Chủ Nhật, 29/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tính nghiêm minh của pháp luật bị thách thức

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Sau vụ cháy quán karaoke An Phú ở tỉnh Bình Dương vào tối 6-9-2022, làm thiệt mạng 32 người, một đợt tổng kiểm tra các điểm dịch vụ karaoke về phòng chống cháy nổ đã diễn ra đồng loạt trên cả nước, kết quả là hàng loạt quán karaoke bị buộc phải đóng cửa vì không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn về phòng cháy và chữa cháy.

Một năm sau, một vụ cháy khác còn thảm khốc hơn lại xảy ra ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Lần này không phải quán karaoke, mà là một chung cư mini - nơi hơn 150 con người sống chen chúc trong tòa nhà 9 tầng xây trên 200 mét vuông đất trong một con hẻm nhỏ và không có lối thoát hiểm.

Vấn đề đặt ra ở đây là sau vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương, nếu đợt tổng rà soát an toàn phòng cháy chữa cháy không chỉ dừng lại ở các quán karaoke, mà được thực hiện tại tất cả những nơi thường xuyên tập trung đông người và tiềm ẩn nguy cơ cao, thì vụ cháy tòa chung cư mini ở quận Thanh Xuân đã có thể được ngăn ngừa, và nếu có cháy thì thiệt hại về nhân mạng cũng không nhiều đến như vậy.

Vụ cháy này một lần nữa cho thấy sự bất cập nghiêm trọng trong công tác thực thi pháp luật ở Việt Nam - đó là thói quen hành luật theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”, “thủng” chỗ nào thì chỉ “vá” chỗ đó mà thôi. Trong khi đó, mục tiêu khi ban hành các quy định pháp luật, đặc biệt là những quy định liên quan đến sự an toàn và tính mạng của con người, lại luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của yếu tố phòng ngừa. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà khi các ngành, các địa phương đang chỉ đạo rà soát công tác phòng cháy chữa cháy tại các chung cư mini, khu trọ thì Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lại yêu cầu “phải rà soát lại toàn bộ,... không chỉ với chung cư mini mà còn với các khu chung cư, khu đô thị, các căn hộ cho thuê, các hộ gia đình, các khu trọ...”.

Vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân còn cho thấy một vấn đề nghiêm trọng khác liên quan đến tính nghiêm minh của luật pháp, không những tồn tại mà còn phổ biến từ nhiều năm qua.

Việt Nam được đánh giá là có những quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy rất khắt khe, quản lý về xây dựng cũng vô cùng nghiêm khắc, nhưng bằng cách nào đó tòa chung cư mini chẳng những không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn về phòng cháy chữa cháy, mà còn xây vượt đến 50% số tầng so với giấy phép, nhưng vẫn được thản nhiên tồn tại và hoạt động. Ông Phạm Quang Nghị, cựu Bí thư Thành ủy Hà Nội, nói thẳng rằng đằng sau những công trình vi phạm đó “là những thế lực chống lưng”, nên “khi xử lý chính quyền không chỉ đương đầu với chủ công trình mà còn cả thế lực chống lưng đó”.

Điều đáng lo là “những thế lực chống lưng” không chỉ có ở những công trình xây dựng sai phạm, mà còn hiện diện ở nhiều hành vi sai phạm khác. Những ai từng di chuyển trên các tuyến đường cao tốc đều dễ dàng nhận ra có những chiếc xe “vô tư” chạy quá tốc độ cho phép, thậm chí còn đi cả vào làn đường dừng khẩn cấp, bất chấp camera giám sát ở hai bên đường cũng như mức phạt khá nặng (theo luật) dành cho các hành vi vi phạm này. Nếu không có “thế lực chống lưng”, thử hỏi có chủ doanh nghiệp nào dám để tài xế của mình vi phạm như vậy không?

Rõ ràng, nạn “thế lực chống lưng” không chỉ vô hiệu hóa tính nghiêm minh của luật pháp, mà trong nhiều trường hợp nó còn đe dọa đến sự an toàn và tính mạng của người dân. Một khi nạn chống lưng này chưa được dẹp bỏ thì việc rà soát hay kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật cũng chỉ như đánh vào không khí mà thôi!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới