(KTSG Online) - Chưa hết năm 2023 nhưng tổng số tiền mà nhà đầu tư nước ngoài đổ vào ngành khách sạn của Nhật Bản đã vượt con số của cả năm 2022. Đà phục hồi du lịch nhanh chóng và mức lạm phát cao nhất trong bốn thập niên ở Nhật Bản đang thúc đẩy cơn bùng nổ đầu tư khách sạn ở đất nước của núi Phú Sĩ.
- Tiền Trung Quốc chảy vào nhà trọ suối nước nóng của Nhật Bản
- Nhật Bản lo quá tải vì làn sóng du lịch ‘trả thù’
Theo MSCI Real Assets, các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm Goldman Sachs KKR và Blackstone đã chi tổng cộng 2 tỉ đô la Mỹ cho các giao dịch đầu tư khách sạn ở Nhật Bản trong năm nay. Đây là khoản đầu tư lớn nhất của nhà đầu tư nước ngoài so với bất kỳ lĩnh vực nào khác trong lĩnh vực bất động sản thương mại ở châu Á. Con số đó cao hơn khoản đầu tư 1,4 tỉ đô la mà nhà đầu tư nước ngoài rót vào ngành khách sạn của Nhật Bản trong cả năm 2022.
Nhu cầu lưu trú mạnh mẽ của du khách và giá cả tăng cao tạo ra các điều kiện lý tưởng để đầu tư. Trong môi trường lạm phát, các khách sạn có khả năng thay đổi giá phòng theo thời gian thực để theo kịp lạm phát, khiến ngành này trở nên hấp dẫn hơn so với các phân khúc đầu tư căn hộ, văn phòng hoặc nhà kho, nơi giá cho thuê thấp hơn có thể được chốt trước trong nhiều năm. Quan trọng hơn, đồng yên yếu khiến Nhật Bản trở nên hấp dẫn hơn đối với khách du lịch và các nhà đầu tư đến từ những nước có đồng tiền mạnh hơn.
“Chúng tôi đang tích cực tìm kiếm các cơ hội mua lại mới. Khi thị trường du lịch Nhật Bản thu hút lượng khách quốc tế ngày càng tăng, thị trường khách sạn có cơ hội phát triển và đa dạng hóa để đáp ứng các loại nhu cầu lưu trú khác nhau”, Kenny Ho, CEO của quỹ đầu tư Envision Investment Management, có trụ sở tại Đài Bắc (Đài Loan), nói. Quỹ này tập trung vào các khoản đầu tư bất động sản giá trị gia tăng ở Nhật Bản và Đài Loan.
So với trước đại dịch, du khách đến Nhật Bản đang chi tiêu nhiều hơn. Theo dữ liệu từ Cơ quan Du lịch Nhật Bản, phần lớn số tiền đó là chi phí lưu trú, ăn uống và giải trí. Sau nhiều năm giảm phát, chỉ số giá tiêu dùng cơ bản của Nhật Bản, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm tươi sống, đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1981.
Những yếu tố này báo hiệu lĩnh vực khách sạn còn nhiều dư địa để mở rộng. Hiện nay, cả số lượng du khách đến Nhật Bản và công suất phòng khách sạn vẫn ở dưới mức của năm 2019. Tuy nhiên, giá phòng trung bình hàng ngày trong nửa đầu năm cao hơn trung bình 16% so với giá phòng trong nửa đầu năm 2019, theo nhà cung cấp dữ liệu bất động sản CoStar.
“Đây là một trong số ít lĩnh vực ở Nhật Bản có lợi tức thu nhập thực sự tăng lên”, Benjamin Chow, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu bất động sản châu Á của MSCI MSCI Real Assets, nhận xét.
Đầu tháng này, Daisuke Kitta, người đứng đầu bộ phận bất động sản Nhật Bản của quỹ quản lý tài sản lớn nhất thế giới Blackstone, cho biết các khách sạn đứng đầu danh sách ưu tiên thâu tóm của quỹ này. Blackstone đang quay trở lại tìm kiếm các giao dịch mua sau khi thu về 4,5 tỉ đô la từ các thương vụ bán bất động sản ở Nhật Bản hồi năm ngoái.
Tháng trước, một nhóm nhà đầu tư gồm Goldman Sachs Asset Management, Abu Dhabi Investment Authority (quỹ đầu tư chủ quyền của Tiểu vương quốc Abu Dhabi) và SC Capital Partners đã thực hiện mua một danh mục gồm 27 khách sạn với giá khoảng 900 triệu đô la ở Nhật Bản. Đây là các khách sạn nghỉ dưỡng này nằm ở các điểm đến du lịch nổi tiếng trên cả nước với tổng cộng 7.124 phòng.
Suchad Chiaranussati, Chủ tịch kiêm sáng lập SC Capital Partners, cho biết giao dịch này là cơ hội hiếm hoi sở hữu một trong những danh mục khách sạn lớn và nổi bật ở Nhật Bản.
“Lĩnh vực bất động sản của Nhật Bản tiếp tục mang lại lợi nhuận vượt trội và thị trường khách sạn của đất nước này có vị thế tốt để tăng trưởng nhờ sự phục hồi của du lịch”, Mohamed Al Qubaisi, giám đốc bộ phận bất động sản của Abu Dhabi Investment Authority, nói.
Vào mùa hè này, quỹ đầu tư BentallGreenOak của Canada cũng chốt mua một khách sạn của Ritz-Carlton ở thành phố Fukuoka. Trong khi đó, KKR và Gaw Capital công bố một thỏa thuận mua Tokyo Hyatt Regency, một khách sạn sang trọng nằm ở trung tâm Tokyo hồi tháng 3. Giá của giao dịch không được tiết lộ nhưng truyền thông Nhật Bản cho biết, chủ khách sạn này ban đầu ra giá khoảng 100 tỉ yen (688 triệu đô la) khi có ý định bán vào năm ngoái.
Tuy nhiên, ngành khách sạn của Nhật Bản vẫn đối mặt với những thách thức dai dẳng, đặc biệt là tình trạng thiếu lao động đang trở nên trầm trọng hơn. Điều này có thể cản trở hoạt động kinh doanh cũng như lợi nhuận của ngành khách sạn, theo hãng dịch vụ bất động sản Savills.
Đối với các nhà đầu tư tìm mua bất động sản ở Nhật Bản, thị trường đang khan hiếm hàng để bán và cạnh tranh khốc liệt. Theo MSCI Real Assets, chi tiêu đầu tư cho khách sạn ở Nhật Bản của các nhà đầu tư nước ngoài tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần một thập niên, chiếm tỷ lệ lớn nhất trong các giao dịch khách sạn tại Nhật Bản kể từ năm 2014.
Zoe Ward, CEO của Công ty môi giới Japan Property Central KK, đang làm việc với một số khách hàng Singapore với ngân sách lên tới 100 triệu đô la. Họ đang muốn mua khách sạn phục vụ khách công tác kinh doanh ở Nhật Bản càng sớm càng tốt.
“Những gì chúng tôi chứng kiến là nguồn cung thực sự thấp và khá nhiều cạnh tranh vì mọi người đều đang tìm kiếm những loại khách sạn giống nhau ở các khu vực du lịch trọng điểm”, Zoe Ward nói.
Theo Bloomberg, Reuters