(KTSG Online) - Số người bị ngộ độc thực phẩm nghi do ăn bánh mì tại tiệm Phượng – một tiệm bánh mì nổi tiếng trong giới du lịch ở Hội An – tăng lên khá cao sau 3 ngày phát hiện những ca đầu tiên. Bên cạnh việc ngành y tế địa phương đã tích cực điều trị cho người bị ngộ độc, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, thì những động thái thăm hỏi, trấn an du khách cùng những thông điệp về truyền thông cần được đưa ra tức thì.
- Hội An lắp camera giám sát an ninh và cảnh báo ngập lụt
- Quảng Nam: Khách sạn đầu tiên công bố không còn rác thải nhựa
Hội An (Quảng Nam) là thành phố du lịch của Việt Nam vốn được rất nhiều du khách nước ngoài tìm đến. Theo các số liệu thống kê mới nhất, sáu tháng đầu năm 2023, Hội An đón gần 2 triệu lượt khách, trong đó 2/3 là khách quốc tế, chiếm phân nửa số khách đến tỉnh Quảng Nam.
Cũng vì là thành phố du lịch, nên du khách dễ dàng tìm thấy nhiều dịch vụ tại đây từ nhà hàng đến quán ăn đường phố, xe đạp cho thuê, hàng lưu niệm…, trong đó các tiệm bánh mì rất được du khách nước ngoài ưa thích.
Theo người dân tại Hội An, kể từ khi du lịch bắt đầu phát triển tại phố cổ từ những năm đầu 1990, cho đến nay hầu như trên các con đường tại trung tâm phố cổ đều có ba món – đó là cao lầu, cơm gà và bánh mì – được bán dưới nhiều hình thức khác nhau, từ nhà hàng cho đến chiếc xe đẩy.
Đặc biệt, một số thương hiệu bánh mì trước đây chỉ người địa phương biết đến thì nay cũng được nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế tìm mua như tiệm bánh mì Phượng, Lành, Madame Khánh…
Tiệm bánh mì Phượng khá nổi tiếng. Thậm chí, thương hiệu này đã được nhượng quyền tại Hàn Quốc để phục vụ những người còn “thèm” ổ bánh mì này sau khi trở về từ Hội An. Cảnh tượng người mua xếp hai hàng dài (một hàng cho khách nước ngoài, một hàng cho khách nội địa) tại tiệm bánh mì Phượng là chuyện bình thường. Chưa kể, bên trong tiệm còn để 5 bộ bàn ghế chỉ để khách ngồi ăn bánh mì. Và trong thời gian qua, “bánh mì Phượng” đã trở thành một trong những đặc sản của Hội An mà nhiều du khách phải tìm đến khi đặt chân đến thành phố du lịch này.
Cũng vì lý do đó, nếu có sự cố xảy ra sẽ dễ làm mất lòng tin nơi du khách. Vụ rất nhiều người bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện nghi do ăn bánh mì tại tiệm bánh mì Phượng, trong đó 1/3 là khách nước ngoài, là ví dụ mới nhất. Kể từ lúc ghi nhận những trường hợp đầu tiên bị ngộ độc nghi do ăn bánh mì Phượng vào ngày 12-9, đến chiều ngày 14-9, số người bị đau bụng, chóng mặt, ói mửa sau khi ăn bánh mì Phượng được ngành y tế Quảng Nam ghi nhận đã là 141 người, trong đó có 34 người nước ngoài(*).
Bên cạnh những việc bắt buộc phải làm sau sự cố này như kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm hay chữa trị cho những người bị ngộ độc thực phẩm, cần lắm những chuyến thăm hỏi, lời động viên từ lãnh đạo và ngành du lịch địa phương với những du khách bị ngộ độc. Hành động này sẽ giúp trấn an du khách và góp phần giữ gìn thường hiệu du lịch Hội An và Quảng Nam.
Trao đổi với một vị lãnh đạo của ngành du lịch tỉnh Quảng Nam vào hôm 14-9, ông cho biết sẽ họp về vụ việc cũng như phát hành thông cáo báo chí và thông báo bằng tiếng Anh để trấn an du khách.
Về phần những tiệm bánh mì hay các hàng quán ăn uống, dù sự cố có khi là bất khả kháng hoặc không thể lường trước nhưng để rủi ro thấp nhất thì thiết nghĩ nên luôn quan tâm cao nhất đến chất lượng nguồn nguyên liệu thực phẩm cũng như khâu chế biến. Trường hợp tiệm ngày càng đông khách đến mức... "quá tải", có lẽ chủ cơ sở nên nghĩ đến việc mở rộng thêm điểm kinh doanh, thêm người quản lý, hoặc tiềm lực không nhiều thì nên hạn chế số lượng bán theo giờ để giảm áp lực cung – cầu.
Về phần chính quyền và ngành du lịch địa phương, thiết nghĩ nên tính đến phương án thành lập tổ phản ứng nhanh để có thể ứng phó về truyền thông hoặc đưa ra hỗ trợ tức thì cho du khách tại thành phố du lịch nổi tiếng như Hội An.
Một doanh nhân trong ngành du lịch cho rằng, thành phố Hội An cũng như tỉnh Quảng Nam đang quảng bá là điểm đến xanh và an toàn, vì vậy chính quyền địa phương cần đưa khẩu hiệu này vào thực tế cuộc sống nhanh hơn và mạnh hơn thông qua tuyên truyền và lan tỏa những cách làm theo đúng thông điệp đưa ra.
-------------
(*) https://tuoitre.vn/them-50-nguoi-bi-ngo-doc-nghi-do-an-banh-mi-phuong-20230914153803447.htm
Rủi ro là điều có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bởi vậy không nên trách cứ hoặc tự trách cứ quá nhiều. Cần thiết một lời xin lỗi chân thành. Một hành động hối lỗi thực sự. Cần thiết phải có sự cảm thông từ nhiều phía, đặc biệt là người tiêu dùng.