(KTSG Online) - Tập đoàn công nghệ Cisco Systems đồng ý thương vụ 28 tỉ đô la Mỹ để thâu tóm Splunk, nhà cung cấp phần mềm an ninh mạng, có trụ sở ở bang California. Động thái này diễn ra giữa lúc Cisco tìm cách củng cố mảng kinh doanh an ninh mạng để tận dụng cơ hội trong thời kỳ bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh.
Trong tuyên bố chung công bố hôm 21-9, hai bên xác nhận Cisco nhất trí trả 157 đô la tiền mặt cho mỗi cổ phiếu của Splunk, tương đương mức định giá 28 tỉ đô la cho công ty này.
“Khi kết hợp lại, Cisco và Splunk sẽ trở thành một trong những công ty phần mềm lớn nhất thế giới”, tuyên bố cho hay.
Thỏa thuận này đã được hội đồng quản trị của cả Cisco và Splunk nhất trí thông qua và dự kiến hoàn tất vào cuối quí 3-2024 tùy theo sự chấp thuận của các cơ quan quản lý.
Cisco cho biết, giao dịch này dự kiến mang lại dòng tiền dương và sẽ tăng thêm tỷ suất lợi nhuận gộp trong năm tài chính đầu tiên của công ty sau khi hoàn tất.
Nếu thỏa thuận bị hủy bỏ, Cisco có thể phải trả khoản phí chấm dứt là 1,48 tỉ đô la.
Đây là thương vụ thâu tóm lớn nhất trong lịch sử của Cisco và cũng là thương vụ thâu tóm lớn nhất trong ngành công nghệ trong năm nay trong bối cảnh thị trường mua bán và sáp nhập khá trầm lắng khi chi phí huy động vốn cho các thương vụ tăng lên do lãi suất cao và một môi trường chống độc quyền gay gắt hơn.
Thương vụ này hứa hẹn giúp Cisco tăng cường hoạt động kinh doanh phần mềm, vốn phụ thuộc nhiều vào AI cũng như cung cấp nhiều dịch vụ an ninh mạng, chẳng hạn xây dựng các công cụ để bảo vệ người dùng và doanh nghiệp kỹ thuật số khỏi các hành vi xâm phạm dữ liệu.
Chủ tịch kiêm CEO của Splunk, Gary Steele, sẽ gia nhập đội ngũ lãnh đạo điều hành của Cisco sau khi thỏa thuận tất, theo thông báo của Cisco.
Steele nhận định, thỏa thuận sẽ thúc đẩy sứ mệnh của công ty nhằm hỗ trợ “các tổ chức trên toàn thế giới trở nên kiên cường hơn, đồng thời mang lại giá trị ngay lập tức và hấp dẫn cho các cổ đông của chúng tôi”.
Thương vụ trên có thể thu hút sự giám sát của các cơ quan quản lý chống độc quyền ở Washington, vốn luôn chỉ trích các giao dịch lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ.
Thỏa thuận trên là một dấu mốc kỳ tích lớn đối với Splunk, niêm yết cổ phiếu vào năm 2012 với mức định giá gần 1,6 tỉ đô la.
Phần mềm an ninh mạng của Splunk được nhiều công ty sử dụng để thẩm định an ninh của các kho dữ liệu lớn và phát hiện các mối đe dọa bảo mật có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ.
Trong quí kết thúc vào ngày 31-7, doanh thu định kỳ hàng năm (phần doanh thu dự kiến thu được trong một năm) của Splunk là 3,9 tỉ đô la, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu thực tế trong quí vừa qua là là 910 triệu đô la, vượt kỳ vọng của các nhà phân tích.
Trong những năm gần đây, các nhà đầu tư lớn của Mỹ chú ý đến Splunk khi họ đặt cược vào sự thay đổi mô hình kinh doanh của công từ bán giấy phép sử dụng phần mềm sang hình thức thuê bao trả phí theo định kỳ. Các sản phẩm an ninh mạng của Splunk đang chứng kiến nhu cầu ngày càng tăng.
Năm 2021, Công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân Silver Lake đã rót 1 tỉ đô la vào Splunk dưới hình thức mua trái phiếu chuyển đổi.
Đến năm 2022, Hellman & Friedman, một công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân lớn khác, chi 1,38 tỉ đô la để mua 7,5% cổ phần vào công ty này.
Cisco từ lâu là nhà sản xuất thiết bị mạng máy tính lớn nhất thế giới. Công ty đang đẩy mạnh hoạt động kinh doanh an ninh mạng của để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và thúc đẩy tăng trưởng.
CEO Chuck Robbins của Cisco nhấn mạnh tầm quan trọng của AI và việc sử dụng sức mạnh của AI kết hợp với công nghệ của Splunk để bảo vệ mạng máy tính.
“Các năng lực kết hợp của chúng tôi sẽ thúc đẩy thế hệ tiếp theo về an ninh mạng và khả năng giám sát được hỗ trợ bởi AI. Từ việc phát hiện và ứng phó với mối đe dọa đến dự đoán và ngăn chặn mối đe dọa, chúng tôi sẽ giúp các tổ chức thuộc mọi quy mô trở nên an toàn và linh hoạt hơn”, Robbins nói.
Theo Financial Times, Reuters, CNBC