Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thị trường gạo châu Á tiếp tục căng thẳng sau khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong tuần này, giá gạo ở châu Á tăng lên gần mức cao nhất trong gần 15 năm qua sau các hạn chế xuất khẩu mới nhất của Ấn Độ. Cùng với đó, các điều kiện thời tiết khô hạn do tác động của El Niño cũng có thể đẩy giá gạo tăng cao hơn nữa.

Công nhân bốc gạo lên xe tải tại chợ sĩ ngũ cốc ở thành phố Chandigarh, Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Sau khi cấm xuất khẩu gạo trắng phi basmati hồi tháng 7, tuần trước, Ấn Độ tiếp tục áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với các loại gạo còn lại. Cụ thể, nước này áp thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ (loại gạo thu được từ thóc được ngâm nước nóng hoặc sấy trong hơi nước rồi phơi khô). Năm 2022, Ấn Độ xuất khẩu khoảng 7,4 triệu tấn gạo đồ, chiếm 1/3 tổng lượng gạo xuất khẩu của nước này.

Ngoài ra, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo thơm basmati với giá dưới 1.200 đô la/tấn. Biện pháp này được cho là nhằm ngăn chặn các lô hàng xuất khẩu gạo thường nhưng được gắn mác là gạo basmati để né lệnh cấm xuất khẩu. Động thái mới nhất của New Delhi gây lo ngại cho các nhà nhập khẩu gạo từ châu Á cho đến Tây Phi. Các nước trồng lúa gạo hàng đầu khác đã trấn an người tiêu dùng rằng nguồn cung gạo vẫn dồi dào. Tuy nhiên, những dấu hiệu căng thẳng tiếp tục gia tăng trên thị trường,

Giá gạo ở châu Á đã tăng trở lại, lên gần mức cao nhất trong 15 năm hôm 30-8 sau khi Ấn Độ áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với gạo đồ và gạo basmati. Giá gạo trắng 5% tấm của Thái Lan, được xem là giá gạo chuẩn ở châu Á, hiện ở mức 646 đô la /tấn. Cùng với đó, các điều kiện thời tiết bất lợi như hạn hạn do tác động của hiện tượng El Niño có thể khiến thị trường rung chuyển hơn nữa.

Theo Peter Timmer, giáo sư danh dự ở Đại học Harvard, người đã nghiên cứu về an ninh lương thực trong nhiều thập niên, giá gạo tăng đột biến luôn gây tổn thương nhiều nhất cho người tiêu dùng nghèo. Mối lo ngại cấp bách nhất hiện nay là liệu Thái Lan và Việt Nam có theo chân Ấn Độ để áp dụng các biện pháp kiểm soát đáng kể đối với hoạt động xuất khẩu gạo hay không. "Nếu điều đó xảy ra, chúng ta sẽ thấy giá gạo thế giới vượt quá 1.000 đô la/tấn”, ông nói.

Gạo rất quan trọng đối với chế độ ăn uống của hàng tỉ người và đóng góp tới 60% tổng lượng calo tiêu thụ của người dân ở các khu vực Đông Nam Á và châu Phi.

Sự xuất hiện khởi đầu của El Niño trong năm nay đe dọa làm khô hạn nhiều khu vực trồng lúa trọng điểm trên khắp châu Á. Thái Lan đã cảnh báo tình trạng hạn hán nghiêm trọng xảy ra vào đầu năm 2024. Cho đến nay, vụ lúa ở Trung Quốc, nhà sản xuất và nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, dường như đã tránh được các tác động nghiêm trọng do thời tiết xấu. Nhưng các khu vực trồng lúa quan trọng của Ấn Độ đang thiếu lượng mưa cần thiết.

Các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo ở Ấn Độ chủ yếu bị chi phối bởi yếu tố chính trị. Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi cần giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử vào năm tới. Tuy nhiên, chi phí lương thực cao có thể khiến một số cử tri bất mãn và không bỏ phiếu cho đảng cầm quyền Nhân dân Ấn Độ của ông.

Tính đến ngày 31-8, giá gạo ở thủ đô New Delhi vẫn cao hơn một năm trước nhưng kể từ lệnh cấm xuất khẩu vào tháng 7 thì giá đã ổn định, ở mức 39 rupee (0,47 đô la Mỹ)/kg. Trên toàn quốc, giá gạo chỉ nhích lên một chút. Tuy nhiên, các hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ đang gây ảnh hưởng tới các quốc gia khác.

Tuần trước, Philippines đã buộc phải áp đặt trần giá gạo trên toàn quốc do giá gạo bán lẻ tăng “đáng báo động” và xuất hiện những thông tin về tình trạng tích trữ đầu cơ của các thương nhân buôn gạo.

Tính đến hôm 1-9, giá bán lẻ gạo xay kỹ tại Phiippines dao động trong khoảng 47-57 peso (0,79 -1 đô la Mỹ) /kg. Philippines là nước nhập gạo lớn thứ hai thế giới. Các nước khác đang tìm kiếm giải pháp thông qua con đường ngoại giao.

Tại Malaysia, chi phí nhập khẩu gạo tăng đến 36%. Hôm 1-9, Padiberas Nasional, công ty độc quyền nhập khẩu, thông báo điều chỉnh giá gạo trắng nhập khẩu từ 2.350 ringgit (505 đô la)/tấn lên 3.200 ringgit (688 đô la) /tấn do các yếu tố như biến đổi khí hậu, đồng nội tệ suy yếu, chi phí vận hành cao và các xung đột trong khu vực.

Guinea đã cử Bộ trưởng thương mại đến Ấn Độ, trong khi Singapore, Mauritius và Bhutan đề nghị New Delhi miễn trừ họ khỏi lệnh cấm xuất khẩu gạo vì lý do an ninh lương thực.

Chính sách hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã tạo cơ hội cho Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới. Trong những tuần gần đây, Thái Lan đã cử các quan chức thương mại đến Philippines, Indonesia, Malaysia và Nhật Bản để quảng bá gạo với thông điệp là: nếu bạn có nhu cầu, chúng tôi sẵn sàng cung cấp.

Việt Nam đang cung cấp một số sự hỗ trợ cho thị trường. Dữ liệu hải quan cho thấy khối lượng gạo mà Việt Nam xuất khẩu sang Indonesia tăng vọt trong 7 tháng đầu năm nay, trong khi xuất khẩu gạo sang Trung Quốc cũng cao hơn. Liên đoàn gạo quốc gia Myanmar đã đề nghị tạm dừng xuất khẩu để hạ nhiệt giá gạo trong nước đang tăng cao. Tuy nhiên, chính phủ Myanmar đã bác bỏ đề xuất này.

Theo Bloomberg, The Star

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới