Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Luật hóa quyền thu giữ tài sản bảo đảm – liệu có phá được ‘thế lưỡng nan’?

Lưu Minh Sang (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Quyền thu giữ tài sản bảo đảm đã được đưa vào Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) như là một trợ lực quan trọng cho hoạt động xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Bài viết này điểm lại những điểm nghẽn, vướng mắc trong thực tế thu giữ tài sản bảo đảm của các ngân hàng và bình luận những giải pháp của nhà làm luật khi luật hóa quyền này.

Bốn điểm nghẽn lớn

Chủ động xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) được xem là một trong những biện pháp quan trọng để giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) thúc đẩy nhanh chóng hoạt động xử lý nợ xấu. Điều kiện tiên quyết để có thể chủ động xử lý TSBĐ là TCTD phải nắm giữ, kiểm soát hoặc chi phối được TSBĐ một cách hợp pháp. Do đó, Nghị quyết 42/2017/NQ-QH14 (có hiệu lực năm năm từ ngày 15-8-2017) về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD đã dành khá nhiều không gian để quy định chi tiết về điều kiện, thủ tục tiến hành thu giữ TSBĐ.

Thực tiễn triển khai Nghị quyết 42 cho thấy, nếu hoạt động thu giữ TSBĐ được thực hiện một cách hiệu quả sẽ góp phần quan trọng vào hiệu quả xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD, đồng thời đảm bảo được quyền chủ nợ. Tuy vậy, quá trình thu giữ TSBĐ trên thực tế luôn là một thách thức không nhỏ đối với các TCTD vì vướng phải nhiều điểm nghẽn, nút thắt.

Không thỏa thuận, bít đường thu giữ

Theo quy định tại điều 7 Nghị quyết 42, thỏa thuận về thu giữ TSBĐ trong hợp đồng bảo đảm là một điều kiện tiên quyết để phát sinh quyền thu giữ TSBĐ của các TCTD. Do đó, với các hợp đồng được ký kết trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực không tồn tại thỏa thuận về thu giữ TSBĐ thì TCTD không được tiến hành thu giữ trừ khi đàm phán lại với bên vay/bên bảo đảm để ký phụ lục hợp đồng bổ sung nội dung về thu giữ TSBĐ. Thực tế cho thấy, khách hàng có nợ xấu thường không hợp tác nên TCTD dường như không thể thực hiện quyền này.

Chỉ có thể thu giữ tài sản bảo đảm là tài sản “sạch” về pháp lý. Chính phủ phải xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông về tài sản để các cơ quan hữu quan cập nhật tình trạng tài sản và cho phép các bên truy cập dữ liệu theo thủ tục pháp luật quy định.

Rất nhiều ý kiến đề xuất cần mở rộng phạm vi thực hiện quyền theo hướng bổ sung quy định đối với các hợp đồng bảo đảm được ký kết trước ngày Nghị quyết 42 có hiệu lực mà không có thỏa thuận về thu giữ TSBĐ thì TCTD vẫn được thu giữ TSBĐ. Với đề xuất này, quyền thu giữ TSBĐ có thể bị biến đổi bản chất từ quyền phát sinh từ hợp đồng sang một dạng quyền luật định.

Xét về hành vi, thu giữ TSBĐ có tác động trực tiếp đến quyền sở hữu tài sản của người khác, chưa kể đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở nếu TSBĐ là nhà ở. Đây là những quyền hiến định, được pháp luật bảo vệ tại điều 22, 32 Hiến pháp 2013 và điều 163 Bộ luật Dân sự 2015.

Việc thực thi quyền thu giữ TSBĐ luôn tiềm ẩn nguy cơ xung đột với các quyền nói trên. Do đó, để đảm bảo hài hòa các quyền của các bên liên quan và tránh nguy cơ xung đột, yêu cầu tiên quyết về sự ưng thuận của bên vay/bên bảo đảm trong hợp đồng là điều cần thiết.

Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) đã tiếp cận theo hướng tiếp tục duy trì quy định của Nghị quyết 42 và không đề xuất mở rộng phạm vi thực hiện quyền. Người viết cho rằng đây là một lựa chọn hợp lý, mặc dù không thể giải quyết được điểm nghẽn mang tính thời điểm mà các TCTD đang mắc phải nhưng lại đảm bảo được tính hài hòa giữa các quyền và tính ổn định, thống nhất của pháp luật nói chung.

Mù mờ xác minh tình trạng TSBĐ

Theo quy định tại điều 7.2 Nghị quyết 42 thì TCTD chỉ có thể thu giữ tài sản “sạch” về pháp lý. Hay nói cách khác, TCTD không thể thu giữ các tài sản đang tranh chấp, bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, bị kê biên hay áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án. Do đó, TCTD buộc phải xác minh được tình trạng TSBĐ.

Tuy nhiên, cơ chế xác minh thông tin hiện tại còn khá mù mờ trong bối cảnh thiếu cơ sở dữ liệu cho phép các TCTD tra cứu thông tin tài sản từ phía tòa án, cơ quan thi hành án, cơ quan đăng ký tài sản hay sở tư pháp. Thậm chí, hiện tại vẫn tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau về việc xác định thế nào là một tài sản đang có tranh chấp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng tại nhiều cấp, nhiều nơi khác nhau.

Quy định tại điều 7.2 Nghị quyết 42 là hợp lý vì hướng đến việc đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan. Dự thảo Luật các TCTD (sửa đổi) đã tiếp tục kế thừa quy định này. Tuy nhiên, giải pháp cho điểm nghẽn này vẫn còn đang bỏ ngỏ.

Người viết cho rằng giải pháp hữu hiệu nhất và lâu dài là Chính phủ phải xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông về tài sản để các cơ quan hữu quan cập nhật tình trạng tài sản và cho phép các bên truy cập dữ liệu theo thủ tục pháp luật quy định. Đồng thời, pháp luật cần bổ sung quy định để mở đường cho sự tham gia của các tổ chức hành nghề thừa phát lại vào công đoạn xác minh tình trạng pháp lý của TSBĐ và công nhận giá trị pháp lý của kết quả xác minh tình trạng tài sản của tổ chức này như là điều kiện để TCTD tiến hành thu giữ TSBĐ.

Thu giữ nhà, đồ đạc trong nhà biết tính sao?

Từ thực tế thu giữ TSBĐ, nhiều trường hợp bên trong/bên trên tài sản bị thu giữ có các tài sản khác của bên vay/bên bảo đảm/bên thứ ba nhưng chủ sở hữu những tài sản này không tự nguyện di dời. Đơn cử như TCTD thu giữ nhà thì bên trong có hàng loạt vật dụng, nội thất và nhiều tài sản khác có giá trị từ nhỏ tới lớn. Việc xử lý các tài sản này như thế nào là vấn đề pháp luật còn bỏ ngỏ. Điều này dẫn đến hàng loạt vướng mắc trong hoạt động di dời, trông giữ, bảo quản, trách nhiệm đối với mất mát, hư hỏng,… và chi phí phát sinh từ những việc này.

Bộ luật Dân sự 2015 có hai quy định liên quan tại điều 325 và 326. Tuy nhiên, hai quy định này chỉ giải quyết được hai trường hợp: (i) về việc xử lý đối với tài sản trong trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất và; (ii) thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất, mà không thể bao quát được các trường hợp khác phát sinh.

Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) đã không có quy định để giải quyết vướng mắc này. Tuy vậy, người viết cho rằng, các TCTD có thể chủ động bổ sung các nội dung về cơ chế xử lý tài sản nằm trong/nằm trên tài sản bị thu giữ trong hợp đồng bảo đảm để giải quyết điểm nghẽn này.

Thiếu sự hợp tác, phải cậy nhờ công an?

Các TCTD phản ánh việc thu giữ TSBĐ chỉ thành công khi có sự hợp tác từ bên vay/bên bảo đảm hoặc khách hàng bỏ trốn để lại TSBĐ không có tranh chấp, là nhà trống hoặc đất trống,… Không ít trường hợp vấp phải sự chống đối của khách hàng hoặc người đang chiếm hữu TSBĐ và việc thu giữ dường như không thể thực hiện. Nguyên nhân được chỉ ra là do tình trạng “chưa thực sự hỗ trợ” của các cơ quan công quyền trong quá trình thu giữ TSBĐ.

Sở dĩ có quan điểm này là vì điều 7 Nghị quyết 42 có đề cập đến trách nhiệm của cơ quan công an, chính quyền địa phương nơi tiến hành thu giữ TSBĐ thực hiện việc đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình thu giữ TSBĐ theo đề nghị của TCTD. Trường hợp bên bảo đảm không hợp tác hoặc không có mặt theo thông báo của TCTD, đại diện ủy ban nhân dân cấp xã nơi tiến hành thu giữ TSBĐ tham gia chứng kiến và ký biên bản thu giữ TSBĐ.

Dựa trên quy định này, Bộ Công an cũng đã ban hành Quyết định số 9018/QĐ-BCA-A04 ngày 19-11-2019 về “Quy trình công tác đảm bảo an ninh trật tự quá trình thu giữ TSBĐ theo Nghị quyết số 42”. Tinh thần này tiếp tục được kế thừa trong Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi).

Theo tinh thần của quy định trên thì vai trò của cơ quan công an, chính quyền địa phương là đảm bảo an ninh trật tự và chứng kiến. Điều này không đồng nghĩa với việc các cơ quan này phải tham gia vào bất kỳ hành vi mang tính chất thu giữ tài sản nào. Do đó, việc yêu cầu các cơ quan công lực “thực sự hỗ trợ” vào quá trình thu giữ TSBĐ là điều hoàn toàn không phù hợp với tinh thần của quy định pháp luật và cũng không hợp lý.

Hơn nữa, nhà làm luật cần phải cân nhắc về sự hiện diện của cơ quan công quyền trong quá trình thu giữ TSBĐ khi luật hóa quyền này. Bởi lẽ, bản chất của quyền thu giữ TSBĐ là quyền dân sự, được thực hiện dựa trên thỏa thuận của các bên. Cơ quan công lực chỉ nên tham gia khi xuất hiện tình trạng hoặc có nguy cơ rõ ràng về việc có ai đó đang gây mất an ninh, trật tự và an toàn xã hội với một tâm thế trung dung, khách quan và không thiên vị bất kỳ bên nào.

Và tất nhiên, tình trạng bất hợp tác của khách hàng vay (có thể vì rất nhiều lý do) trong việc giao TSBĐ không nên và không thể bị đối xử tương đương với một hành vi gây rối trật tự công cộng và mất an toàn xã hội.

Xét dưới góc độ tâm lý xã hội, sự hiện diện của cơ quan công quyền là một sức ép tâm lý không nhỏ đối với khách hàng vay và người có liên quan. Tại Mỹ, theo một số án lệ liên quan đến quyền thu giữ TSBĐ, tòa án cho rằng sự hiện diện của viên chức cảnh sát vào thời điểm thu giữ tài sản theo yêu cầu của ngân hàng có thể được xem là dấu hiệu của tình trạng phá vỡ sự bình ổn, vi phạm hòa bình và khi đó quyền thu giữ được xem là được thực hiện không hợp pháp.

(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-TPHCM

1 BÌNH LUẬN

  1. Nguyên tắc giao quyền theo luật định phải luôn gắn với người/ tổ chức có thực quyền. TCTD có quyền kinh doanh tiền tệ, có quyền xử lý tài sản để thu hồi nợ, nhưng không/ chưa đủ quyền thu giữ tài sản trên thực tiễn, kể cả trên phương diện hiệu lực pháp lý. Bởi lẽ thu giữ tài sản là hành vi pháp lý chuyên biệt thuộc về trách nhiệm cơ quan công quyền chứ không phải của tổ chức dân sự. Chưa kể việc thu giữ tài sản là bất động sản/ nhà ở… lại càng rắc rối, phức tạp hơn khi nó gắn liền với đời sống sinh hoạt, sinh kế của người vay và nhiều thành viên trong gia đình của họ. Thậm chí khi cơ quan thi hành án kê biên xử lý tài sản nhà ở, đã yêu cầu ngân hàng phải đi thuê nơi ở mới cho người bị kê biên, khi đó cơ quan công quyền mới ra tay thực thi nhiệm vụ của mình ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới