Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đề xuất quy định từ 2025 sẽ không được rút BHXH một lần

T.Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có điểm mới là đề xuất phương án người lao động đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ năm 2025 sẽ không được rút BHXH một lần.

Người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ thời điểm Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực thì không được nhận bảo hiểm xã hội một lần. Ảnh: TL

TTXVN cho biết, dự thảo luật đang sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng quyền lợi, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Tờ trình nêu ra hai phương án quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Phương án một quy định việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau gồm nhóm những người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi lần này có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần. Tuy nhiên, nếu người lao động chọn bảo lưu thì sẽ được hưởng các quyền lợi bổ sung.

Đối với nhóm người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ thời điểm luật này có hiệu lực trở đi (dự kiến từ 1-7-2025) thì không được nhận bảo hiểm xã hội một lần, trừ những trường hợp như đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành.

Phương án hai có quy định là sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Theo đánh giá, phương án này hài hòa quyền lợi người lao động và chính sách an sinh xã hội lâu dài. Người lao động khi tiếp tục tham gia sẽ được cộng nối thời gian đóng để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội với quyền lợi hưởng cao hơn. Bên cạnh đó, người lao động có động lực hơn để tiếp tục tham gia, tích lũy quá trình đóng để đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Sau 7 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, trong 4,5 triệu lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, có gần 1,3 triệu lượt người lại tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội. Số này chiếm gần 28% tổng số lượt người nhận BHXH một lần giai đoạn 2016-2022.

2 BÌNH LUẬN

  1. Ủa, tiền của người dân đóng, khi họ cần thì họ phải được ưu tiên rút chứ. Thực phẩm thì bẩn, hóa chất đầy, chất lượng sống, môi trường không được đảm bảo, tuổi thọ con người giảm, thì việc rút hay đóng tiếp tục nên để người dân họ quyết định. Tuổi hưu thì tăng, người dân đóng cho nhiều vào, có xem tỷ lệ người chưa nhận được lương hưu mà chết hoặc chết sau vài năm nhận lương hưu có nhiều không? Vậy tại sao lại không cho người ta nhận, trong khi đó là tiền của họ?

  2. Nhà nước có quyền cấm. Người dân có quyền lựa chọn. Hai quyền này chỉ được hóa giải một khi chính sách đặt ra phải đi vào cuộc sống chứ không phải cứ ở mãi bên lề cuộc sống. Nhà nước ta có bổn phận cao cả với mọi công dân của mình, với tinh thần “không để ai ở lại phía sau”. Khẩu hiệu này nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực ra không đơn giản chút nào để hiện thực hóa. Bao nhiêu số phận, nghèo khổ, khó khăn, cô đơn, không nơi nương tựa… Liệu ai có thể lo cho họ một chốn nương thân/ một chỗ dựa tối thiểu ? Nếu đó không phải là nhà nước ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới