(KTSG Online) – Sau khi cân đối giữa nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như khả năng đáp ứng từ hoạt động sản xuất, lượng gạo có khả năng phục vụ cho xuất khẩu năm 2023 ít nhất cũng đạt 7,5 triệu tấn. Điều này cho thấy, Việt Nam không lo thiếu gạo cho xuất khẩu trong năm 2023.
Tại hội nghị "triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo" diễn ra vào hôm nay, 4-8, ở thành phố Cần Thơ, ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, dự kiến cả năm 2023 cả nước sẽ xuống giống được 7,1 triệu héc ta lúa các loại, với năng suất bình quân đạt 6,07 tấn/héc ta.
Như vậy, dự kiến sản lượng lúa hàng hoá năm 2023 đạt trên 43,1 triệu tấn, tăng 452.000 tấn so với năm 2022.
Theo ông Đông, hiện các địa phương cũng đẩy mạnh tiến độ gieo sạ vụ Mùa và vụ Thu đông năm 2023 với diện tích dự kiến tăng 50.000 héc ta so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 700.000 héc ta.
Trong khi đó, tính đến cuối tháng 7-2023, các địa phương trong cả nước đã thu hoạch gần 3,7 triệu héc ta, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng với năng suất trung bình tăng 0,8% (đạt đạt 65,7 tạ/héc ta), cho nên, sản lượng lúa đã thu hoạch trong 7 tháng đầu năm 2023 đạt trên 24,1 triệu tấn.
“Từ nay đến cuối năm, nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết, thì sản lượng lúa sẽ đảm bảo kế hoạch đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu”, ông Đông cho biết.
Cụ thể, sau khi cân đối cho các nhu cầu lúa gạo trong nước, thì lượng lúa có khả năng phục vụ cho xuất khẩu trong năm 2023 đạt khoảng 15,1 triệu tấn, tương đương đạt khoảng 7,5 triệu tấn gạo.
Cũng theo ông Đông, ước tính 7 tháng đầu năm 2023, sản lượng gạo xuất khẩu đạt khoảng 4,83-4,84 triệu tấn. Do đó, lượng gạo hàng hoá có khả năng phục vụ cho xuất khẩu trong 5 tháng cuối năm còn khoảng 2,66-2,67 triệu tấn. “Đó là chưa kể lượng lúa nhập khẩu từ Campuchia để phục vụ chế biến xuất khẩu”, ông nhấn mạnh.
Theo một nguồn tin của KTSG Online, đến cuối tháng 7-2023, lượng lúa hàng từ Campuchia bán sang Việt Nam đạt ít nhất khoảng 2 triệu tấn, tương đương khoảng 1,2 triệu tấn gạo. Trong khi đó, số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ cho biết, 5 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu từ quốc gia này khoảng 370.000 tấn gạo.
Như vậy, nếu tính thêm lượng gạo từ Campuchia bán sang Việt Nam cũng như từ Ấn Độ, thì sau khi cân đối cho các hoạt động nhu cầu tiêu dùng trong nước, lượng gạo có khả năng phục vụ cho xuất khẩu của Việt Nam năm 2023 có thể lên đến con số trên 9 triệu tấn.
Trong một diễn biến có liên quan, sau khi Ấn Độ có quyết định cấm xuất khẩu gạo (trừ gạo basmati), giá lúa gạo nội địa và xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng cao.
Đối với giá xuất khẩu, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, sau khoảng hai tuần kể từ khi Ấn Độ cấm xuất khẩu (từ ngày 20-7), giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng hơn 60 đô la Mỹ/tấn, từ mức 535 tăng lên mức 602 đô la Mỹ/tấn; giá gạo Jasmine của Việt Nam cũng tăng từ mức 625 lên trên 690 đô la Mỹ/tấn.
Trong khi đó, đối với thị trường lúa gạo trong nước, báo cáo của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, tính đến ngày 27-7 vừa qua, giá lúa gạo nội địa tăng 368-441 đồng/kg so với tháng trước đó và tăng 1.300-1.900 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái (tuỳ loại); giá gạo cũng tăng 850-940 đồng/kg so với tháng trước và tăng 2.400-3.400 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái (tuỳ loại).
Đặc biệt, theo ông Đông, sau khi Ấn Độ có lệnh cấm xuất khẩu gạo kể từ ngày 20-7, thì giá lúa gạo thị trường nội địa tăng từng ngày, từ 50-100 đồng/kg.