu xăng dầu cũng tương tự. Điều đó cho thấy, cơn sốt giá dầu và lương thực trên thị trường thế giới chẳng những không làm tăng thu nhập mà còn khiến cho tình trạng nhập siêu của Việt Nam thêm nặng nề.

Ăn vào nội lực

Cơ cấu nhập khẩu trong năm ngoái và những tháng đầu năm nay hầu như không thay đổi, nhưng một số sản phẩm nhập khẩu quan trọng đã có sự gia tăng bất thường. Chẳng hạn như thép và phôi thép, ô tô nguyên chiếc và linh kiện, phân bón, hàng điện tử. Theo Tổng cục Thống kê, trong 71% giá trị nhập khẩu tăng thêm trong bốn tháng đầu năm qua, phần tăng do biến động giá chưa tới một phần ba, còn lại là do lượng nhập khẩu tăng.

Tiêu dùng tăng mạnh, trong khi ngành công nghiệp trong nước chưa đủ sức đáp ứng, nhất là những sản phẩm cao cấp, tất yếu sẽ làm tăng nhập khẩu. Hiện chưa có cuộc điều tra nào để phân tích nguyên nhân của xu hướng tiêu dùng này, nhưng rất có thể đó là hệ quả của cơn sốt giá trên thị trường chứng khoán và địa ốc vừa qua.

Vốn trong dân còn rất lớn và cần phải huy động nguồn nội lực đó để phát triển kinh tế. Vấn đề này đã được nói đến rất nhiều trong các cuộc hội thảo trước đây. Trước viễn cảnh có thể làm giàu nhanh chóng qua thị trường chứng khoán và địa ốc, không ít người đã đem tài sản cất trữ ra đầu tư. Nhưng thay vì đưa vào các dự án phát triển kinh doanh, nguồn nội lực đó lại chui vào túi những người “tháo chạy” trước khi bong bóng chứng khoán và địa ốc xì hơi. Theo các doanh nghiệp ngành ô tô và điện tử, nhu cầu tiêu thụ ô tô và hàng điện tử cao cấp tăng vọt trong hai năm gần đây là nhờ có những người làm giàu từ thị trường chứng khoán và đất đai.

Do hiệu quả đầu tư kém

Một quan chức của Bộ Công thương cho rằng, nhập siêu là cần thiết để đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế. Quan điểm của ông xuất phát từ phân tích cơ cấu nhập khẩu, trong đó máy móc thiết bị và nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất chiếm đến 92% tổng giá trị nhập khẩu của cả nước.

Tuy nhiên, đây mới là vấn đề đáng lo ngại nhất. Vì trong khi đầu tư và sản xuất kém hiệu quả, thì đầu tư, sản xuất càng nhiều, nhập siêu sẽ càng lớn và đến một lúc nào đó nền kinh tế sẽ không còn đủ sức để bù đắp cho phần thiếu hụt đó.

Hiệu quả đầu tư giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước đang có khoảng cách lớn. Hiện nay, doanh nghiệp FDI đang chiếm gần 40% giá trị sản xuất công nghiệp và gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong khi đó, tỷ trọng nhập khẩu của khối này lại thấp, chỉ khoảng 44%. Mức đầu tư hàng năm của doanh nghiệp FDI còn thấp hơn khu vực trong nước nhiều, bình quân chỉ chiếm 14-15% tổng đầu tư toàn xã hội. Năm ngoái, tổng vốn đầu tư của khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI gần xấp xỉ nhau, nhưng kết quả về tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp lại rất khác biệt, chênh lệch đến gần 8 điểm phần trăm.

Nhập khẩu ít hơn và mức đầu tư hàng năm khá khiêm tốn, nhưng các doanh nghiệp FDI vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. Kết quả đó phần nào cho thấy tình trạng nhập siêu tăng vọt trong thời gian gần đây chủ yếu bắt nguồn từ hiệu quả đầu tư và sản xuất kém của nền kinh tế, trong đó đáng ngại nhất là khu vực doanh nghiệp quốc doanh. Do vậy, không thể cho rằng, nhập siêu để phục vụ phát triển sản xuất là cần thiết và không đáng ngại.

TẤN ĐỨC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới