(KTSG Online) - Theo Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cả nước còn hơn 330 hồ chứa nước bị hư hỏng và chưa được bố trí nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp.
- Quy hoạch thủy lợi đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và phòng chống thiên tai
- Hà Nội: Đề xuất cắt giảm chi phí với tổ chức quản lý thủy lợi để xảy ra vi phạm
Theo TTXVN, các hồ này tập trung vào nhóm hồ vừa và nhỏ, việc thực hiện các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước còn hạn chế. Ngoài ra, nhiều nơi ở cấp huyện, xã chưa thành lập được tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý, khai thác theo quy định.
Theo đó, Cục Thủy lợi sẽ phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan kiểm tra các công trình đang thi công xây dựng, đảm bảo tiến độ vượt lũ, chống lũ an toàn. Các chủ đầu tư xây dựng lên phương án ứng phó thiên tai trong quá trình thi công.
Các địa phương sẽ đánh giá hiện trạng các đập, hồ chứa thủy lợi; bố trí kinh phí sửa chữa các công trình, hạng mục công trình có nguy cơ mất an toàn; sắp xếp thứ tự ưu tiên để sửa chữa, nâng cấp những công trình này.
Đối với các hồ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, đơn vị thực hiện đánh giá an toàn đập; đánh giá khả năng thoát lũ vùng hạ du đập; đề xuất giải pháp ứng phó, đặc biệt là các hồ chứa lớn mà hạ du không đảm bảo khả năng thoát lũ.
Hiện nay, cả nước đã xây dựng hơn 7.300 đập, hồ chứa thủy lợi. Trong đó, gần 600 đập dâng có chiều cao trên 5m và hơn 6.700 hồ chứa. Tổng dung tích trữ khoảng 14,5 tỉ m3, tạo nguồn nước tưới cho gần 1,1 triệu héc-ta đất nông nghiệp, cấp khoảng 1,5 tỉ m3 nước cho sinh hoạt, công nghiệp.
Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được bố trí 3.800 tỉ đồng. Nguồn vốn này dùng để sửa chữa cho 30 công trình đập, hồ chứa thủy lợi. Còn trong khuôn khổ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, các địa phương được nhận hỗ trợ 1.000 tỉ đồng để nâng cấp 68 hồ chứa.