Thứ bảy, 30/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Các nhà sản xuất kim cương nhân tạo đối mặt rủi ro phá sản vì giá giảm nhanh

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tăng trưởng quá nhanh khiến thị trường kim cương nhân tạo, được sản xuất trong phòng thí nghiệm, dư thừa nguồn cung và giá giảm. Tình trạng này đặt một số nhà sản xuất trong ngành đối mặt nguy cơ phá sản.

Kim cương tổng hợp, được sản xuất từ phòng thí nghiệm của Diamond Foundry. Ảnh: Reuters

Khi Jenny King-Modlin đính hôn hai năm trước, bạn đời của cô đã tặng cô chiếc nhẫn kim cương 1,3 carat. Nhưng không giống như những chiếc nhẫn cô dâu phổ biến trên thị trường toàn cầu trong nhiều thập niên, nhẫn của Modlin được sản xuất tại nhà máy chứ không phải được đào lên khỏi mặt đất, và có giá rẻ hơn một phần ba.

“Đối với tôi, nó trông giống như một viên kim cương tự nhiên. Đó không chỉ là một sự lựa chọn có đạo đức mà còn là vấn đề tài chính và chúng tôi đã yêu thích chiếc nhẫn đó”, Modlin, nhà văn kiêm diễn viên 36 tuổi sống ở New York, chia sẻ.

Cũng giống như người bạn đời của Modlin, hàng triệu người đang chọn mua đồ trang sức nạm kim cương tổng hợp (nhân tạo), không chỉ có thành phần tương tự kim cương tự nhiên mà còn thường ít khiếm khuyết hơn, khiến chúng trông rạng rỡ hơn.

Cơn bùng nổ nhu cầu về kim cương tổng hợp đang bắt đầu định hình lại hoàn toàn thị trường trang sức kim cương toàn cầu trị giá 89 tỉ đô la.

Theo Paul Zimnisky, nhà phân tích độc lập, chuyên đối chiếu dữ liệu giao dịch kim cương từ thị trường bán lẻ, thị phần của những viên đá quí nhân tạo trên thị trường kim cương toàn cầu đã tăng từ 3,5% vào năm 2018 lên mức dự kiến là 16,5%, tương đương 14,6 tỉ đô la vào năm 2023. Trong khi đó, doanh số bán kim cương tự nhiên tính bằng đô la không thay đổi kể từ năm 2015.

“Kim cương được khai thác từ các mỏ sẽ dần trở thành sản phẩm của thị trường ngách. Vì sao mọi người phải trả nhiều hơn cho một sản phẩm giống hệt nhau về mặt cấu trúc nguyên tử?”, Martin Roscheisen, CEO của Diamond Foundry, công ty có sản lượng kim cương tổng hợp lớn tương đương với sản lượng khai thác ở một trong năm mỏ kim cương tự nhiên lớn nhất thế giới, nói.

Theo Ziminsky, giá của một viên kim cương tự nhiên 1 carat đã đánh bóng giảm hơn 1/4 kể từ mức đỉnh năm 2022 xuống còn 5.185 đô la, mức thấp nhất trong 8 năm khi thị trường kim cương tự nhiên đối mặt với một nguồn cạnh tranh mới.

Nhưng giá của kim cương tổng hợp thậm chí còn giảm mạnh hơn nữa, từ hơn 5.000 đô la cho một viên kích cỡ 1 carat vào năm 2016 xuống còn 1.425 đô la hiện nay. Giá giảm nhanh nhờ tính kinh tế khi quy mô sản xuất lớn giúp giảm chi phí, đồng thời do các nhà cung cấp kim cương tổng hợp đổ xô vào thị trường đang bùng nổ, khiền nguồn cung vượt xa nhu cầu.

Pandora, nhà bán lẻ đồ trang sức lớn nhất thế giới, cho biết công ty sẽ mở rộng hơn nữa trong phân khúc phát triển nhanh nhất là kim cương được tạo ra trong phòng thí nghiệm.

CEO Alexander Lacik của Pandora nói: “Vào năm 2010, tôi đã do dự khi thâm nhập thị trường này do thiếu nhận thức của người tiêu dùng. Hơn 10 năm sau đó, 60-70% người tiêu dùng biết rằng có những viên kim cương được tạo ra trong phòng thí nghiệm”.

Trong khi đó, công ty khai thác kim cương Lucara Diamond của Canada cho biết sẽ thay thế CEO Eira Thomas. Quyết định đó được đưa ra sau khi công ty “nghi ngờ về khả năng đáp ứng các cam kết của mình” vì chi phí bị đội lên trong việc mở rộng mỏ Karowe ở Botswana cũng như tình trạng u ám về kinh tế vĩ mô và sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ của kim cương tổng hợp.

Những viên kim cương phi tự nhiên đầu tiên được General Electric (Mỹ) sản xuất vào năm 1954 cho mục đích thương mại như sử dụng ở dao mổ. Nhưng trong những năm gần đây, công nghệ đã giúp hoạt động sản xuất kim cương nhân tạo hàng loạt trở nên rẻ hơn. Đồng thời, người tiêu dùng ngày càng có ý thức hơn về chi phí tài chính và vấn đề đạo đức từ hoạt động khai thác kim cương tự nhiên.

Một số chuyên gia trong ngành hy vọng, nhu cầu ngày càng tăng đối với kim cương phát triển trong phòng thí nghiệm sẽ kích thích nhu cầu về các phiên bản tự nhiên, được tạo ra bởi áp suất và nhiệt độ cao từ hàng tỉ năm trước.

Edahn Golan, đối tác quản lý của Tenoris, một công ty phân tích kim cương, nói: “Điều tích cực đối với hoạt động kinh doanh kim cương tự nhiên là có một mặt hàng cấp thấp mà nhiều người khác có thể mua được”.

Nhưng những người tiêu dùng như King-Modlin lo lắng về điều kiện làm việc tệ hại của người lao động tại các mỏ kim cương và đánh giá cao lượng khí thải carbon thấp hơn trong hoạt động sản xuất kim cương từ phòng thí nghiệm. Các công ty khai mỏ bác bỏ những lo ngại đó, nói rằng họ tuyển dụng hàng nghìn người ở những vùng nghèo khó. Họ cũng nói rằng hoạt động sản xuất kim cương nhân tạo ở Ấn Độ và Trung Quốc sử dụng năng lượng từ than.

Doanh số bán kim cương nhân tạo dường như không hề giảm sút. Theo Hội đồng Xúc tiến xuất khẩu đá quí và trang sức Ấn Độ (GJEPC), xuất khẩu kim cương tổng hợp được đánh bóng từ Ấn Độ, quốc gia cắt và đánh bóng kim cương lớn nhất thế giới, đã tăng vọt lên 1,7 tỉ đô la trong giai đoạn từ tháng 4-2022 đến tháng 3-2023, tăng 28% so với năm tài chính trước đó.

Diamond Foundry đang có kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng trong ba năm tới. Ngay cả De Beers, công ty dẫn đầu ngành khai thác kim cương, cũng đã ra mắt chiếc nhẫn đính hôn đính kim cương tổng hợp hồi tháng 6.

Ngược lại, xuất khẩu kim cương tự nhiên đã cắt và đánh bóng của Ấn Độ lại giảm 8% trong cùng kỳ, xuống còn 22 tỉ đô la.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều lo ngại rằng sự giảm giá của kim cương tổng hợp sẽ dẫn đến tình trạng phá sản ở các nhà sản xuất và bán lẻ trang sức sử dụng những viên đá quí rẻ tiền hơn này.

Al Cook, CEO của De Beers, nhà sản xuất kim cương lớn nhất thế giới tính theo giá trị, cảnh báo sẽ có những tổn thất ngắn hạn, do khả năng sinh lời thấp hơn, do cơn sốt kim cương tổng hợp nhưng mối đe dọa cạnh tranh sẽ giảm bớt.

Một số người trong ngành cho rằng thị trường đang trải bước ngoặt quan trọng khi các nhà bán lẻ không còn coi kim cương nhân tạo là một ngành kinh doanh có lợi nhuận cao mà là một ngành kinh doanh thua lỗ do giá giảm quá nhanh.

David Kellie, CEO của Hội đồng kim cương tự nhiên, nói rằng người tiêu dùng nhìn nhận những viên kim cương tự nhiên được khai thác tương tự như cách nhìn nhận đồng hồ Thụy Sĩ khi đối mặt với mối đe dọa từ các mẫu đồng hồ thông minh của Apple và Fitbits.

“Mọi người không mua đồng hồ Thụy Sĩ để xem giờ. Apple có thể bán được nhiều đồng hồ hơn toàn bộ ngành đồng hồ Thụy Sĩ nhưng liệu điều quan trọng là công ty này có thể duy trì tăng trưởng hay không?”, ông nói.

Zimnisky dự báo sẽ xuất hiện “cơn rung chuyển” trên thị trường kim cương tổng hợp vì có quá nhiều nhà sản xuất đang lao vào.

Ông nói: “Nhìn chung, tôi nghĩ thị trường kim cương nhân tạo đã đi từ chỗ mới lạ và thú vị đến tình trạng dư cung quá mức”.

Vipul Shah, chủ tịch của GJEPC, tin rằng cả hai loại đá quí này có thể cùng tồn tại nhưng ông cho biết, sự cạnh tranh gay gắt nhất sẽ diễn ra ở các nhà sản xuất kim cương trong phòng thí nghiệm.

“Ai không cạnh tranh được về giá, họ sẽ buộc ngừng kinh doanh. Đó là những gì đang xảy ra hiện nay”, Shah nói.

Vishal Mehta, CEO của Công ty kinh doanh kim cương Lumex có trụ sở tại Dubai, thừa nhận nguồn cung kim cương nhân tạo đang dư thừa đáng kể. Ông cảnh báo mức giá thấp gây tổn hại cho các nhà sản xuất kim cương nhân tạo dựa vào vay nợ để kinh doanh.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới