Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

ĐBSCL: Những vật liệu nào thay thế khi nguồn cát cạn kiệt?

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Khi nguồn cát phục vụ cho các dự án phát triển hạ tầng ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xác định ngày càng khan hiếm thì đá vụn, xỉ than và cả “xà bần” từ các công trình xây dựng... được xem là những loại vật liệu thay thế tiềm năng cho vùng này...

Tốc độ khai thác cát ở ĐBSCL lớn gấp 15 lần con số được bổ sung. Ảnh: Trung Chánh

Kết quả nghiên cứu ngân hàng cát cho ĐBSCL được Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) phối hợp cùng các đối tác liên quan thực hiện cho thấy, nếu giữ nguyên tốc độ khai thác như hiện nay sẽ khiến ĐBSCL hoàn toàn cạn kiệt nguồn cát trước năm 2035.

Khai thác gấp 15 lần bổ sung, ĐBSCL cạn kiệt cát trước 2035

Sau khoảng 20 tháng thu thập dữ liệu, bao gồm cả đo đạc thực tế trên hai nhánh sông chính của vùng ĐBSCL là sông Tiền và sông Hậu, kết quả dự án đã đi đến nhận định: nếu giữ nguyên tốc độ khai thác như hiện nay, trữ lượng cát tích lũy từ hàng trăm năm qua ở ĐBSCL sẽ cạn kiệt trong 10 năm tới. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định hình thái và khả năng chống chịu của đồng bằng.

Theo đó, báo cáo của dự án đã chỉ ra rằng, trữ lượng cát ở đáy sông đo đạc được là 367-550 triệu m3 - đây là lượng cát có vai trò quan trọng đối với sự ổn định của đồng bằng; ước tính lượng cát khai thác từ 2017-2022 ở mức 35-55 triệu m3/năm; lượng cát từ thượng nguồn đổ về đồng bằng chỉ khoảng 2-4 triệu m3/năm do phần lớn bị giữ lại ở các đập thuỷ điện, tức lượng cát lấy đi lớn gấp 15 lần so với con số được bổ sung; lượng cát đổ ra biển Đông là khoảng 0-0,6 triệu m3/năm.

Như vậy, có thể thấy, với tốc độ khai thác cát như hiện nay (35-55 triệu m3/năm), trữ lượng cát sẽ hoàn toàn cạn kiệt trước năm 2035, theo đánh giá từ kết quả nghiên cứu xây dựng ngân hàng cát cho ĐBSCL.

Khai thác cát dẫn đến sạt lở làm một trụ điện cao thế "lọt" xuống sông. Ảnh: Trung Chánh

Tại hội thảo “công bố kết quả hoạt động xây dựng ngân hàng cát cho ĐBSCL” được tổ chức ở thành phố Cần Thơ trong tuần rồi, ông Hà Huy Anh, Quản lý quốc gia dự án quản lý cát bền vững ở ĐBSCL của WWF Việt Nam, cho biết, để tính toán được lượng cát đổ về, bộ phận kỹ thuật của dự án đã sử dụng công cụ đo hiện đại với tên gọi là "đo sâu hồi âm đa tia" (Multibeam Echo Sounder) - đây là công cụ lần đầu tiên sử dụng đo ở sông (công cụ này phần lớn đo ở biển).

Ngoài ra, theo ông Huy Anh, dữ liệu sau khi được thu thập, dưới sự hỗ trợ của mô hình toán để tinh chỉnh và từ đó tính được lượng cát đổ về ĐBSCL, lượng cát vận chuyển ở trong nội đồng bằng, lượng cát ở dưới đáy sông cũng như lượng cát đổ ra biển Đông qua các cửa sông.

Trong khi đó, để tính toán được lượng cát khai thác trên toàn đồng bằng, dự án đã kết hợp giữa phương pháp dùng ảnh vệ tinh của châu Âu để xác định các tàu có cần cẩu, sau đó dùng các thuật toán để “lọc” các tàu và “chốt” những tàu có cần cẩu để tính số lượng.

Sau khi có được số lượng tàu, dự án tiếp tục tiến hành sử dụng các dữ liệu thứ cấp thông qua quan trắc ngoài hiện trường để “loại” các hình ảnh bị sai khác. “Cuối cùng, dựa trên số lượng tàu đã “chốt” nhân với thời gian bao nhiêu lâu tàu sẽ múc được 1 gàu cát, rồi kích thước gàu, 1 ngày tàu khai thác bao lâu (tương đương 1 năm bao lâu), từ đó, tính được kết quả từ 2017 đến 2022 (khoảng 35-55 triệu m3/năm- PV)”, ông Huy Anh giải thích và cho rằng con số này tương đối trùng khớp với các nghiên cứu khoa học gần đây về khối lượng cát khai thác ra khỏi đồng bằng.

Bên cạnh đó, ông Huy Anh cũng cho biết, thông qua việc sử dụng công cụ “địa chấn tầng nông” để quét ở tâm của lòng sông nhằm xác định được độ dày lớp cát là bao nhiêu. Cùng với đó, sử dụng máy “đo sâu hồi âm đa tia” để xác định được độ rộng có cát của sông là bao nhiêu. “Khi kết hợp hai thiết bị này, các chuyên gia của Viện nghiên cứu Deltares (Hà Lan) đã xác định 50-75% lòng sông Tiền và sông Hậu có cát. Từ đó, chuyên gia xác định được ngưỡng trên, ngưỡng dưới và tính toán được tổng lượng cát di động dưới đáy sông là từ 367-550 triệu m3”, ông cho biết.

Bờ biển cũng bị sạt lở và người dân phải dùng cát để gia cố. Ảnh: Trung Chánh

Đá vụn, xỉ than và "xà bần" công trình sẽ là nguồn thay thế?

Cát đối với ĐBSCL là vấn đề rất khó khăn, nhất là với thực trạng vùng này hiện có bốn dự án giao thông lớn theo danh mục các dự án trọng điểm của ngành giao thông, bao gồm cao tốc Cần Thơ- Cà Mau; Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng; Cao Lãnh- An Hữu và Mỹ An- Cao Lãnh, với nhu cầu cát đắp nền đường là 53,68 triệu m3.

Với nhu cầu phát triển hạ tầng ngày càng tăng ở ĐBSCL, nhu cầu cát sẽ không dừng lại ở con số nêu trên, mà sẽ lớn hơn rất nhiều. Đâu là bài toán cho vùng này khi cát không còn nhiều?

“Cát sông hiện nay đang ở mức thâm hụt rất lớn, vậy vật liệu thay thế là gì?”, ông Huy Anh đặt câu hỏi và cho biết, qua đánh giá về tính bền vững đối với môi trường và xã hội đã xác định được 18 loại vật liệu thay thế bền vững ở miền Nam. Trong đó, WWF Việt Nam đã cùng tư vấn xác định được 8 loại vật liệu và nguồn thay thế có trữ lượng và tiềm năng cao nhất.

Theo đó, loại vật liệu được xác định có tiềm năng lớn nhất để thay thế cát sông, đó là cát được nghiền từ đá phế thải, đá vụn ở miền Nam. “Số liệu từ Viện Vật liệu xây dựng (năm 2019), phía Nam có khả năng cung cấp khoảng 2,5 triệu m3 cát nghiền trong 1 năm”, ông Huy Anh nói. Ông cho biết đơn vị này hiện đang phối hợp với Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) tiến hành đánh giá trữ lượng thực tế có khả năng khai thác và cung cấp.

Vật liệu tiếp theo có tiềm năng được nêu ra, đó là từ nguồn phế thải nông nghiệp, bao gồm tro trấu và tro bã mía, với trữ lượng khoảng 10,7 triệu tấn vỏ trấu, mỗi năm (năm 2022), có khả năng cung cấp khoảng 1,9-2,7 triệu tấn tro trấu và tro từ bã mía là khoảng 36.000-72.000 tấn mỗi năm.

Đối với chất thải từ phá huỷ công trình xây dựng (xà bần), ông Huy Anh cho rằng, ở ĐBSCL, các công trình tập trung về bề rộng (chiều cao không nhiều) và có độ tuổi “rất trẻ”, cho nên nguồn phát thải vật liệu liên quan bê tông để tái chế là rất hạn chế. Trong khi đó, ở TPHCM - khu vực tập trung các công trình nhà cửa có độ tuổi lớn, có khả năng phát thải nguồn vật liệu nhiều nhất, khoảng 3,2 triệu tấn/năm và có các trung tâm thu gom để bán lại cho san lấp. "Việc tái chế để sản xuất cát hiện nay đang rất hạn chế, nhưng chúng ta đã có tiêu chuẩn kỹ thuật cho vật liệu tái chế này”, ông cho biết.

Xỉ than từ nhà máy nhiệt điện than được xem là vật liệu thay thế cát?. Ảnh: Trung Chánh

Trong khi đó, với xỉ than ở các nhà máy nhiệt điện, vị đại diện WWF Việt Nam cho rằng quan điểm của đơn vị này là không ủng hộ tiếp tục phát triển các nhà máy nhiệt điện than do tác động môi trường. “Tuy nhiên, đã có nhiều nhà máy nhiệt điện được xây dựng trước đây, tạo nguồn phát thải rất lớn, khoảng 940.000 tấn mỗi năm ở phía Nam và nguồn này cũng đã có các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan”, ông cho biết, nhưng nói rằng, vẫn có những lo ngại từ người dùng về phóng xạ và các yếu tố khác.

Ngoài ra, thuỷ tinh và cao su phế thải… cũng được xác định là những nguồn vật liệu tiềm năng để thay thế cát.

Tuy nhiên, trữ lượng của tất cả những loại vật liệu nêu trên chỉ là về mặt lý thuyết được thu thập từ báo cáo của các địa phương.

Theo ông Huy Anh, tuần này Viện Vật liệu xây dựng sẽ bắt đầu đánh giá trên thực tế ở toàn bộ các địa phương miền Nam về các nguồn nêu trên để xác định trữ lượng thực tế là bao nhiêu. “Sau đó, sẽ kết hợp với các nghiên cứu, đánh giá hiệu quả, chi phí các vật liệu này và cuối tháng 11-2023 WWF Việt Nam sẽ có hội thảo báo cáo đến các tỉnh ĐBSCL và đơn vị liên quan về kết quả các nghiên cứu nhằm đưa ra định hướng sắp tới, bao gồm cần hỗ trợ gì, theo hướng nào..., để có thể thúc đẩy nghiên cứu và phát triển được vật liệu thay thế ở Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng”, ông Huy Anh nhấn mạnh.

Ông Lương Văn Hùng, đại diện Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), cho biết ĐBSCL hiện đang rất hạn chế về nguồn cát, và khuyến nghị các địa phương cần tăng cường liên kết vùng, nhất là với khu vực Đông Nam bộ - nơi có nguồn vật liệu thay thế để bù đắp, tạo cân bằng về nguồn vật liệu cho ĐBSCL.

Ngoài ra, theo ông Hùng, nên phát triển hài hoà sinh thái, hạn chế phát triển công trình nặng, khai thác nhiều tài nguyên thiên nhiên. “Đối với Bộ Xây dựng, chúng sẽ ban hành quy định, chính sách các vật liệu thay thế”, ông cho biết.

Ông Huy Anh khuyến nghị, trong giai đoạn chuyển đổi 5-10 năm, từ phụ thuộc cát sông sang các vật liệu thay thế, Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế pháp lý để có thể thúc đẩy phát triển vật liệu thay thế, giúp chiếm được thị phần lớn hơn trên thị trường.

Tuy nhiên, từ thực trạng vật liệu thay thế cho cát cũng rất hạn chế, khó sử dụng để giải quyết vấn đề thiếu cát cho phát triển cơ sở hạ tầng, các ngành kinh tế khác và dân sinh, thì cần phải thúc đẩy việc sử dụng các thiết kế nhà cửa, công trình sử dụng cát tiết kiệm hơn.

“Ví dụ, như xây dựng cao tốc, chúng ta có thể đề cập đến việc xây trên cầu cạn ở các đồng bằng ngập lụt để vừa giải quyết được vấn đề thiếu cát, vừa duy trì được tính kết nối giữa nước và trầm tích, giữa lòng sông chính với các đồng bằng thông qua các kênh rạch”, ông Huy Anh dẫn chứng.

1 BÌNH LUẬN

  1. Nếu ai từng ở Long An đều biết những con đường đắp đất đỏ làm thời Pháp Mỹ tồn tại tới nay, đất đỏ trộn đá dăm tổ ong siêu bền và cứng, tui thấy cao tốc hay đường đắp bằng cát nhanh hư hơn rất nhiều. Cao tốc Lộ Tẻ -Rạch Sỏi giờ đã nát rồi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới