(KTSG) - Trong mùa mưa năm nay các vụ sạt lở chết người và gây ra thảm họa môi trường đã xuất hiện ở nhiều nơi. Để tránh xảy ra thêm những tai nạn sạt lở, cần sớm rà soát lại những dự án đã cấp phép, đang hoạt động và điều chỉnh nếu cần thiết để việc vận hành, xây dựng bảo đảm an toàn hơn cho người dân sống chung quanh.
- Chính phủ đốc thúc khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL
- Mưa sẽ kéo dài đến hết 8-8, sạt lở còn xảy ra ở nhiều nơi
Phải sớm tháo ngòi nổ những trái bom nổ chậm sạt lở vì càng để lâu càng khó ngăn chặn. Chẳng hạn như vụ rừng phòng hộ ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) bị phá xây nhà nghỉ, biệt thự. Năm 2019, Thanh tra thành phố Hà Nội đã kết luận có gần 800 công trình vi phạm phải cưỡng chế trả lại nguyên trạng đất rừng ban đầu.
Thế nhưng việc xây dựng nhà nghỉ trái phép để kinh doanh sau kết luận thanh tra vẫn không ngừng lại và hồi đầu tháng 8 này ở khu vực này đã xảy ra một vụ sạt lở đất. Với cách khoét vào chân đồi núi, phá rừng, lấp suối để xây dựng nhà, khu vực này đang tiềm ẩn nguy cơ gây ra những vụ sạt lở với hậu quả nghiêm trọng hơn trong tương lai.
Dừng dự án dù đã cấp phép khi có nguy cơ sạt lở
Sau các vụ sạt lở gần đây tại Đà Lạt, chính quyền địa phương đã rà soát các công trình xây dựng có nguy cơ sạt lở. Trong số này có dự án khu nhà ở Thung lũng hoa Đà Lạt được yêu cầu ngưng thi công và liên hệ với các đơn vị tư vấn khảo sát, đánh giá việc san lấp. Chủ dự án được yêu cầu tổ chức quan trắc các điểm đã san lấp làm cơ sở đưa ra giải pháp thiết kế và khoanh vùng nguy hiểm tại dự án.
Khu nhà ở này có diện tích đến 1,5 héc ta, nằm trên triền dốc cao vài chục mét và ngay phía dưới là những khu dân cư đông đúc. Khi dự án bắt đầu được san lấp đã xuất hiện những khe nứt và có vài vị trí sạt lở đã được cơ quan chức năng ghi nhận. Dự án đang trong giai đoạn đào đất, làm đường đi nội bộ và xây kè.
Chính quyền Đà Lạt cũng yêu cầu chủ đầu tư phải di dời toàn bộ máy móc, thiết bị ra khỏi khu vực; có biện pháp thu gom nước mặt, nước thải tại dự án, thực hiện phủ bạt các khu vực có nguy cơ sạt lở(1).
Việc rà soát và yêu cầu tăng cường biện pháp bảo vệ như vậy là hết sức cần thiết trong bối cảnh sạt lở liên tiếp xảy ra. Không chỉ ở Đà Lạt mà chính quyền các địa phương khác có nhiều khu vực đồi núi với nguy cơ sạt lở cao cũng cần rà soát như vậy.
Còn bao nhiêu hồ chứa có nguy cơ như Tả Phời?
Đầu tuần qua, vụ nước và bùn thải chứa nhiều chất độc hại từ hồ chứa nước thải của một nhà máy đồng ở tỉnh Lào Cai tràn xuống khu dân cư làm nảy sinh câu hỏi: Liệu các thảm họa môi trường như vậy có còn xảy ra tiếp ở những khu mỏ khác hay không?
Sáng 8-8 tại tỉnh Lào Cai, hệ thống cống thoát nước mặt của hồ chứa nước thải quặng đuôi của nhà máy tuyển đồng Tả Phời (Công ty cổ phần Đồng Tả Phời - Vinacomin) bị vỡ, bùn nước đen kịt trong hồ chảy xuống gây ngập khu vực dân cư bên dưới, bao gồm cả khu vực có trụ sở UBND xã Tả Phời.
Sau sự cố, ruộng vườn, nhà cửa 46 hộ dân với hàng trăm người bị bùn thải đen ngòm, hôi thối cao đến nửa mét bao phủ. Nước lẫn bùn thải còn chảy vào một con suối là nguồn nước tưới nông nghiệp. Nước này có thể từ suối chảy tiếp ra sông khiến ô nhiễm lan rộng hơn, xa hơn về phía hạ lưu.
Chính quyền địa phương và doanh nghiệp quản lý mỏ đã tiến hành thống kê thiệt hại tài sản để đền bù cho người dân nhưng đó chỉ là phần nổi và dễ xử lý nhất trong sự cố này. Vấn đề đáng lo ngại hơn là cho đến nay phía doanh nghiệp vẫn chưa đưa ra được ước tính số lượng bùn tràn ra và trong bùn có chứa những chất độc hại gì(2).
Trong khi đó, nước thải của quá trình luyện kim (được gọi là quặng đuôi) thường chứa kim loại nặng và chất phụ gia như acid hay có thể có cả cyanur. Đây là những chất độc hại với da, đường hô hấp, đường ruột và là các tác nhân gây ung thư.
Báo cáo của UBND tỉnh Lào Cai cho biết, vụ vỡ đường ống thoát nước hồ thải bùn đuôi quặng của Công ty cổ phần Đồng Tả Phời đã khiến 49 héc ta lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy sản của bốn xã phường Pom Hán, Bình Minh, Tả Phời, Cam Đường bị vùi lấp với độ dày 10-40 cen ti mét. Hậu quả về ô nhiễm nguồn nước rất nặng nề vì gần 50 giếng nước ăn bị bùn vùi lấp, các nguồn nước tưới tiêu cũng phải ngưng sử dụng chờ cơ quan chuyên môn đánh giá mức độ ô nhiễm(3).
Cần rà soát các dự án mỏ đang và sẽ khai thác
Người dân xã Tả Phời cho báo chí biết, đây không phải lần đầu xảy ra sự cố từ các hồ ở mỏ đồng Tả Phời. Năm 2020, nước từ hồ sự cố (cạnh hồ thải) của nhà máy tuyển quặng đồng từng chảy xuống khu dân cư.
Người dân đã đề nghị chính quyền cho tái định cư nơi khác nhưng đến nay vẫn chưa bố trí được khu vực chuyển dân đi. Thậm chí những hộ dân ở gần khu vực hồ chứa mỗi khi có mưa lớn còn cử người lên xem hồ chứa có nguy cơ tràn nước hay không như một cách tự bảo vệ mình(4).
Tất cả dự án khai thác mỏ đều phải có bản đánh giá tác động môi trường (ĐTM), tuy nhiên không hẳn mọi vấn đề đều được tính toán đầy đủ. Chẳng hạn, mới đây dự án sân bay Long Thành khi bắt đầu thi công đã tạo ra những trận bão bụi đỏ khổng lồ tràn ngập khu vực chung quanh trong nhiều tháng khiến người dân phải chịu đựng hết sức khổ sở.
Để tránh những thảm họa môi trường trong tương lai, cần tổng rà soát tất cả những khu mỏ có hồ chứa nước thải độc hại. Cần nghiên cứu phương án điều chỉnh thiết kế để những hồ chứa nước thải đầy hóa chất độc hại của các khu mỏ không nằm ngay phía trên khu dân cư như trường hợp mỏ Tả Phời.
Trong bối cảnh hiện tượng thời tiết El Nino đang quay trở lại sẽ gây ra mưa bão bất thường, cần rà soát lại dữ liệu trong các ĐTM đã lập xem còn phù hợp với điều kiện thời tiết khắc nghiệt hơn không. Phải xem lại ĐTM của những khu mỏ tương tự xem có đủ bảo đảm an toàn cho người dân sống chung quanh hay chưa.
Trước khi bắt đầu vận hành những nhà máy tuyển quặng, phải đánh giá tác động môi trường kỹ càng, không để tạo ra những “trái bom nổ chậm” như mỏ đồng Tả Phời. Những vụ ô nhiễm như vậy sẽ phải mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền của để dọn dẹp, xử lý.
Đối với các công trình xây dựng trên địa hình đồi dốc, cần khảo sát và mạnh tay xử lý, yêu cầu ngừng thi công như trường hợp dự án Thung lũng hoa ở Đà Lạt.
Nếu chính quyền không làm mạnh tay để ngăn chặn sớm, một khi công trình xây dựng đã mọc lên việc cưỡng chế sẽ rất nhiêu khê và kéo dài như trường hợp ở Sóc Sơn.
Quan trọng nhất vẫn là ngăn chặn để không xảy ra các vụ sạt lở trong tương lai vì thiệt hại lớn về sinh mạng sẽ không ít khi thảm họa xảy ra.
(3) https://vnexpress.net/4-phuong-xa-bi-thiet-hai-do-su-co-bun-thai-tuyen-quang-4640977.html
nhìn hình mà quí báo chụp đã nói lên tất cả ! cả đống nhà betong trên đỉnh với taluy 60 độ ,chuyện trượt đất chỉ còn là may rủi