(KTSG Online) - Thị trường ô tô đang chứng kiến câu chuyện các nhà lắp ráp xe trong nước sụt giảm doanh số dù người mua được hưởng chính sách giảm 50% phí trước bạ, trong khi xe nhập khẩu nguyên chiếc lại có số lượng bán ra tăng cao.
- Thị trường ô tô mong ngóng sức bật những tháng cuối năm
- Bộ Giao thông Vận tải đề xuất hỗ trợ 1.000 đô la Mỹ/xe khi mua xe điện
Từ ngày 1-7 vừa qua, người mua ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được hưởng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ và giới kinh doanh kỳ vọng ưu đãi này sẽ giúp cho thị trường này khởi sắc.
Tuy nhiên sau một tháng áp dụng giảm phí trước bạ, nhiều dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước vẫn tiêu thụ chậm, thậm chí giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo được Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố vào ngày 14-8, cho thấy trong tháng 7 vừa qua, lượng bán hàng của toàn thị trường đạt 24.687 xe, tăng 4% so với tháng trước đó, nhưng vẫn giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, trong tháng vừa qua, các thành viên viên của VAMA bán được 19.221 du lịch, 5.318 xe thương mại, và 148 xe chuyên dụng, tương ứng tăng 11%, giảm 16% và tăng 21% so với tháng trước đó.
Đáng chú ý, theo báo cáo của tổ chức chi phôi phần lớn thị trường ô tô trong nước này, trong tháng 7 vừa qua, lượng bán hàng của xe lắp ráp trong nước (người mua được giảm 50% phí trước) có lượng tiêu thụ giảm 12% so với tháng trước đó, chỉ đạt đạt 13.575 xe.
Ngược lại, ô tô nhập khẩu nguyên chiếc dù không được hưởng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ từ Chính phủ nhưng lại có kết quả lượng bán ra tăng đến 34% so với tháng 6 trước đó, đạt 11.112 xe.
Với mức giảm 50% phí trước bạ đồng nghĩa với việc khách hàng mua xe lắp ráp trong nước chỉ phải đóng phí 5-6% giá trị xe, thay vì 10-12% như trước. Đây là cơ hội tốt giúp khách hàng có thể tiết kiệm từ vài chục đến cả trăm triệu đồng khi sở hữu các mẫu xe ô tô lắp ráp trong nước.
Tuy nhiên, thực tế lại không như kỳ vọng của các nhà kinh doanh ô tô. Sau hơn một tháng có hiệu lực, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước vẫn chưa thể vực dậy sức mua trên thị trường ô tô. Tình hình kinh doanh tại nhiều đại lý ô tô vẫn rất ảm đạm.
Trên thực tế, trong bối cảnh thị trường khó khăn hiện nay, nếu nhà kinh doanh xe lắp ráp trong nước chỉ áp dụng giảm 50% phí trước bạ theo chính sách mà không khuyến mãi, giảm giá,… thì khó có thể hút khách hàng mua xe. Bởi lẽ trong tình hình thị trường ảm đạm, nhiều nhà phân phối xe nhập khẩu nguyên chiếc không chỉ cạnh tranh bằng cách tự tặng 50% phí trước bạ cho khách mà còn giảm tiền mặt vài chục đến cả trăm triệu, kéo dài thời gian bảo hành, tặng quà giá trị khác... cho khách mua.
Trước đó, trao đổi với KTSG Online, các đại lý ô tô Toyota, Mazda, Hyundai, Kia… cho biết từ khi chính sách giảm giá phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước (ngày 1-7) đến nay, sức mua vẫn chưa tăng cao như mong đợi. Lượng khách hàng đến xem có tăng nhẹ, nhưng lượng mua xe tại đại lý vẫn không nhiều như lúc thị trường ổn định trước đây.
Cũng theo VAMA, tính chung lượng bán hàng của toàn thị trường trong 7 tháng đầu năm 2023 đạt 145.496 xe, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó ô tô du lịch giảm 34%; xe thương mại giảm 13% và xe chuyên dụng giảm 63% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến hết tháng 7, lượng bán hàng của xe lắp ráp trong nước đạt gần 91.160 xe, giảm đến 34% trong khi xe nhập khẩu nguyên chiếc đạt 70.855 xe, chỉ giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2023/NĐ-CP về việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp trong nước, có hiệu lực từ ngày 1-7-2023.
Sau 2 lần từng được ban hành vào năm 2020 và 2021, chính sách giảm 50% phí trước bạ này đã tạo ra những hiệu ứng tích cực, góp phần kích thích tâm lý mua sắm ô tô của người dân, đồng thời giúp các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ô tô lấy lại đà tăng trưởng bán hàng.
Theo các nhà kinh doanh ô tô, chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ của nhà nước đợt này có thể phần nào giúp thúc đẩy thị trường sôi động hơn nhưng hiệu quả khó được như những năm trước đó. Phía các đại lý cùng nhà sản xuất vẫn nỗ lực duy trì các chương trình ưu đãi, giảm giá nhưng nhìn chung, sức mua vẫn chưa có sự tăng trưởng đột phá bởi tình hình kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều khó khăn.