Thứ năm, 5/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thông tin dự án cách nào để đừng ‘dậy sóng’ như hồ Ka Pét

Song Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Từ đầu tuần đến nay, "sóng gió" đã tràn ngập trên báo chí và trên mạng xã hội liên quan đến việc dự án xây hồ chứa nước Ka Pét ở tỉnh Bình Thuận sẽ phải mất đi hơn 600 ha rừng. Nếu có thêm một kênh truyền thông dễ hiểu và thể hiện theo dạng đối thoại kiểu hỏi - đáp, mọi việc có lẽ đã không rối tung rối mù như mấy ngày qua.

Thông tin đầu tiên liên quan đến dự án này cho biết, để xây hồ chứa nước Ka Pét ở huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận thì cần phải khai thác một khu rừng tự nhiên hơn 600 ha, trong đó có 136 ha rừng đặc dụng. Con số 600 ha rừng bị khai thác, cộng thêm vào đó là một bài báo đăng ảnh một số cây cổ thụ gỗ quý hàng trăm năm tuổi với chú thích sẽ bị đốn hạ khi xây hồ khiến dư luận dậy sóng.

Có thể nói một cách hình tượng, Ka Pét là cái hồ nước duy nhất ở Việt Nam mà "sóng dậy" tràn ngập mặc dù hồ… chưa xây. "Sóng" chỉ lắng dịu khi bước sang ngày thứ ba, khi các thông tin cụ thể, dễ hiểu hơn được chủ dự án cung cấp thêm trên báo chí, trong đó có chi tiết những cây cổ thụ gỗ quý hàng trăm năm tuổi đều nằm ngoài khu vực dự án.

Dự án này được dư luận đặc biệt quan tâm cũng dễ hiểu vì liên quan đến việc phải mất hàng trăm héc ta rừng, tất nhiên kéo theo đó là các hệ quả về sinh thái, môi trường…Việc khai thác rừng còn nhạy cảm hơn trong bối cảnh Việt Nam đang theo đuổi chính sách phát triển kinh tế xanh, đặt mục tiêu Net Zero để hạ mức phát thải theo các cam kết quốc tế.

Thông tin về dự án hồ Ka Pét được công bố theo quy định hiện hành, đó là đăng tải bản Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trên website của Bộ Tài nguyên và Môi trường để tham vấn trong thời hạn 15 ngày, từ ngày 19-7 đến 3-8-2023. Đây có thể xem như là kênh thông tin chính thức của dự án cho người dân cả nước tiếp cận rộng rãi và đóng góp ý kiến phản hồi.

Tuy đúng quy định, quy trình nhưng kênh thông tin này cho thấy chưa đủ vì hồ Ka Pét lại là một dự án khá nhạy cảm do hai chữ "mất rừng". Điều này cũng không khó giải thích vì trong những năm gần đây, dư luận khá bức xúc trước tình trạng khai thác rừng gây hậu quả xấu cho môi trường sinh thái như sạt lở chết người, gây lũ lụt trong mùa mưa và khô hạn trong mùa nắng của một số dự án thuỷ điện nhỏ.

Đối với một dự án lớn như hồ Ka Pét, người dân bình thường gần như không thể hiểu nổi vì bản ĐTM toàn thông tin kỹ thuật, chuyên ngành thì làm sao phản biện, góp ý. Phiên bản rút gọn 25 trang thì gần như không có thông tin quan trọng nào, còn đưa phiên bản đầy đủ gần 250 trang để tham vấn thì khác nào đánh đố người dân không có chuyên môn.

Đối với những dự án lớn, có độ tác động đến môi trường, dân sinh lớn như hồ Ka Pét, cơ quan chức năng nên mở thêm kênh đối thoại và thông tin dành cho đa số người dân song song với kênh tham vấn ĐTM vốn chỉ phù hợp cho người có chuyên môn.

Chủ dự án ngay từ giai đoạn rất sớm, chẳng hạn như sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, cần lập ra một website để thông tin cho người dân đầy đủ và dễ hiểu các thông tin sát sườn nhất mà họ quan tâm.

Chẳng hạn đối với dự án hồ Ka Pét, người dân cần được giải thích về sự cần thiết phải xây hồ này và lợi ích hồ này mang lại. Thay cho các con số, bảng biểu rối rắm trong ĐTM, người dân cần được giải thích bằng những sơ đồ đơn giản, những bảng Hỏi - Đáp (FAQ) dễ hiểu, hạn chế tối đa việc dùng từ ngữ chuyên ngành khó hiểu với số đông.

Là người dân bình thường, điều quan tâm của họ sẽ là nguồn nước sau khi khai thác rừng xây hồ có bảo đảm vẫn còn trong mùa khô hay cạn kiệt như một số hồ thủy lợi đã có trong khu vực? Vùng đất hưởng lợi từ nguồn nước hồ Ka Pét ra sao, tốt nhất là vẽ thành bản đồ dễ hiểu như diện tích được cung cấp nước tưới, sau khi xây hồ so với hiện nay tăng bao nhiều héc ta, ở những xã/huyện nào?

Các khu công nghiệp và dân cư được cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt cần được thể hiện bằng số liệu, sơ đồ dễ hiểu. Các hồ thuỷ lợi ở hạ nguồn sẽ nhận thêm nguồn nước từ hồ Ka Pét ra sao, có giải quyết được tình trạng cạn nước vào mùa khô như hiện nay không, là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Tương tự, với sự lo ngại về rừng đặc dụng bị mất đi khi xây hồ thì chủ dự án cần cung cấp sơ đồ, bản đồ dạng đơn giản kèm theo toạ độ cho người dân quan tâm có thể tự kiểm chứng hiện trạng qua các dịch vụ ảnh vệ tinh như Google Earth chẳng hạn.

Không chỉ cung cấp thông tin, website này còn là kênh đối thoại, có chỗ để người dân đặt câu hỏi. Định kỳ cơ quan chức năng sẽ tổng hợp các thắc mắc này để giải đáp và đưa lên website như thông tin cập nhật của mục Hỏi - Đáp. Chẳng hạn, khi có thông tin về việc sẽ đốn hạ các cây cổ thụ gỗ quý hàng trăm năm tuổi, chủ dự án cần chụp ảnh hiện trạng cây kèm theo toạ độ vị trí từng cây và sơ đồ để cho thấy những cây này đang nằm ngoài khu vực dự án và cập nhật ngay lên website.

Một khi có những thông tin cập nhật, đầy đủ, dễ hiểu và có thể đối thoại về dự án hồ Ka Pét, dư luận sẽ không phải "dậy sóng" như trong mấy ngày qua, gây tốn kém bao nhiêu là công sức, giấy mực, thời gian của cả người dân, báo chí và chủ dự án.

2 BÌNH LUẬN

  1. Ngày xưa, nếu bị dư luận kiểu này, chắc hồ Dầu Tiếng đã không được khởi công vì phá rừng gấp nhiều lần so với hồ Ka Pet. Bây giờ hồ Dầu Tiếng có ích lợi như thế nào thì mọi người rất rõ ràng. Tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận thiếu nước trầm trọng vào mùa khô vì không có công trình thuỷ lợi nào đủ lớn để khắc phục được tình trạng thiếu nước, thậm chí thiếu cả nước để ăn uống. Việc quan trọng bây giờ là các chuyên gia, các bộ ngành cần hỗ trợ tỉnh Bình Thuận khắc phục các khuyết điểm hiện có và hoàn thành các bước đầu tiên của công trình thuỷ lợi lớn này.

  2. Phá rừng làm hồ thì chỉ khoanh được nước. Giữ rừng thì giữ được long mạch nguồn nước muôn đời. Trước mắt hoặc lâu dài, cần có sự lựa chọn đúng đắn. Đã có quá nhiều bài học về hậu quả khủng khiếp gây ra do tàn phá môi trường tự nhiên. Học mãi vẫn chưa thuộc bài.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới