(KTSG Online) - Là địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi phát triển sâm Ngọc Linh, tỉnh Quảng Nam đang đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp tham gia trồng, phát triển và chế biến các sản phẩm từ sâm. Tại huyện Nam Trà My đã có 19 doanh nghiệp đang trồng và chế biến loại sâm này.
Theo Baochinhphu.vn, tỉnh Quảng Nam hiện có diện tích quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh đã được xác định khoảng 15.567 ha. Tỉnh cũng đang nghiên cứu trồng di thực sâm ở một số địa phương khác có điều kiện tương đồng để mở rộng, phát triển diện tích trồng sâm.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng đề án phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu trên địa bàn. Cụ thể, khi các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất các sản phẩm từ dược liệu nói chung và đặc biệt là sâm Ngọc Linh sẽ được hưởng một số ưu đãi như hỗ trợ kinh phí khi làm nhà máy, thuế thuê đất, hỗ trợ xúc tiến thương mại ở nhiều địa phương trong nước và nước ngoài… Nhờ vậy, trên địa bàn huyện Nam Trà My hiện có 18 doanh nghiệp đã tham gia trồng và phát triển cây sâm Ngọc Linh và 1 doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến dược liệu.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Quảng Nam, thời gian tới, tỉnh sẽ tham mưu, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ xây dựng đề án hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam với cây sâm Ngọc Linh là cây chủ lực.
Việc này sẽ tạo ra cơ sở để phát triển ngành công nghiệp chế biến, đa dạng hóa các loại sản phẩm phù hợp với thị trường… Từ đó, tạo ra cơ sở để hình thành chuỗi liên kết cung ứng và tiêu thụ sản phẩm giúp sâm Ngọc Linh sẽ phát triển tốt hơn trong tương lai.
Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đang tập trung đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với người dân đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, khai thác, đồng thời đầu tư chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh.
Theo Quyết định 611/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, phấn đấu diện tích trồng sâm Việt Nam đạt khoảng 21.000 ha vào năm 2030, 100% diện tích trồng sâm Việt Nam được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý.
Sản lượng khai thác sâm Việt Nam từ năm 2030 đạt khoảng 300 tấn/năm (diện tích khai thác khoảng 1.000 ha/năm), đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GACP - WHO (thực hành tốt nuôi trồng và thu hái) hoặc tương đương. Hai loại sâm nằm trong diện bảo tồn, phát triển, chế biến, thương mại ở quy mô hàng hóa là sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu.