Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc xuất khẩu ồ ạt, khiến container dư thừa chất đống ở Nga

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nga hiện có 150.000 container rỗng nằm chất đống ở các kho bãi ở các nhà ga đường sắt. Tình trạng này phản ánh dòng chảy thương mại hàng hóa Trung Quốc ồ ạt vào Nga nhưng lượng hàng mà nước này xuất khẩu ngược lại ít hơn nhiều.

Container rỗng chất đống ở kho bãi của một nhà ga đường sắt ở Moscow, Nga. Ảnh: Moscow Times

Số liệu trên là kết quả phân tích công bố hôm 29-9 của Container xChange, một sàn giao dịch container, có trụ sở tại Hamburg, Đức.

“Có một lượng hàng hóa lớn di chuyển từ Trung Quốc sang Nga nhưng rất ít hàng hóa từ Nga chảy sang Trung Quốc. Điều này tác động cực kỳ bất lợi đến hoạt động kinh doanh dịch vụ hậu cần container vì sự mất cân bằng cung cầu cao”, Christian Roeloffs, đồng sáng lập và CEO của Container xChange, nói.

Ba năm trước, tàu container dồn ứ ngoài khơi bờ biển Los Angeles (Mỹ), chở theo lượng hàng hóa khổng lồ để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng Mỹ trong thời kỳ đại dịch.

Tuy nhiên, tình trạng dư thừa container rỗng ở Nga liên quan đến địa kinh tế nhiều hơn. Dù hứng một loạt lệnh trừng phạt từ các nền kinh tế phương Tây kể từ chiến sự Ukraine, nhưng Moscow dự kiến khối lượng thương mại với Trung Quốc sẽ đạt 200 tỉ đô la trong năm nay, từ mức 185 tỉ đô la vào năm 2022, theo Container xChange.

Kết quả là thị trường buôn bán container cũ đang sụp đổ ở Moscow, nơi giá container thấp hơn một nửa ở những nơi khác trên thế giới. Giá trung bình để mua một container 40 feet dạng cao (high cube) đã qua sử dụng, giảm xuống còn 580 đô la tính đến tuần này, từ mức 4.175 đô la vào tháng 2-2022.

Theo dữ liệu của Container xChange, giá các container mới ở Moscow cũng giảm xuống còn 1.450 đô la từ mức 4.309 đô la trước chiến sự Ukraine.

Dữ liệu chính thức cho thấy, kim ngạch thương mại Nga-Trung tăng 37% trong 7 tháng đầu năm nay, đạt 134,1 tỉ đô la. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga tăng 73%, đạt gần 62,54 tỷ tỉ đô la, trong khi nhập khẩu từ Nga tăng 15%, lên 71,6 tỉ đô la.

Quan thương mại song phương giữa Moscow và Bắc Kinh sẽ ngày càng thắt chặt hơn nhờ các thỏa thuận hợp tác gần đây. Hôm 25-9,. Hiệp hội Công nghiệp Kim loại màu Trung Quốc ký một biên bản ghi nhớ với Hiệp hội Nhôm Nga để tăng cường hợp tác chặt chẽ về alumina (hợp chất chứa nhôm), sản xuất nhôm và các sản phẩm nhôm.

Đầu tháng này, Tập đoàn Vận tải Fesco, một trong những nhà cung cấp dịch vụ hậu cần lớn nhất của Nga, ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Đường sắt Đông Bắc Á Cát Lâm và Liên minh Doanh nhân Trung Quốc. “Các bên có kế hoạch giám sát các tuyến vận chuyển container hiện hành giữa Nga và Trung Quốc và cùng mở rộng nhóm các chủ hàng tiềm năng trên tuyến đường sắt kết nối Nga với Trung Quốc”, thông cáo báo chí của Fesco cho hay.

Đầu tháng này, Chỉ số Thương mại Kiel, theo dõi dòng chảy thương mại (xuất nhập khẩu) của 75 nước và khu vực trên toàn thế giới, cho thấy hoạt động tại các cảng của Nga đã phục hồi gần bằng mức trước chiến tranh.

Nga cũng đang tăng cường sử dụng đồng nhân dân tệ (NDT)của Trung Quốc để thanh toán hàng nhập khẩu trong nỗ lực tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây, vốn khiến Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế.

Theo một báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng Tái thiết và phát triển Châu Âu (EBRD), công bố hôm 28-9, tỷ trọng hàng nhập khẩu của Nga được thanh toán bằng NDT tăng lên 20% vào năm 2022, từ mức 3% một năm trước đó

Báo cáo nghiên cứu cũng cho thấy, hóa đơn thanh toán bằng NDT hiện chiếm 63% hàng hòa mà Nga nhập khẩu từ Trung Quốc vào cuối năm 2022, tăng so với gần 25% so với một năm trước đó.

Việc Nga tăng thanh toán hàng nhập khẩu bằng NDT cho thấy sự chuyển hướng khỏi các giao dịch thanh toán bằng đồng đô la Mỹ và đồng euro, vốn giảm trong cùng kỳ từ mức 80% xuống 67%.

Việc sử dụng NDT để giao dịch với Nga cũng tăng lên ở các nước thứ ba không áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Moscow nhưng có thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), như Mông Cổ và Tajikistan.

“Các căng thẳng địa chính trị nói chung và các biện pháp trừng phạt thương mại nói riêng có thể làm giảm sức hấp dẫn của việc sử dụng đồng đô la Mỹ làm tiền tệ thanh toán trong thương mại quốc tế. Điều này có thể dẫn đến sự phân mảnh lớn hơn nữa của các hệ thống thanh toán toàn cầu”, báo cáo của EBRD nhận định.

Theo Bloomberg, Reuters

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới