(KTSG) - Định giá doanh nghiệp của mình trong thế giới kinh doanh liên quan đến không chỉ việc ấn định giá trị tiền tệ cho tài sản của công ty mà còn phải xác định giá trị tổng thể của nó. Quá trình này rất quan trọng để đưa ra các quyết định tài chính về công ty và đàm phán với các nhà đầu tư tiềm năng.
- Cơ hội tái định giá doanh nghiệp từ làn sóng thâu tóm, IPO trong năm 2022
- Trung Quốc thực hiện chiến dịch tăng mức định giá của doanh nghiệp nhà nước
Chuyện định giá công ty không chính xác dẫn tới định giá mức cổ phần bán không chính xác và mức gọi vốn không chuẩn. Câu chuyện bị chê bai định giá công ty quá cao thường xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam và chẳng lạ lẫm gì với các Shark Tank khác phiên bản Anh và Mỹ.
Chuyện chủ doanh nghiệp ôm hoài bão to lớn với công ty của mình là chuyện đương nhiên với mọi chủ doanh nghiệp, dù vậy, việc định cho công ty một con số ngẫu nhiên vĩ đại sẽ khiến nhiều nhà đầu tư hoài nghi sự hiểu biết và tính thực tế của chủ doanh nghiệp.
Điều thường thấy là không nhiều tuần trước khi lên chương trình gọi vốn hoặc trình bày mô hình ở các quỹ gọi vốn, các chủ doanh nghiệp mới nghĩ xem công ty mình giá bao nhiêu và gọi vốn bao nhiêu. Tại sao việc định giá doanh nghiệp hay trị giá doanh nghiệp lại xếp cuối bảng những điều cần làm của một doanh nhân?
Có lẽ bởi vì quá trình định giá có thể khá phức tạp, đặc biệt đối với các chủ doanh nghiệp nhỏ hoặc các công ty mới khởi nghiệp chưa bao lâu, vì nó bao gồm nhiều phương pháp khác nhau tùy thuộc vào tài sản được đánh giá, loại hình tài sản, và các yếu tố khác tạo ra giá trị. Đồng thời, để định giá tốt cần phối hợp nhiều cách.
Thực tế phũ phàng
Việc định giá doanh nghiệp rất quan trọng nhưng thực tế là không có phương pháp định giá nào hoàn hảo, một nhát ăn liền.
Tầm quan trọng của việc định giá doanh nghiệp nằm ở những thông tin trong ngoài, nông sâu và thông tin đặc sắc mà doanh nghiệp cung cấp, điều này rất quan trọng đối với các giao dịch kinh doanh khác nhau. Trong nhiều cuộc mua bán, đặc biệt là cuộc mua bán doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nhân khó có thể trình lên bàn một báo cáo tài chính ổn định tổng hợp của việc buôn bán nhiều năm. Nội thân từ “doanh nghiệp khởi nghiệp hay công ty khởi nghiệp” đã nói lên độ mới của công ty. Vậy nên, trừ những con số ở bản báo cáo tài chính, có nhiều yếu tố tài sản khác để doanh nghiệp định giá mình cho đúng.
Thông tin tổng hợp giữa số lượng hàng bán thử, số lượng dịch vụ cung cấp, đã cung cấp, thông tin kinh doanh mật (Trade Secret), thương hiệu ở một cộng đồng nào đó, thể loại khách hàng, thị trường phát triển... đều có thể là yếu tố thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp. Đây cũng có thể là yếu tố ra tiền vì nó đóng vai trò quan trọng trong các quyết định tài chính lớn như mua hoặc bán cổ phiếu, mua lại hoặc thoái vốn một công ty và sáp nhập các doanh nghiệp.
Đôi khi có quá nhiều việc cần phải làm nếu bạn - một doanh nhân - muốn tiến hành đánh giá toàn diện một doanh nghiệp.
Quá trình bắt đầu bằng việc thu thập các tài liệu và báo cáo cần thiết. Chúng bao gồm báo cáo thu nhập, báo cáo chi (khá nhiều ở thời kỳ khởi nghiệp), bảng cân đối kế toán, báo cáo dòng tiền, tờ khai thuế, các giấy phép, giấy tờ đã làm, các báo cáo về sản phẩm hay dịch vụ...
Việc thu thập tài liệu này nhiều khi bao gồm cả việc thu chi từ tài khoản cá nhân của CEO khởi nghiệp bởi lẽ ở thời kỳ đầu, nhiều thu chi ra vào bằng tài khoản cá nhân chứ không phải tài khoản công ty. Nếu bạn e ngại, hãy kiếm cho mình một hoặc một vài kế toán cá nhân riêng để họ làm việc trong góc riêng với bạn, sau đó họ ra làm việc với kế toán công ty. Điều này đôi lúc mang lại những điều tốt bất ngờ, bên cạnh việc giúp bạn hiểu về dòng tài chính của mình và của công ty, bạn còn có thể kê khai thuế chuẩn và tránh được rắc rối thuế.
Việc báo cáo chính xác các tài liệu này là điều tối quan trọng để có được đánh giá chính xác về giá trị công ty của bạn.
Khi đánh giá giá trị tài sản kinh doanh của bạn, điều quan trọng là phải phân biệt giữa giá trị sổ sách và giá trị thị trường. Giá trị sổ sách thể hiện số tiền thực tế chi ra để mua bán tài sản, có tính đến khấu hao. Tuy nhiên, nó có thể không phản ánh giá thị trường hiện tại.
Mặt khác, giá trị thị trường phản ánh giá trị hiện tại của một tài sản nếu nó được bán trên thị trường ngày nay. Giá trị này xem xét các điều kiện thị trường hiện hành và nhu cầu đối với các tài sản tương tự.
Phương pháp xác định giá trị
Các doanh nghiệp sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để xác định giá trị của mình, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp ở thung lũng máy tính còn thuê chuyên gia tài chính, kiểm định (audit) và các chuyên gia thương mại hóa tài sản để cố vấn, xem xét, và định giá để đảm bảo độ chính xác. Việc định giá doanh nghiệp thường kết hợp một số phương pháp, bao gồm:
Định giá dòng tiền: Phương pháp này ước tính giá trị doanh nghiệp của bạn bằng cách dự báo mức tăng trưởng trong tương lai dựa trên dòng tiền dự kiến. Nó đánh giá giá trị hiện tại của tài sản bằng cách đánh giá việc tạo ra dòng tiền. Phương pháp này thường được dùng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp mới được một thời gian và đang test sản phẩm/ thị trường.
Định giá tương đối (Phương pháp tiếp cận thị trường): Phương pháp này, còn được gọi là phương pháp tiếp cận thị trường, ấn định giá trị cho tài sản dựa trên giá của các tài sản tương tự hoặc tương đương trên thị trường. Phương pháp này dựa trên phân tích đối thủ cạnh tranh, hình thái tài sản, độ tương đồng và điều kiện thị trường hiện tại.
Ví dụ: nếu các doanh nghiệp tương tự trong ngành của bạn đưa ra mức giá cao do nhu cầu thị trường lớn, thì giá trị doanh nghiệp của bạn có thể sẽ cao hơn theo phương pháp định giá tương đối.
Phương pháp tiếp cận thu nhập: Phương pháp này kiểm tra báo cáo thu nhập tháng, quí, hoặc năm của doanh nghiệp bạn để đánh giá doanh thu và chi phí. Phương pháp này tập trung vào lợi nhuận của doanh nghiệp bạn và không tính đến tài sản vô hình. Hiện nay, phương pháp này chỉ phụ trợ cho việc định giá ở các tập đoàn lớn do tài sản của các công ty hay tập đoàn lớn có nhiều hơn 50% là tài sản vô hình.
Việc sử dụng kết hợp các phương pháp này cho phép các nhà phân tích tạo ra mô hình định giá chính xác nhất bằng cách kết hợp các thông tin có thể truy cập hợp pháp. Ngoài ra, tùy theo kinh nghiệm của các chuyên gia định giá và thương mại hóa thì việc định giá ngày nay sử dụng rất nhiều phương pháp khác, mà được chính các chuyên gia này sáng tạo ra.
Việc định giá phải được cập nhật thường xuyên khi có thông tin mới để phản ánh trị giá công ty chuẩn xác nhất.
Định giá thương hiệu: doanh nghiệp nhỏ cũng có giá của mình
Định giá thương hiệu luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định giá trị của các thương hiệu lớn như Microsoft, Facebook, Coca-Cola, McDonald’s và Google khi các doanh nghiệp này thực hiện hoạt động kinh tế giao thương trên khắp thế giới. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là giá trị thương hiệu không chỉ giới hạn ở các tập đoàn lớn. Ngay cả các doanh nghiệp nhỏ cũng có thể sở hữu giá trị thương hiệu đáng kể trong ngành hoặc thị trường địa phương của họ.
Khái niệm định giá thương hiệu mang tính chủ quan vì nó mang những ý nghĩa khác nhau đối với những cá nhân khác nhau. Nhiều phương pháp khác nhau được sử dụng để tính toán giá trị thương hiệu, giúp các công ty có thể vận dụng giá trị của tài sản thương hiệu để tạo ra lợi thế cho mình, đặc biệt là trong quá trình gọi vốn.
Tầm quan trọng của việc định giá thương hiệu càng trở nên rõ ràng hơn trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như khi bán hoặc sáp nhập hoặc khi tìm kiếm hỗ trợ tài chính từ các khoản vay hoặc nhà đầu tư bên ngoài để mở rộng.
Để thiết lập độ tin cậy và tính chính xác trong việc định giá thương hiệu của bạn, điều cần thiết là phải làm rõ mục tiêu của việc định giá, sức ảnh hưởng trong thị trường, các hạn chế có thể gặp phải, và ước tính sự trợ giúp của thương hiệu đối với đối tác mua nó hoặc đầu tư vào nó. Ngoài ra, sức mạnh thương hiệu đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định chất lượng sản phẩm và thậm chí là đảm bảo doanh thu.
Tóm lại, việc thực hành tính toán giá trị doanh nghiệp nổi lên như một sức mạnh to lớn trong việc hiểu và định lượng bản chất thực sự của một doanh nghiệp, bất kể quy mô hay tầm vóc của nó.
Từ những gã khổng lồ đa quốc gia như Apple cho đến những doanh nghiệp địa phương khiêm tốn, việc định giá doanh nghiệp chuẩn cho phép chúng ta nắm bắt được giá trị nội tại của một doanh nghiệp. Bằng cách đi sâu vào các yếu tố tài chính và phi tài chính quan trọng, việc tính toán giá trị doanh nghiệp mang lại góc nhìn toàn diện giúp công ty ra quyết định, xây dựng chiến lược và cuối cùng là đạt được thành công bền vững. Tầm quan trọng của việc định giá cần được cộng đồng doanh nghiệp Việt xem xét vì nó trao quyền cho các bên liên quan để khai thác toàn bộ tiềm năng của một doanh nghiệp và mở ra những con đường mới cho sự tăng trưởng và thịnh vượng.
(*) Chuyên gia thương mại hóa tài sản trí tuệ - IPGeekLab