Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Những nước bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tại châu Á, các nhà nhập khẩu gạo gồm Bangladesh, Nepal, Philippines, Malaysia và Singapore có thể bị ảnh hưởng lớn sau khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng phi basmati hồi tháng trước. Thêm vào đó, nhiều nước ở châu Phi và Trung Đông cũng chịu tác động từ lệnh cấm này.

Lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng phi basmati ảnh hưởng đến hàng triệu ngườ tiêu dùng ở các nước châu Á nhập khẩu như Banladesh, Nepal, Malaysia, Philippines, Singapore cũng như nhiều nước khác ở châu Phi và Trung Đông. Ảnh: knnindia.co.in

Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đã cấm xuất khẩu gạo trắng phi basmati kể từ ngày 20-7 trong nỗ lực kiềm soát giá cả lương thực trong nước và “đảm bảo có đủ gạo trong nước với giá hợp lý”. Lệnh cấm đang thúc đẩy giá gạo trường gạo toàn cầu. Trong đó, hàng triệu người tiêu dùng ở châu Á và châu Phi đang gánh chịu tác động lớn nhất.

“Malaysia dường như là nước dễ bị tổn thương nhất theo phân tích của chúng tôi”, ngân hàng Barclays cho biết trong một báo cáo gần đây, nhấn mạnh sự phụ thuộc khá lớn của nước này vào gạo Ấn Độ.

Cũng theo Barclays, Singapore cũng có khả năng bị ảnh hưởng vì Ấn Độ chiếm khoảng 30% sản lượng của tất cả các loại gạo nhập khẩu của thành phố này. Tuy nhiên, đảo quốc sư tử phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực nói chung, không chỉ gạo. Giới chức trách Singapore đang liên hệ với New Delhi để tìm kiếm sự miễn trừ khỏi lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ.

Người phát ngôn của Cơ quan Lương thực Singapore (SFA) cho biết, nguồn cung gạo nói chung ở Singapore ổn định và có đủ gạo cho nếu mọi người chỉ mua số lượng cần. “Singapore có một chiến lược đa dạng hóa nhập khẩu và dự trữ để quản lý sự gián đoạn chuỗi cung ứng đối với nhập khẩu gạo. Chúng tôi đa dạng hóa và nhập khẩu gạo từ hơn 30 nước”, trích lời người phát ngôn.

Theo SFA, gạo phi basmati của Ấn Độ chiếm khoảng 17% lượng gạo nhập khẩu vào Singapore trong năm 2022.

Giá gạo toàn cầu hiện dao động ở mức cao nhất trong một thập niên giữa lúc hiện tượng thời tiết El Nino đe dọa sản xuất lúa gạo của các nước xuất khẩu lớn khác ở châu Á như Thái Lan, Pakistan và Việt Nam.

Theo Barclays, Philippines sẽ “chịu ảnh hưởng nhiều nhất trước sự gia tăng giá gạo toàn cầu” do gạo là mặt hàng chiếm tỷ trọng nhất trong rổ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này. Tuy nhiên, phần lớn gạo nhập khẩu của Philippines đến từ Việt Nam.

Châu Á không phải là khu vực duy nhất bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ. Nhiều nước nhập khẩu gạo của Ấn Độ ở châu Phi và Trung Đông cũng bị ảnh hưởng.

BMI, đơn vị nghiên cứu của Fitch Solutions nhận định, các thị trường dễ bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ tập trung ở khu vựu châu Phi cận Sahara, khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA). Djibouti, Liberia, Qatar, Gambia và Kuwait là những nơi đối mặt rủi ro lớn nhất, theo BMI.

Ấn Độ cũng đã cấm xuất gạo tấm 100% vào tháng 9 năm ngoái. Điều đó có nghĩa là có tới 40% lượng gạo xuất khẩu của nước này hiện bị cắt đứt khỏi thị trường thế giới, theo BMI.

Đây không phải là lần đầu tiên Ấn Độ áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đối với gạo phi basmati, nhưng tác động lệnh cấm lần này có thể sâu rộng hơn trước. Hồi tháng 10-2007, nước này cũng đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo phi basmati, sau đó tạm dỡ bỏ và cho triển khai trở lại vào tháng 4-2008. Động thái này khiến giá gạo trên toàn tăng gần 30% lên mức cao kỷ lục.

Samarendu Mohanty, giám đốc khu vực châu Á của Trung tâm Khoai tây Quốc tế (CIP), một tổ chức nghiên cứu nông nghiệp ở Peru lưu ý, Ấn Độ không phải là nước đóng vai trò chính trong xuất khẩu gạo phi basmati toàn cầu vào thời điểm đó. Vì vậy, lệnh cấm hiện tại có “tác động sâu rộng hơn” so với 16 năm trước. Mức độ tác động của lệnh cấm sẽ phụ thuộc vào phản ứng của các nhà nhập khẩu và xuất khẩu gạo khác.

Nếu các nhà xuất khẩu gạo lớn như Việt Nam và Campuchia áp đặt hình thức hạn chế xuất khẩu và các nhà nhập khẩu lớn như Indonesia, Malaysia chạy đua mua tích trữ thì thế giới có thể chứng kiến “cơn hỗn loạn xảy ra trên thị trường gạo”.

Mohanty cảnh báo, tình hình thậm chí có thể tồi tệ hơn hậu quả của lệnh cấm xuất khẩu gạo phi basmati của Ấn Độ hồi năm 2007.

“Số người tiêu dùng bị hưởng bởi lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ lên tới hàng triệu người”, Mohanty nói.

Cũng theo ông, những người tiêu dùng nghèo hơn ở các nước láng giềng của Ấn Độ, đặc biệt là Bangladesh và Nepal sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Dự đoán, có rất ít khả năng lệnh cấm xuất khẩu này được dỡ bỏ trong ngắn hạn thậm chí có thể sẽ được duy trì ít nhất cho đến cuộc tổng tuyển cử ở Ấn Độ vào tháng 4-2024.

Ấn Độ đang chật vật ứng phó giá cả tăng cao ở các mặt hàng như rau, trái cây và ngũ cốc. Đây là một vấn đề nhức nhối có thể ảnh hưởng đến tâm lý của cử tri và triển vọng tái đắc cử của Thủ tướng Narendra Modi trong cuộc tổng tuyển cử năm sau.

Lạm phát của nước này đã tăng lên 4,8% trong tháng 6 do giá lương thực tăng vọt. Mức tăng này vẫn nằm trong mục tiêu lạm phát từ 2-6% của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ.

Tuy nhiên, ngân hàng HSBC dự báo, lạm phát của Ấn Độ có nguy cơ đạt mức 6,5% trong tháng 7 và cảnh báo, các sự kiện thời tiết cực đoan có thể gây thêm căng thẳng cho sản lượng lương thực ở đất nước đông dân nhất thế giới.

Theo CNBC, Straits Times

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới