(KTSG) - Năm học mới bắt đầu. Cuộc họp phụ huynh bao giờ cũng đầy kịch tính. Nhưng kịch tính dù có cao trào thế nào thì cũng thường được che đậy khá ổn, nhất là khi các khoản phí “cần sự đồng lòng để chăm lo con cái” được nêu ra. Phụ huynh nghèo dù héo trong lòng cũng phải “đu theo” các màn bày vẽ của các phụ huynh khá giả. Còn những phụ huynh khá giả thì bao giờ cũng tự tin có mặt trong ban đại diện để chứng tỏ khả năng tổ chức và can thiệp vượt trội.
- Ngành giáo dục Hà Nội phản hồi về tình trạng phụ huynh xếp hàng nộp hồ sơ xuyên đêm
- Hơn 1.700 phụ huynh tại TPHCM yêu cầu Apax Leaders trả học phí
Ngay từ ngày bọn trẻ mới tập trung để nhận trường, trên một nhóm chat Zalo của phụ huynh có con học lớp 5 năm học trước đã chộn rộn chuyện cơ sở vật chất của trường cấp 2. Đa số tỏ ra thất vọng vì năm ngoái, ban đại diện phụ huynh đã “đấu tranh” để tụi nhỏ có một phòng học tươm tất, nhưng khi chúng vào cấp 2 năm nay thì cơ sở vật chất ở trường mới kém hẳn. Họ chê trường mới thiếu màn hình lớn, thiếu micro xịn, máy lạnh yếu, nước sơn tường cũ kỹ, sân trường không có mái che, lớp học không có tủ đựng đồ… Họ gợi ý cho nhau là tìm cách tham gia ban đại diện phụ huynh, nêu ý kiến với ban giám hiệu nhà trường thì mới có thể thay đổi tình hình (giống như cách mà họ đã cùng nhau làm hồi bọn trẻ học cấp 1).
Thường trong các buổi họp phụ huynh đầu năm, chuyện ủng hộ nhà trường trang bị cơ sở vật chất là vấn đề được bàn nhiều nhất. Tất cả thường được kết lại: “Việc lo cho tụi nhỏ có chỗ học tươm tất là trách nhiệm của chúng ta”. Và ít có phụ huynh nào dám tách khỏi đám đông, từ chối đưa tay biểu quyết các khoản thu để “cùng với nhà trường cải thiện cơ sở vật chất”. Còn nhà trường, đặc biệt là những trường công có nguồn ngân sách hạn hẹp, thường phải chạy theo tha lực đóng góp từ các hội phụ huynh. Chính điều này dẫn đến một bức tranh rối ren, bất cập: gây khó xử, bất bình đẳng trong các phụ huynh có con cái học cùng lớp nhưng có hoàn cảnh kinh tế chênh lệch; tạo sự mất cân bằng về điều kiện vật chất giữa các lớp học trong cùng một trường; khiến nhà trường mất sự chủ động trong việc sắp xếp phòng ốc cho năm học mới (trong một số trường hợp, hội phụ huynh học sinh lớp đầu cấp có sự trang bị cho bọn trẻ học hành trong suốt một cấp học).
Ngoài ra, trong những khoản kêu gọi đóng góp thường có những “hạng mục” đầy tế nhị, như hỗ trợ thu nhập cho thầy cô giáo, biếu xén lễ Tết…, có nơi còn gọi thẳng là “khoản thu để chăm cô giáo”.
Năm học 2022-2023, một ban đại diện phụ huynh lớp Một có 41 học sinh ở trường tiểu học VTS (quận 7, TPHCM) đã lên bảng dự trù kinh phí hoạt động lên đến 130,2 triệu đồng. Một khoản dự chi trong đó là 54 triệu đồng để “chăm cô”, theo cách là mỗi tháng chi cho cô chủ nhiệm và cô bảo mẫu mỗi người 3 triệu đồng. Ngoài ra, còn các khoản chi quà biếu từ ban giám hiệu, thầy cô khác, cho đến bác bảo vệ, vào các dịp lễ, Tết, ngày nhà giáo... Khi thông tin này lên báo, chính thầy hiệu trưởng của trường này đã lên tiếng rằng những nội dung dự trù chi là phản cảm, không phù hợp và không đúng với Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Khoản 4, Điều 10 của Thông tư 55/2011 quy định: “Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học: a) các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; b) các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh. Trên thực tế, đây là điều khoản khó áp dụng, đặc biệt tại các trường công ở các thành phố lớn. Bởi ban đại diện phụ huynh thường tìm cách can thiệp vào nhiều vấn đề của nhà trường, như sửa chữa, nâng cấp, xây mới các hạng mục cơ sở vật chất; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học; thậm chí muốn hỗ trợ cả công tác quản trị dạy học và các hoạt động giáo dục, hỗ trợ đời sống giáo viên, nhân viên… Lý do được nêu cũng lại là mong muốn góp phần thiết lập môi trường học hành tốt hơn cho con cái họ.
Thế nhưng, tiêu chuẩn về điều kiện học hành và khả năng “chăm sóc” con cái ở các phụ huynh là khác nhau và sự tranh cãi vẫn chưa có hồi kết. Nhà trường thì khó ứng xử, khó từ chối các khoản đóng góp khi mà nguồn ngân sách hàng năm chưa đáp ứng kỳ vọng. Và vì thế, thông tư một đằng, thực tế vận hành một nẻo.
Nhưng phải thừa nhận, từ sự lộn xộn cứ đến hẹn lại lên này, có thể thấy rõ nhiều chứng tật của xã hội đã len lỏi đi vào nhà trường ngay từ chính sự “tính toán” quá sốt sắng của phụ huynh.
Thích nhất câu cuối. “thấy rõ nhiều chứng tật của xã hội đã len lỏi đi vào nhà trường ngay từ chính sự “tính toán” quá sốt sắng của phụ huynh”.
Chứ sao ? Nhiều “phụ huynh”, ngay sau cuộc họp là ra bàn “mánh”, bàn “chạy dự án, chạy kinh phí”, lo chỗ này lót chỗ kia, …
Hú hồn, vì bản thân tôi 3 năm làm trưởng ban phụ huynh một trường tiểu học có tiếng ở HN, cứ ý kiến nào đề xuất “nào, lát gạch mới toàn trường; nào, lắp điều hòa, lắp màn hình LED, mua cho Ban GH cái lọ cái chai ….” đều bị gạt phắt. Lý do giản dị (mà người trưởng ban phải đủ dũng cảm nói ra): Tôi biết trong các phụ huynh ngồi đây, rất nhiều nhà nghèo; thậm chí lo cái ăn chưa xong. Đùng có nói chuyện “bòn nơi khố bện đãi nơi quần hồng”.
Gạt cái phăng.
May mà trong ban phụ huynh cũng toàn dân có học, cũng ghét thói xu nịnh, luồn cúi. Con cái cũng được nhờ (?).
Chứ ban phụ huynh mà thành phần “phức tộp” là rối và loạn. Đúng như bài viết.
Xin cảm ơn thesaigontimes.vn. Lúc nào cũng yêu các bạn.