(KTSG Online) – Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), ngoài hai mặt hàng là gạo và đường tăng giá thì nhiều mặt hàng lương thực khác đều giảm. Kể từ tháng 3-2022 đến nay, đây là thời điểm giá lương thực ở mức thấp nhất.
- Khoáng sản phân bón trở thành tâm điểm của an ninh lương thực toàn cầu
- Sức ép cho thị trường lương thực khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo
- Bạn đọc có thể tham khảo thông tin về chỉ số giá lương thực tháng 8 của FAO tại đây
Ngày 8-9, FAO công bố báo cáo chỉ số giá lương thực thế giới, theo đó, chỉ số giá lương thực trong tháng 8 đạt trung bình 121,4 điểm, giảm 2,1% so với tháng 7 và thấp hơn 24% so với thời điểm tháng 3-2022.
Chỉ số giá dầu thực vật giảm 3,1%, giá dầu hướng dương giảm gần 8%. Tương tự, giá dầu đậu nành/đậu tương cũng giảm, ngũ cốc giảm 0,7%, lúa mì giảm 3,8% trong tháng 8. Cùng với đó, các mặt hàng thịt, sữa cũng ở trong xu hướng giảm giá. Tuy nhiên, chỉ có hai mặt hàng tăng giá trong tháng 8-2023 là gạo, đường.
FAO ghi nhận chỉ số gạo toàn cầu đã tăng 9,8% so với tháng 7-2023. Đây là mức cao nhất trong 15 năm qua. Nguyên nhân, theo FAO là do thị trường phản ứng tiêu cực sau khi Ấn Độ, một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới có lệnh cấm xuất khẩu gạo.
FAO cho biết, hiện lượng gạo dự trữ gạo đang ở mức cao nhất từ trước đến nay với số lượng lên đến 198,1 triệu tấn. Trong đó, Ấn Độ, Trung Quốc nắm giữ 3/4 trữ lượng này. Ngược lại, dự trữ gạo của các quốc gia khác ở mức 51,4 triệu tấn, thấp nhất trong 4 năm qua.
Ngoài gạo, đường mà mặt hàng tăng giá trong thời gian qua. Theo FAO, giá đường tăng là do tâm lý lo ngại từ những tác động của El Nino lên cây mía, đặc biệt là thời tiết khô hạn kéo dài ở Thái Lan. Hiện Thái Lan là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu đường lớn của thế giới.