(KTSG) - Thường những dự án có nhiều mâu thuẫn lớn là những dự án va chạm đến các giá trị lõi quan trọng đại diện cho nhiều nhóm người.
Trong trường hợp dự án hồ Ka Pét, các lợi ích hay thiệt hại được soi xét là khả năng đáp ứng nhu cầu nước phục vụ người dân Hàm Thuận Nam trong sinh hoạt và trồng trọt; những ảnh hưởng đến tính đa dạng sinh học, khả năng gây ra lũ lụt, xói mòn và tăng phát thải khi mất đi 600 héc ta rừng tự nhiên; việc phải dành nguồn ngân sách nhà nước ưu tiên thực hiện công trình này và nguồn thu nhập từ xuất khẩu thanh long,...
Các vấn đề được đặt ra dù khá đa dạng nhưng thực chất cũng chỉ quy về hai nội dung chính đó là kinh tế và môi trường. Trước đây hai vấn đề này thường được tách biệt ra và mang tính đánh đổi, nghĩa là làm kinh tế thì phải chấp nhận thiệt hại về môi trường và ngược lại. Tuy nhiên, gần đây, trước bối cảnh biến đổi khí hậu và thực trạng phát thải lớn có nguy cơ gây hủy diệt hệ sinh thái chung, ảnh hưởng đến sự sinh tồn của con người, hai phạm trù kinh tế và môi trường đang được thế giới nỗ lực tích hợp lại thành một và cũng được định lượng qua đơn vị đo lường chung là tiền.
Ở kỳ này, chúng tôi sẽ nỗ lực lý giải hành vi của các bên liên quan trong xã hội đối với dự án hồ Ka Pét để xem xét những mâu thuẫn, so sánh giữa những tổn thương và lợi ích của các đối tượng từ đó bước đầu nhìn nhận những giải pháp có thể có để đảm bảo mức độ thiệt hại trong cộng đồng là thấp nhất.
Luật chơi chung đã chính thức thay đổi, thẩm định tác động dự án cần làm lại từ đầu
Trong bài toán hồ Ka Pét, thị trường xuất khẩu thanh long thường được đề cập gắn với lợi ích của nông dân và người dân Hàm Thuận Nam nói riêng, Bình Thuận nói chung. Nhưng giá trị của trái thanh long Bình Thuận từ năm 1995, khi dự án được đề cập trong Quy hoạch Thủy lợi 1995-2010, cho đến ngày hôm nay và trong tương lai đã có sự thay đổi rất lớn. Trước đây, đối với nền kinh tế tuyến tính, giá trị thu được từ trái thanh long hoàn toàn nằm ở sản lượng trồng được và giá mua bán trên thị trường, điều này phụ thuộc phần lớn vào nước tưới.
Tuy nhiên, từ năm 2021, Việt Nam chính thức ký cam kết giảm phát thải khí nhà kính (KNK) với lộ trình đến năm 2050 mức phát thải ròng phải bằng 0. Theo kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan, đến năm 2030 buộc phải giảm 30% so với 2020. Như vậy, dù câu chuyện hồ Ka Pét đã được Quốc hội và Chính phủ xem xét trước đây, nhưng có lẽ việc đánh giá tác động của dự án nên được xem lại dựa trên một khung tham chiếu hoàn toàn mới.
Thị trường các sản phẩm, dịch vụ, trong đó bao gồm cả thanh long, đang nỗ lực chuyển đổi luật chơi để tích hợp câu chuyện môi trường vào kinh tế. Thị trường tín chỉ carbon là sân chơi lớn đầu tiên được đề cập đến trong câu chuyện này.
Như vậy, khác với nền kinh tế ở năm 1995, ngày hôm nay và cả tương lai giá trị của một trái thanh long không chỉ được định giá dựa vào sản lượng và giá bán, mà còn bao gồm cả khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn về phát thải, không phá rừng và năng lực hoàn thành trách nhiệm với môi trường, xã hội của nhà sản xuất. Như vậy, câu chuyện giá trị trái thanh long ở thời điểm hiện tại và tương lai đã phức tạp hơn rất nhiều, đòi hỏi việc thẩm định một dự án như hồ Ka Pét phải đổi cách thức tiếp cận để đảm bảo việc ra quyết định là hiệu quả và có tính bao quát nhất.
Lợi ích hay thiệt hại về kinh tế và môi trường của các bên nên được nhìn nhận như thế nào?
Trước tiên, những tác động đến các đối tượng trong xã hội ở góc độ kinh tế cần được đánh giá thông qua các chỉ tiêu nguồn lợi nhuận người nông dân và các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị sản xuất thanh long có thể thu thêm được nhờ có đủ nước phục vụ tưới tiêu, chất lượng sống nói chung của người dân Hàm Thuận Nam tăng lên khi họ có nước đủ cung cấp cho nhu cầu với chi phí rẻ hơn.
Hành động của một bên liên quan có thể tạo ra động năng phản ứng cho một loạt các bên liên quan khác... miêu tả những tương tác qua lại này có thể lột tả những mối quan hệ chính thức và không chính thức của những mạng xã hội.
Bên cạnh đó, ở góc độ Chính phủ, một chính sách như xây dựng hồ Ka Pét sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn ngân sách phải trích ra cho các chi phí thực hiện công trình, nhưng bù lại nguồn thuế thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu thanh long được kỳ vọng có thể còn nhiều hơn.
Tuy nhiên, lợi ích kinh tế còn cần được nhìn nhận thông qua việc gánh chịu những ngoại tác tiêu cực từ phá vỡ sự cân bằng sinh thái gây ảnh hưởng diện rộng, không chỉ kinh tế của tỉnh Bình Thuận hay vùng Nam Trung bộ mà còn là cả nước.
Ở một góc độ khác, góc nhìn về môi trường không còn đơn thuần là một sự cảm tính dựa vào những niềm tin hay giá trị đạo đức đối với thiên nhiên, mà đã là một vấn đề có thể định lượng bằng cách đo lường mức độ giảm thải. Mức độ tác động môi trường của dự án có thể được đánh giá thông qua mô hình giảm thải 3 cấp độ được đề nghị tại COP26. Mức độ 1 đề cập đến lượng giảm thải từ nguồn trực tiếp, trong dự án hồ Ka Pét có thể xem xét yếu tố này ở các góc độ rừng mất đi, đất sử dụng, nguyên vật liệu trực tiếp xây đập, và quá trình vận hành đập cung cấp nước. Mức độ 2 bao gồm giảm thải gián tiếp, từ nguồn nguyên liệu sử dụng trực tiếp như nước cung cấp cho tưới tiêu và các mục đích sử dụng khác, điện năng và các nguyên liệu sử dụng trong quá trình canh tác, chế biến. Mức độ 3 xem xét việc giảm thải gián tiếp từ các đối tác liên quan trên chuỗi cung ứng trong phân phối và tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp (thanh long) cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
Như vậy, hai yếu tố kinh tế và môi trường theo cách lý giải như trên sẽ được sử dụng để đánh giá tác động đến các bên liên quan thông qua định vị trên ma trận quyền lợi và quyền lực.
Định vị các bên liên quan khi phân tích các tác động trong nền kinh tế tuyến tính
Nếu nhìn tác động đến các bên liên quan dưới góc nhìn của một nền kinh tế tuyến tính, không quan tâm đến môi trường, thì các quyết định sẽ có xu hướng theo đuổi tiêu chí tối đa hóa lợi ích của mọi người dựa trên nguyên tắc càng sản xuất được nhiều của cải vật chất thì càng tốt. Lúc này kết quả của ma trận quyền lực - quyền lợi sẽ đưa các cơ quan, ban ngành nhà nước và Quốc hội nằm ở vùng bên liên quan trực tiếp, nơi các đối tượng có quyền lợi từ việc nền kinh tế phát triển thông qua chỉ số GDP sẽ giúp người dân Hàm Thuận Nam cải thiện được cuộc sống, kim ngạch xuất khẩu thanh long giúp tăng thu nhập trong nước và nguồn ngân sách nhà nước. Nhóm các cá nhân và doanh nghiệp liên quan đến thị trường thanh long và dự án hồ Ka Pét cũng được kỳ vọng hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp từ dự án, mặc dù khả năng quyết định đến việc có làm công trình này hay không của họ không cao.
Lợi ích kinh tế còn cần được nhìn nhận thông qua việc gánh chịu những ngoại tác tiêu cực từ phá vỡ sự cân bằng sinh thái gây ảnh hưởng diện rộng, không chỉ kinh tế của tỉnh Bình Thuận hay vùng Nam Trung bộ mà còn là cả nước.
Hiện nay, các nhóm ít hưởng lợi trực tiếp từ dự án hồ Ka Pét được gọi là nhóm “đám đông”, là những người Việt Nam không sống và canh tác trực tiếp tại Hàm Thuận Nam, Bình Thuận, đang lên tiếng phản đối gay gắt và họ cũng là nhóm có cái nhìn về môi trường nhiều nhất. Vấn đề là nhóm này cũng không có nhiều khả năng quyết định việc có thực hiện dự án này hay không. Trong khi đó, đối với nền kinh tế tuyến tính, dự án hoàn toàn không có đối tượng nào thuộc nhóm định hình chính sách, trong khi đây mới là những người có quyền quyết định đến việc có làm hồ Ka Pét hay không nhưng vẫn mang tính khách quan, độc lập trong việc ra quyết định do không trực tiếp hưởng lợi từ dự án.
Định vị các bên liên quan khi phân tích các tác động của nền kinh tế môi trường
Kinh tế môi trường được thảo luận trong bài viết này là phát thải khí nhà kính trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Từ các đối tượng liên quan giả định trong phân tích tuyến tính, khi kết hợp thêm giá trị khí nhà kính sẽ tạo ra sự dịch chuyển. Nhóm bên liên quan đến quản lý nhà nước giảm lợi ích, nhưng tăng quyền lực nên chuyển từ bên liên quan trực tiếp sang khu vực định hình chính sách. Nhóm hưởng lợi chính từ kinh tế tuyến tính từ khu vực chủ thể chuyển sang khu vực đám đông khi có thêm những chi phí phát thải từ nước tưới ở mức độ 2. Nhưng người trồng thanh long ở khu vực khác sẽ có sản phẩm cạnh tranh hơn nên chuyển từ khu vực đám đông sang khu vực chủ thể. Các nhóm chủ đầu tư, nhà thầu và tư vấn dự án vẫn giữ nguyên lợi ích và ở lại khu vực chủ thể.
Trong một nền kinh tế môi trường, chúng ta có một chủ thể mới xuất hiện tại khu vực bên liên quan trực tiếp là các bên mua và bán trên thị trường tín chỉ carbon. Người chơi chính là nông dân trồng thanh long ở Hàm Thuận Nam, các doanh nghiệp thu mua, chế biến trên chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Hàm Kiệm và ban quản lý rừng. Sự tiên phong, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội của nông dân, của chủ rừng đăng ký những dự án sản xuất sạch (CDM) sẽ tạo ra lượng tín chỉ carbon bán ra thị trường. Bên mua có thể là các doanh nghiệp phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quy định của Chính phủ, nhưng cũng có thể là những doanh nghiệp tự nguyện gắn trách nhiệm xã hội vào sản phẩm để tận dụng các nguồn vốn xanh và tạo hình ảnh tốt đẹp trong mắt người tiêu dùng. Sản xuất xanh, tiêu dùng xanh sẽ là tương lai của thế giới. Cam kết của Chính phủ Việt Nam đạt trung hòa carbon đến từ chính sự trung hòa trong từng khu vực.
Với mô hình phân tích trên, chúng tôi nhận thấy việc lồng ghép giảm phát thải khí nhà kính vào quy trình quản lý dự án đầu tư, thí điểm trung hòa carbon cho từng khu vực là một cánh cửa mở ra cho Việt Nam hình thành thị trường tín chỉ carbon trong nước và tiếp cận thị trường toàn cầu. Mô hình sản xuất sạch (CDM) có thể là một gợi ý cho dự án xây dựng hồ Ka Pét. Chúng ta vẫn có thể sử dụng rừng, nhưng không để lại hậu quả gánh nặng phát thải khí nhà kính cho nông dân sử dụng nước trồng thanh long Bình Thuận trong tương lai.
(*) Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giải pháp và Dịch vụ truy xuất nguồn gốc TraceVerified.
(**) Giám đốc chuyên môn Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tâm Việt - Tâm Việt Group.
mình thì không có những suy luận trên nhưng mình thấy Bình Thuận hiếm rừng, đồi trọc nắng cháy, rừng có đây chăng cũng chỉ là cây bụi, khi nhìn thấy hình chụp những cây lớn thế cũng gây bất ngờ, đó quả là quí báu. Thứ hai, nhìn địa hình chung quanh là núi cao, mùa mưa nước ào về dữ dội, tui từng băng qua những con đường mà lũ rừng tràn về chảy như thác.