(KTSG) - Sau một thời gian dài im ắng, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản và xây dựng đã và đang triển khai lại các kế hoạch huy động vốn bằng cách chào bán cổ phiếu và trái phiếu.
- Chất lượng dòng tiền doanh nghiệp bất động sản nhìn từ khối hàng tồn kho
- Số doanh nghiệp bất động sản giải thể tăng hơn 30%
Khó khăn trong tiếp cận vốn
Một trong những thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp bất động sản suốt thời gian qua chính là khả năng tiếp cận vốn. Thông thường, doanh nghiệp thuộc nhóm ngành này tìm vốn qua một số kênh chính như: tín dụng ngân hàng; phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp hay người mua trả tiền trước. Tuy nhiên, tất cả các kênh huy động vốn nêu trên đều gặp rất nhiều khó khăn kể từ đầu năm 2022 đến nay.
Theo cuộc khảo sát của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) với hơn 500 doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ bất động sản thì 70% doanh nghiệp trong số này cho biết các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn chưa thực sự phát huy hiệu quả. Trong bối cảnh niềm tin của người mua nhà và nhà đầu tư liên tục bị thử thách, các doanh nghiệp địa ốc chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng nhằm duy trì hoạt động. Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua các đợt điều chỉnh lãi suất, các gói tín dụng ưu đãi... nhưng doanh nghiệp và ngân hàng vẫn khó gặp nhau.
Trên thực tế, các doanh nghiệp bất động sản cần được “bơm” vốn dài hạn nhưng do các chính sách kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản thời điểm trước đó, kèm theo việc các khoản nợ cũ chưa được thanh toán, nên nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng bởi chưa đủ điều kiện vay.
Những tín hiệu “ấm dần”
Mặc dù vậy, sau thời gian dài “im ắng” chờ sự thay đổi về chính sách cũng như tín hiệu ấm dần lên của thị trường, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản, xây dựng đã và đang triển khai lại các kế hoạch huy động vốn bằng cách chào bán cổ phiếu và trái phiếu.
Trong tháng 9-2023, có tổng cộng 22 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp, huy động được 25.255 tỉ đồng, trong đó nhóm ngân hàng và bất động sản chiếm hơn 93%. Nhóm bất động sản đứng vị trí á quân, với bốn mã được chào bán, huy động được 8.270 tỉ đồng.
Về kênh trái phiếu, theo thống kê tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), chỉ riêng tháng 9 vừa qua đã có tổng cộng 22 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp, huy động được 25.255 tỉ đồng, trong đó nhóm ngân hàng và bất động sản chiếm hơn 93%.
Nhóm bất động sản đứng vị trí á quân trong việc phát hành trái phiếu, với bốn mã được chào bán, huy động được 8.270 tỉ đồng, thuộc về các doanh nghiệp: Phú Thọ Land, Bất động sản Lan Việt, Đầu tư nhà ở xã hội Thuận Thành và Đầu tư kinh doanh bất động sản Liên Lập. Trong danh sách trên, bất động sản Thuận Thành là gương mặt đáng chú ý khi phát hành thành công lô trái phiếu có giá trị 800 tỉ đồng, cao gần gấp 4 lần vốn điều lệ doanh nghiệp.
Ở khung thời gian xa hơn, nhiều doanh nghiệp địa ốc khác cũng đang đẩy mạnh các kế hoạch huy động vốn qua kênh trái phiếu và cổ phiếu trong tương lai.
Điển hình như Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC, HOSE: BCM). Năm 2022, Becamex IDC không thực hiện phát hành trái phiếu mà ưu tiên huy động vốn từ kênh ngân hàng do thị trường trái phiếu có nhiều thông tin không thuận lợi. Song thời gian gần đây, công ty này đang triển khai khá “ồ ạt” kênh huy động vốn này.
Cụ thể, công ty thông báo đã chào bán thành công 2.000 tỉ đồng trái phiếu riêng lẻ, kỳ hạn năm năm. Trái phiếu được phát hành ngày 5-7-2023 và ngày 20-9-2023. Không dừng lại ở đó, Hội đồng quản trị (HĐQT) Becamex IDC vừa thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu riêng lẻ năm 2023 với tổng giá trị tối đa 760 tỉ đồng.
Tại kỳ họp đại hội đồng cổ đông năm nay, ban lãnh đạo Becamex IDC tiết lộ năm mục tiêu lớn trong giai đoạn 2023-2028, bao gồm đầu tư mở rộng kinh doanh ở thêm chín tỉnh/thành, nâng tổng số tỉnh/thành BCM có mặt lên con số 20, với trọng tâm là phát triển nhà ở xã hội, phát triển khu công nghiệp thế hệ mới, phát triển đô thị - dịch vụ và hạ tầng giao thông. Với kế hoạch đầu tư lớn, Becamex IDC cần tăng vốn điều lệ lên mức 20.000-30.000 tỉ đồng, trong khi con số hiện nay mới chỉ ở mức 10.350 tỉ đồng.
Hay như Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (HOSE: NLG) cũng công bố Nghị quyết HĐQT triển khai phương án chào bán 500 tỉ đồng trái phiếu riêng lẻ có kỳ hạn năm năm, lãi suất sáu tháng đầu tiên là 9,6%/năm, sau đó bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 2,5%/năm. Mục tiêu huy động vốn là để đầu tư khu dân cư Nam Long 2 thuộc khu đô thị Nam Cần Thơ, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Dự án đã có các phê duyệt từ cơ quan chức năng có thẩm quyền từ giai đoạn 2019-2020.
Không chỉ thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán cũng ghi nhận nhiều doanh nghiệp đang tiến hành chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu giữa lúc thị giá có đà phục hồi tốt từ cuối năm ngoái đến nay.
Công ty cổ phần Hưng Thịnh Incons (HOSE: HTN) công bố Nghị quyết HĐQT triển khai phương án chào bán 89,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ thực hiện quyền 1:1 (cổ đông sở hữu một cổ phiếu được mua một cổ phiếu mới). Thời điểm thực hiện trong quí 4 năm nay và ngay sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn so với thị giá 16.500 đồng/cổ phiếu. Hưng Thịnh Incons dự kiến huy động được gần 900 tỉ đồng. Theo đó, doanh nghiệp sẽ dùng 400 tỉ đồng để nhận chuyển nhượng một phần của dự án khu thương mại Amata tại phường Long Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; 34,3 tỉ đồng mua cổ phần Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Kim Lan; 457 tỉ đồng bổ sung vốn cho hoạt động thi công xây dựng tại các dự án...
Một trường hợp khác là Công ty cổ phần Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (Hodeco, HOSE: HDC) đang thực hiện kế hoạch phát hành 20 triệu cổ phiếu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu (bằng một nửa thị giá), tỷ lệ thực hiện quyền 1.000:148 (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu thì được mua 148 cổ phiếu mới).
Thời điểm thực hiện trong quí 3-2023 và quí 1-2024, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Hodeco muốn huy động 300 tỉ đồng để thanh toán một số khoản nợ vay tại các tổ chức tín dụng như Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (91 tỉ đồng), Vietcombank (80 tỉ đồng), BIDV (75 tỉ đồng), TPBank (54 tỉ đồng).
Hay như mới đây, Tập đoàn C.E.O (HNX: CEO) thông báo đã bán thành công 242,7 triệu cổ phiếu trên 252,2 triệu cổ phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu. Doanh nghiệp sẽ bán tiếp 9,5 triệu đơn vị mà cổ đông hiện hữu không mua cho năm nhà đầu tư khác.
Ngoài ra, CEO cũng đã phân phối xong năm triệu cổ phiếu ESOP. Với cùng mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu, doanh nghiệp thu về gần 2.600 tỉ đồng để đầu tư dự án khu biệt thự cao cấp Sonasea Residences, tăng vốn cho công ty con và bổ sung vốn lưu động.
Để vực dậy thị trường nguồn vốn cho casc doanh nghiệp BĐS qua kênh trái phiếu, cổ phiếu đã có nhiều ý kiến của các vị chuyên gia đề xuất nhà nước cần thành lập ngay các tổ chức, quỹ tính dụng để bảo lãnh cho các doanh nghiệp BĐS lấy lại lòng tin nhà đầu tư trong cà ngoài nước. Trong khi nguồn vốn trên thị trường chỉ còn tập trung vào các ngân hàng và việc cho vay gặp nhiều quy định rào cản nên giải ngân không hề dễ gây nên khó khăn và chậm phục hồi kinh tế, nếu trễ một ngày thì sẽ thiệt hại rất lớn cho mọi ngành nghề không riêng BĐS nhưng sao đến giờ vẫn chưa thấy NHNN hay Bộ tài chính đưa ra ý kiến đến giải pháp này, lo lắng và bất an vẫn an nhiên toạ thị được sao ???
Để giúp TPDN phục hồi nhanh chóng có thêm nguồn vốn cho các doanh nghiệp BĐS, theo cá nhân tôi, nhà nước nên xem xét cho phát hành TPDN theo từng dự án khả thi, đủ pháp lý do doanh nghiệp BĐS lựa chọn và được các ngân hàng hay TCTD, quỹ đầu tư bảo lãnh và nguồn vốn TPDN này chỉ được sử dụng cho dự án đã đăng ký dưới sự giám sát của các TCTD và cơ quan chức năng nhà nước, khi đã đạt kế hoạch kinh doanh 70% hay 80% thì sẽ cho phát hành các TPDN tiếp theo, tránh tình trạng dàn trải, mất thanh khoản, mất lòng tin của nhà đầu tư như hiện tại.