Thứ Bảy, 18/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo để kiểm soát giá cả trong nước

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Kể từ ngày 20-7, Ấn Độ chính thức cấm xuất khẩu các loại gạo trắng, ngoại trừ gạo basmati và gạo đồ, trong một nỗ lực kiểm soát giá lương thực đang tăng mạnh ở trong nước. Với lệnh cấm này, giá gạo trắng 5% tấm của Thái Lan và Việt Nam được dự báo tăng lên 600 đô la Mỹ/tấn.

Ấn Độ cấm xuất khẩu các loại gạo trắng, ngoại trừ gạo basmati và gạo đồ, kể từ ngày 20-7. Ảnh: Zee News

Lệnh cấm, được thông báo thông qua Cục Ngoại thương thuộc Bộ Thương mại Ấn Độ, nói rõ Ấn Độ cấm xuất khẩu ngay lập tức đối với các loại gạo trắng phi basmati (gạo xay xát một phần hoặc toàn bộ, đã hoặc chưa đánh bóng). Nông dân Ấn Độ vẫn được phép xuất khẩu các loại gạo khác, gồm gạo basmati hạt dài và gạo đồ (loại gạo thu được từ thóc được ngâm nước nóng hoặc sấy trong hơi nước rồi phơi khô).

Bộ Các vấn đề tiêu dùng Ấn Độ giải thích, lệnh cấm trên sẽ giúp bảo đảm nguồn cung có sẵn đầy đủ của các loại gạo phi basmati ở trong nước, cũng như làm dịu đà tăng giá ở thị trường nội địa. Giá gạo bán lẻ ở Ấn Độ đã tăng 11,5% trong năm qua và 3% trong vòng một tháng qua.

Theo Bộ Các vấn đề người tiêu dùng Ấn Độ, gạo trắng phi basmati chiếm khoảng 25% lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ.

Giá lương thực bao gồm gạo là vấn đề nhạy cảm ở Ấn Độ. Giá gạo tăng cao sẽ gây bất bình cho cử tri Ấn Độ khi họ sắp bước vào cuộc bầu cử quan trọng, bao gồm tổng tuyển cử toàn quốc vào năm sau.

Devinder Sharma, chuyên gia về chính sách nông nghiệp ở Ấn Độ, cho biết chính phủ đang chủ động ứng phó tình trạng thiếu hụt sản lượng gạo theo dự kiến, khi các vùng trồng lúa ở phía nam đối mặt với nguy cơ mưa khô (hiện tượng mưa bốc hơi trước khi chạm đất) do tác động của hiện tượng thời tiết El Nino vào cuối năm nay.

Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm hơn 40% thương mại gạo toàn cầu. Năm ngoái, Ấn Độ xuất khẩu khối lượng gạo kỷ lục 22,2 triệu tấn, cao hơn lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan, Việt Nam, Pakistan, Mỹ gộp lại. Quốc gia Nam Á này cũng là nước sản xuất gạo lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Ấn Độ xuất khẩu gạo sang hơn 140 nước. Những khách hàng lớn mua gạo phi basmati của Ấn Độ gồm Benin, Bangladesh, Angola, Cameroon, Djibouti, Guinea, Bờ Biển Ngà, Kenya và Nepal. Còn Iran, Iraq và Saudi Arabia chủ yếu mua gạo basmati cao cấp của  Ấn Độ.

Trao đổi với CNBC, các nhà phân tích cảnh báo lệnh cấm của Ấn Độ có thể đẩy giá gạo, vốn đang ở mức cao, tăng hơn nữa sau khi nước này cấm xuất khẩu gạo 100% tấm hồi tháng 9 năm ngoái.

“Nguồn cung gạo toàn cầu sẽ thắt chặt đáng kể, vì Ấn Độ là nhà sản xuất gạo lớn thứ hai thế giới”, Eve Barre, nhà kinh tế ASEAN của Công ty bảo hiểm tín dụng thương mại Coface, nói.

Barre cho biết Bangladesh và Nepal sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do lệnh cấm này, vì cả hai nước đều là những điểm đến xuất khẩu hàng đầu của gạo Ấn Độ.

Theo Barre, ngoài tác động từ nguồn cung gạo toàn cầu suy giảm, phản ứng hoảng loạn và đầu cơ trên thị trường gạo toàn cầu sẽ càng đẩy cao hiệu ứng tăng giá.

Trong một báo cáo gần đây, Công ty phân tích nông nghiệp Gro Intelligence dự đoán lệnh cấm của Ấn Độ có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực đối với các nước phụ thuộc nhiều vào gạo nhập khẩu.

“Các điểm đến hàng đầu của gạo Ấn Độ bao gồm Bangladesh, Trung Quốc, Benin và Nepal. Các nước châu Phi khác cũng nhập khẩu một lượng lớn gạo Ấn Độ”, các nhà phân tích của Gro Intelligence viết.

Ấn Độ xuất khẩu gạo sang hơn 140 quốc gia. Những người mua chính gạo non-basmati của Ấn Độ bao gồm Benin, Bangladesh, Angola, Cameroon, Djibouti, Guinea, Bờ Biển Ngà, Kenya và Nepal. Còn Iran, Iraq và Saudi Arabia chủ yếu mua gạo basmati cao cấp từ Ấn Độ.

Nhà kinh tế cấp cao Radhika Rao của Ngân hàng DBS cho biết, các nhà nhập khẩu bị ảnh hưởng có thể chuyển sang các nhà cung cấp thay thế trong khu vực, như Thái Lan và Việt Nam.

“Lạm phát giá cao đã tăng tốc từ mức trung bình 6% hàng năm vào năm ngoái lên gần 12% trong tháng 6-2023”, Rao nói.

Giá gạo toàn cầu đang dao động ở mức cao nhất trong thập niên, một phần do nguồn cung thắt chặt hơn khi lương thực này trở thành lựa chọn thay thế hấp dẫn do giá của các loại ngũ cốc quan trọng khác như lúa mì tăng mạnh sau cuộc xung đột Nga-Ukraine hồi đầu năm ngoái.

Trong tuần này, giá lúa mì trên thị trường quốc tế tăng vọt do Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen vốn cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua biển này.

Ấn Độ đang chật vật ứng phó đà tăng giá của rau quả, trái cây và ngũ cốc. Giá cà chua ở Ấn Độ tăng hơn 300% trong những tuần gần đây do thời tiết bất lợi. Một cuộc thăm dò của Reuters dự đoán lạm phát của Ấn Độ có thể đạt 4,58% so với cùng kỳ năm ngoái do giá lương thực tăng vọt.

Oscar Tjakra, nhà phân tích cấp cao của ngân hàng nông nghiệp Rabobank, dự đoán giá gạo toàn cầu sẽ tăng hơn nữa do thị trường quốc tế bị hụt một nguồn cung lớn từ Ấn Độ. Tjakra dự báo, giá gạo thậm chí có thể vượt qua mức cao nhất trong quí 2 với 18 đô la/cwt (1 cwt tương đương 45,359 kg).

Ashok Gulati, giáo sư tại Hội đồng Nghiên cứu quan hệ kinh tế quốc tế Ấn Độ, nhận định: “Đây là một phản ứng gấp gáp, đặc biệt là kể từ ngày 1-7, lượng gạo dự trữ của chính phủ đã cao ba lần so với định vùng đệm dự trữ thông thường”.

B.V. Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, nói với Reuters: “Ấn Độ sẽ làm đứt gãy thị trường gạo toàn cầu với tốc độ nhanh hơn nhiều so với tác động của cuộc chiến Nga-Ukraine đối với thị trường lúa mì”.

Gạo là lương thực chính của hơn 3 tỉ người và gần 90% lúa gạo được sản xuất ở châu Á, nơi mô hình thời tiết El Nino thường gây khô hạn, làm giảm sản lượng gạo.

“Lệnh cấm xuất khẩu đột ngột của Ấn Độ sẽ gây tổn thương lớn cho các nước nhập khẩu vì họ không thể tìm kiếm các lô hàng gạo thay thế từ bất kỳ nước nào khác”, Rao nói.

Ông cho rằng lượng gạo dự trữ của Việt Nam và Thái Lan sẽ không đủ để lấp khoảng trống nguồn cung ở Ấn Độ. Một thương nhân châu Âu cho biết khách hàng có thể chuyển sang mua gạo từ Thái Lan và Việt Nam, có thể đẩy giá gạo 5% tấm của hai nước này tăng lên mức 600 đô la/tấn.

Theo CNBC, Reuters, BBC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới