Thứ bảy, 9/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Net Zero và những thách thức vận hành của ngành hàng không

Lan Nhi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Cam kết mức phát thải ròng bằng không (Net Zero) vào năm 2025 là một cam kết của ngành hàng không toàn cầu nhằm đảm bảo ngành hàng không liên tục giảm lượng khí thải carbon. Tuy nhiên thực tế hiện nay nguồn nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) hiện chiếm chưa đến 0,15% lượng tiêu thụ nhiên liệu hàng không toàn cầu.

Tổng giám đốc Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) Lê Hồng Hà đã cho biết như trên tại Hội nghị thế giới về an toàn và khai thác của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) 2023 đang diễn ra tại Hà Nội do Vietnam Airlines - hãng đạt chứng nhận khai thác an toàn IOSA về trình độ kiểm soát và thực tế an toàn mức cao lần thức 10 đăng cai tổ chức.

Lãnh đạo IATA và các hãng hàng không đều trăn trở trước mục tiêu giảm phát thải và chuỗi cung ứng sau đại dịch. Ảnh: BTC

Theo ông Hà, việc sử dụng năng lượng sạch, bù đắp carbon và hoạt động có hiệu quả là những giải pháp đáp ứng cam kết của ngành hàng không toàn cầu. Năng lượng sạch (bao gồm SAF, điện và hydro) được dự kiến sẽ đóng góp tới 85% mức giảm phát thải để đạt được mục tiêu giảm phát thải về 0% vàonăm 2025. Tuy nhiên, những loại năng lượng này rất tốn kém và đòi hỏi sự tăng trưởng mạnh mẽ trong sản xuất để đáp ứng nhu cầu này. Hiện tại, SAF chỉ chiếm chưa đến 0,15% lượng tiêu thụ hàng không toàn cầu.

“Dự kiến, khách du lịch cũng sẽ phải trả thêm tiền cho du lịch bền vững, đồng nghĩa với việc nhu cầu đi lại bằng đường hàng không sẽ giảm”, lãnh đạo Vietnam Airlines bổ sung thêm. Tuy nhiên, để đạt được cam kết về mức giảm phát thải, ngành hàng không cần sự tham gia rất chặt chẽ của tất cả các bên liên quan : từ Chính phủ, nhà sản xuất máy bay và động cơ, nhà cung cấp SAF, sân bay, hãng hàng không, tổ chức tài chính…

Ngay chính Vietnam Airines cũng đang hợp tác chặt chẽ với các nhà sản xuất máy bay và Cục Hàng không Việt Nam để phát triển hệ thống sản xuất và phân phối SAF tại Việt Nam.

Ngoài cam kết giảm phát thải, các hãng hàng không toàn cầu hiện đang gặp các thách thức rất lớn sau đại dịch Covid 19. Theo ông Willie Walsh, Tổng giám đốc IATA, nhiều sân bay lớn ở Châu Á - Thái Bình Dương đang trong tình trạng quá tải nghiêm trọng, dẫn đến nhiều hệ lụy. Các hãng hàng không gặp khó khăn trong việc tăng công suất phục vụ hành khách, tăng tỷ lệ trễ chuyến, tăng chi phí cho các hàng hàng không và hành khách. Tại Việt Nam, hai sân bay lớn nhất là Nội Bài và Tân Sơn Nhất cũng thường xuyên quá tải dịp cao điểm.

Trong một diễn biến có liên quan, Vietnam Airlines hiện không thể tận dụng hết số máy bay mà hãng đang có. Lý do là việc thiếu các linh kiện thay thế khiến Vietnam Airlines rơi vào tình thế khó khăn- theo lời ông Lê Hồng Hà- Một số linh kiện để sản xuất ra phải mất từ 1 năm trở lên. Điều này dẫn đến việc các máy bay phải nằm chờ được sửa chữa vì máy bay không thể bay nếu không có động cơ. Chưa kể đến danh sách rất dài các động cơ cần sửa chữa. “Việc tìm kiếm nguồn cho thuê động cơ với giá hợp lý hiện nay dường như cũng không thể”, ông Hà nói.

Tổng giám đốc IATA cũng thừa nhận khó khăn, đứt gãy của chuỗi cung ứng hoàn cầu trong ngành hàng không và việc phải chấp nhận thực tế này đến 2024 trước khi các bên tìm ra được giải pháp thực tế, hiệu quả hơn.

Cơ trưởng Stanley Ng, Chủ tịch kiêm Giám đốc vận hành của hãng Philippine Airlines, chia sẻ tại hội nghị rằng cho dù gặp rất nhiều khó khăn sau đại dịch nhưng doanh nghiệp không lấy lợi nhuận để đánh đổi sự an toàn.

Có cùng quan điểm, Vietnam Airlines cũng khẳng định thông điệp của mình với cam kết an toàn khai thác và khai thác bền vững. Hãng đã 10 lần liên tiếp gia hạn thành công chứng chỉ IOSA về an toàn khai thác hàng không toàn cầu tới 98 đường bay trong và ngoài nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới