Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Khi Chính phủ Mỹ kiện Google

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Bạn đi mua sắm xong, lấy điện thoại ra gọi taxi Vinasun để về nhà nhưng vì không nhớ số nên mở Google, gõ vào ô tìm kiếm “Số điện thoại taxi Vinasun”. Nếu bạn là người cả tin, dễ tính, sẽ dùng ngay số điện thoại đầu tiên Google cung cấp, chiếc taxi xuất hiện sẽ không phải của hãng Vinasun mà là một chiếc taxi dù nào đó. Dùng kết quả tìm kiếm thứ nhì, thứ ba cũng thế vì chúng là các đường link quảng cáo do các hãng xe dù mua từ khóa “taxi Vinasun”, “taxi Mai Linh”… nên sẽ được Google ưu tiên đặt lên đầu dù thông tin sai bét. Chỉ đến khi kéo xuống dưới, hết phần “Ad” mới thấy cho ra kết quả đúng.

Ắt hẳn hãng xe Vinasun muốn kiện Google lắm nhưng không biết kiện ở đâu, kiện như thế nào. Hàng loạt doanh nghiệp Mỹ bị Google chèn ép như thế đã tạo ra sức ép ngày càng lớn buộc Bộ Tư pháp Mỹ phải nộp hồ sơ kiện Google ra tòa. Vụ kiện vừa được đưa ra xét xử vào tuần trước, hứa hẹn sẽ kéo dài và kết quả sẽ có những tác động to lớn lên mô hình kinh doanh không chỉ của Google mà còn của các doanh nghiệp công nghệ khác.

Có lẽ ít người biết hàng năm Google trả cho Apple đến 15-20 tỉ đô la để được trở thành bộ máy tìm kiếm thông tin chính thức trên trình duyệt Safari. Đây là một khoản tiền rất lớn, tương đương lợi nhuận một quí của Apple. Ngoài Apple, Google cũng chi trả hàng tỉ đô la như thế cho nhiều hãng sản xuất điện thoại khác để được mặc định trở thành công cụ tìm kiếm chính cũng như trình duyệt chính trên các loại điện thoại. Làm như thế, các công cụ tìm kiếm, các trình duyệt khác như Bing của Microsoft khó lòng có cửa cạnh tranh.

Đây chính là nội dung quan trọng nhất của đơn kiện Google do Bộ Tư pháp Mỹ và 38 tiểu bang khởi xướng. Theo họ, Google đã vi phạm luật cạnh tranh khi thỏa thuận với các trình duyệt, các nhà sản xuất điện thoại thông minh để tạo ra và lạm dụng vị thế thống lĩnh trên thị trường tìm kiếm thông tin. Năm 2022, tổng doanh thu của hãng Alphabet, công ty mẹ của Google là 283 tỉ đô la, lợi nhuận 76 tỉ đô la thì một nửa trong số đó đến từ dịch vụ tìm kiếm thông tin. Đơn kiện cũng cho rằng Google sử dụng hệ điều hành Android để ép các nhà sản xuất điện thoại phải cài sẵn các ứng dụng của Google như Gmail, Chrome hay Maps.

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, mô hình kinh doanh độc quyền của Google làm hại cho các nhà quảng cáo do không có một thị trường cạnh tranh lành mạnh nên phải trả phí quảng cáo cao. Người tiêu dùng cũng bị thiệt hại, không tính bằng tiền vì các dịch vụ của Google là miễn phí, mà tính bằng chất lượng dịch vụ. Hiện nay kết quả tìm kiếm của Google thường bị che khuất bởi các đường link có quảng cáo, người tiêu dùng thường nhầm các quảng cáo là kết quả tìm kiếm thật sự nên chất lượng tìm kiếm bị sụt giảm một cách đáng kể. Gọi taxi Vinasun nhầm thành taxi dù nói ở đầu bài là một ví dụ điển hình.

Cần lưu ý luật lệ của Mỹ không cấm độc quyền. Giả dụ người tiêu dùng có nhiều chọn lựa nhưng do dịch vụ của Google quá tốt, tất cả mọi người dùng Google nên công ty công nghệ này hưởng vị thế độc quyền – điều này luật pháp Mỹ không cấm. Nhưng nếu Google duy trì vị thế độc quyền bằng cách loại bỏ các đối thủ cạnh tranh, không cho ai chen chân vào thị trường thì đó là vi phạm luật cạnh tranh.

Ngoài ra, Google còn đối diện với nhiều vụ kiện khác như vụ Bộ Tư pháp và một số tiểu bang kiện Google hủy hoại môi trường cạnh tranh công bằng trong ngành quảng cáo trực tuyến; bang Texas kiện Google thu thập thông tin nhận diện gương mặt và giọng nói người dùng mà không có sự đồng ý nói rõ của họ; bang Utah và một số tiểu bang khác kiện Google ngăn cản cạnh tranh trên ứng dụng Playstore…

Lập luận bào chữa của Google xoay quanh chuyện chất lượng sản phẩm của họ tốt hơn nên người tiêu dùng chọn họ chứ không ai ép được ai; Google cho rằng người dùng nếu muốn có thể dễ dàng chuyển sang dùng một bộ máy tìm kiếm thông tin khác. Theo họ, hiện nay khái niệm tìm kiếm thông tin phải mở rộng hơn trước, không chỉ gõ vào thanh địa chỉ của trình duyệt mà còn vào các dịch vụ cụ thể khi muốn tìm thông tin cụ thể. Chẳng hạn, người dùng vào Amazon để tìm đồ mua sắm, vào Tik Tok tìm nội dung giải trí, vào Expedia thì thông tin du lịch. Nói cách khác, Bộ Tư pháp cho rằng Google là con cá lớn trong chiếc hồ nhỏ (Google chiếm đến 90% thị phần tìm kiếm) còn Google bảo đây không phải chiếc hồ nhỏ mà là đại dương nên họ không đóng vai trò độc quyền như cáo buộc.

Trong vòng 10 tuần tới, hai bên, phía chính phủ Mỹ và phía Google, sẽ trình bày lập luận của mình, sẽ gọi nhiều nhân chứng để củng cố lập luận trước khi tòa đưa ra phán quyết. Nếu bên chính phủ Mỹ thắng kiện, Google sẽ phải thay đổi cách thức kinh doanh, còn nếu Google thắng người ta sẽ đặt vấn đề về tính hiệu quả của luật cạnh tranh nay đã lỗi thời. Bill Baer, cựu viên chức tại Bộ Tư pháp Mỹ nhận định: “Đây sẽ là phép thử xem luật chống độc quyền hiện nay, biên soạn từ năm 1890 có thích ứng với thị trường dễ rơi vào tình trạng độc quyền trong thế kỷ 21 này hay không”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới