(KTSG Online) - Trong tháng 8, khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện 2-3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, ảnh hưởng đến khu vực Bắc bộ và bắc Trung bộ. Trên đất liền, nhiều nơi trên cả nước sẽ còn có mưa, lượng mưa có nơi trên 170 mm.
- Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đã mạnh lên thành bão
- Biến động nhân sự cấp cao trong cuộc ‘đại phẫu’ của doanh nghiệp bất động sản
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong tháng 8, khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện 2-3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới.
Nhiệt độ trung bình của tháng 8-2023 tại Bắc bộ và Trung bộ cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1 độ C; khu vực Tây Nguyên và Nam bộ ở mức cao hơn khoảng 0,5 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Lượng mưa ở Bắc bộ phổ biến ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 10-25%, riêng khu vực Lai Châu - Điện Biên ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm; khu vực Trung bộ, lượng mưa phổ biến thấp hơn từ 15-30%; Tây Nguyên và Nam bộ phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến ngày 3-8, khu vực Bắc bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to. Lượng mưa phổ biến từ 50-100 mm, có nơi trên 170 mm. Khu vực Tây Nguyên và Nam bộ có lượng mưa phổ biến từ 30-70 mm, có nơi trên 120 mm, chủ yếu tập trung vào chiều và tối.
Từ ngày 4-8, mưa sẽ còn tiếp tục ở khu vực Bắc bộ và bắc Trung bộ, còn khu vực Tây Nguyên và Nam bộ có xu hướng giảm dần. Mức độ rủi ro do thiên tai, mưa lớn và lốc, sét, mưa đá là ở cấp 1.
Thời gian qua, mưa lớn gây thiệt hại tại nhiều địa phương, chẳng hạn như ở Đồng Nai, mưa lớn kéo dài làm ảnh hưởng đến nhà cửa, cây trồng, vật nuôi, gây thiệt hại khoảng 1.000 tấn cá lồng bè.
Ở tỉnh Hậu Giang, mưa lớn kèm dông lốc những ngày qua đã làm sập, tốc mái 33 căn nhà, một nhà kho của người dân tại thành phố Vị Thanh, thị xã Long Mỹ và các huyện Phụng Hiệp, Vị Thủy, Châu Thành A. Ước tính thiệt hại trên 614 triệu đồng.
Còn ở Đắk Lắk, mưa lớn kéo dài đã gây ngập úng cục bộ tại một số khu vực trũng thấp như ở các huyện Lắk, Krông Ana, Ea Súp, Krông Bông. Tính đến cuối tháng 7 vừa qua, địa bàn tỉnh đã có hơn 100 ngôi nhà, gần 4.500 héc-ta diện tích cây trồng bị ngập; một số công trình cơ sở hạ tầng bị hư hỏng.