Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Châu Âu tìm cách bảo vệ các công nghệ quan trọng

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và công nghệ sinh học là bốn công nghệ đầu tiên mà Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đánh giá liệu khối có nên hạn chế xuất khẩu sang các nước đối thủ cạnh tranh hay không. Đây là một phần của chiến lược giảm rủi ro của Liên minh châu Âu (EU) trong mối quan hệ với Trung Quốc.

Chip bán dẫn là một trong bốn công nghệ đầu tiên mà Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đánh giá liệu khối có nên hạn chế xuất khẩu sang các nước đối thủ hay không. Ảnh: techpowerup

Hôm 3-10, EC, cơ quan hành pháp của EU, thông qua khuyến nghị các công nghệ quan trọng đối với an ninh kinh tế của EU nhằm đánh giá rủi ro sâu hơn với các nước thành viên. Trong số mười lĩnh vực công nghệ quan trọng, EC xác định bốn lĩnh vực công nghệ được coi là có nhiều khả năng gây ra rủi ro nhạy cảm và tức thời nhất liên quan đến an ninh công nghệ và rò rỉ công nghệ, gồm chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và công nghệ sinh học.

“Công nghệ hiện là trung tâm của cuộc cạnh tranh địa chính trị và EU muốn trở thành một người chơi chứ không phải một sân chơi. Và để trở thành một bên tham gia, chúng tôi cần có quan điểm thống nhất của EU dựa trên đánh giá chung về rủi ro”, Věra Jourová, Phó Chủ tịch EC nói với Financial Times

Bà nhấn mạnh, EC sẽ làm việc với 27 nước thành viên trước khi đề xuất bất kỳ hành động nào để bảo vệ các công nghệ quan trọng.

Brussels đang nỗ lực xây dựng một mặt trận thống nhất để bảo vệ an ninh kinh tế trong khu vực giữa lúc Mỹ, Trung Quốc và các nước khác thực hiện các hạn chế đối với xuất khẩu công nghệ.

Washington đã gây sức ép buộc Hà Lan cấm bán một số máy sản xuất chip silicon tiên tiến cho Trung Quốc trong năm nay. Điều này dẫn đến kêu gọi các nước EU sát cánh cùng nhau và xây dựng cơ chế chung để áp dụng trên toàn khối.

Quyền hạn chế xuất khẩu vì lý do an ninh vẫn thuộc về các nước thành viên, vì vậy EC đang tìm kiếm sự đồng thuận sau khi bà Ursula von der Leyen, người đứng đầu cơ quan này, kêu gọi “giảm rủi ro” từ một Trung Quốc quyết đoán hơn hồi tháng 3.

Tuy nhiên, những tranh cãi nội bộ đã làm giảm tham vọng của Brussels. Thierry Breton, Cao ủy thị trường nội khối EU, muốn đánh giá rủi ro của 17 công nghệ trong danh sách 50 công nghệ nhạy cảm.

Dưới áp lực từ những người theo chủ nghĩa tự do kinh tế và một số nước thành viên, con số đã giảm con số xuống còn 4. Năm tới, danh sách cần đánh giá rủi ro có thể tăng thêm 6 công nghệ liên quan đến các lĩnh vực như thực tế ảo, an ninh mạng, cảm biến, lò phản ứng hạt nhân, hydrogen, pin, máy bay không người lái và robot.

Mục tiêu hiện nay của EC là hoàn thành các đánh giá rủi ro cho bốn lĩnh vực đầu tiên nói trên vào cuối năm 2023. Các rủi ro có thể bao gồm việc sử dụng các công nghệ liên quan để sản xuất vũ khí, lạm dụng nhân quyền hoặc tính dễ tổn thương của EU do phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài.

Sau đó, EU sẽ xác định các hành động cụ thể bằng cách tiếp cận “thúc đẩy, bảo vệ, đối tác”. Một quan chức EU cho biết, “thúc đẩy” sẽ bao gồm đầu tư vào sản xuất của EU để tăng cường nguồn cung thay thế trong khối.  “Đối tác” tức EU sẽ làm việc với các nước khác về những mối quan tâm chung và “bảo vệ” có thể liên quan đến các hạn chế xuất khẩu.

Một số nước thành viên EU tỏ ra hoài nghi về quá trình này. “Bạn không thể thực hiện đánh giá rủi ro đáng tin cậy cho toàn bộ công nghệ. Chip bán dẫn hoặc AI không nguy hiểm hoặc gặp rủi ro, nhưng các thành phần của những công nghệ đó cần được bảo vệ, trong khi đối với các thành phần khác, có thể có lợi nếu cởi mở thương mại”, một nhà ngoại giao EU nói.

EU cũng đang tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại. Hôm 3-10, Nghị viện châu Âu bỏ phiếu nhất trí Công cụ chống cưỡng bức (kinh tế) được thiết kế để bảo vệ chủ quyền của EU và các nước thành viên trong bối cảnh thương mại và đầu tư ngày càng bị các cường quốc nước ngoài “vũ khí hóa”. Công cụ này cho phép Brussels trả đũa các nước như Trung Quốc bằng các biện pháp như áp thế, hạn chế đầu tư nếu họ sử dụng các biện pháp bao gồm cấm vận thương mại để gây áp lực lên các nước thành viên EU.

Theo Financial Times, Euronews

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới