(KTSG Online) – Mấy tuần gần đây, thị trường dầu thô nóng hừng hực với các dự báo giá dầu sẽ sớm chạm ngưỡng 100 đô la/thùng do nguồn cung ngày càng thắt chặt. Tuy nhiên, cú lao dốc mạnh của giá dầu thô kỳ hạn trong phiên giao dịch 4-10 cho thấy giá cao cùng với bức tranh kinh tế vĩ mô bất ổn đang bắt đầu tàn phá nhu cầu.
Chốt phiên giao dịch hôm qua, giá dầu Brent ở thị trường London giảm 5,6%, xuống còn 85,81 đô la/thùng, đánh dấu mức giảm mạnh nhất kể từ 8-2022. Giá dầu Tây Texas (WTI) ở New York cũng thoái lùi 5,6%, còn 84,22 đô la/thùng. Chỉ số các hợp đồng giá xăng và dầu sưởi tương lai cũng giảm hơn 5%. Giá dầu thô kỳ hạn đã giảm 10 đô la mỗi thùng kể khi đạt mức cao nhất trong năm vào cuối tuần trước.
Sự sụt giảm đột ngột này khiến các nhà đầu tư bất ngờ khi chỉ mới tuần trước, họ chứng kiến giá dầu Brent tăng lên tiệm cận ngưỡng 100 đô la nhờ nhu cầu toàn cầu mạnh mẽ và quyết định của Saudi Arabia và Nga về việc gia hạn cắt giảm sản lượng dầu đến cuối năm 2023.
Giá dầu lao dốc sau khi các dữ liệu cho thấy nhu cầu nhiên liệu ở Mỹ suy yếu, trong khi tồn kho tăng lên.
Tuần trước, tại Mỹ, lượng xăng thành phẩm cung cấp cho động cơ, đại diện cho nhu cầu, giảm xuống còn 8 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ đầu năm, theo số liệu do Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố hôm 4-10.Cũng trong tuần trước, dự trữ xăng của Mỹ tăng 6,5 triệu thùng, mức tăng lớn nhất trong gần 2 năm và vượt xa kỳ vọng tăng 200.000 thùng. Dự trữ dầu thô trên toàn quốc của Mỹ giảm 2,2 triệu thùng xuống 414,1 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 29-9, nhưng tồn kho tại Cushing, Oklahoma, trung tâm phân phối dầu WTI, tăng lần đầu tiên sau 8 tuần.
Bob Yawger, Giám đốc thị trường năng lượng tương lai của ngân hàng Mizuho, giải thích một phần nhu cầu nhiên liệu bị phá hủy đó có thể là do những trận mưa xối xả, gây lũ lụt ở New York vào hôm 29-9 và hoàn lưu của cơn bão nhiệt đới Ophelia gây ra trận mưa lịch sử ở vùng Đông Bắc nước Mỹ vào cuối tháng 9.
Thị trường dầu chao đảo trong một tuần khi lãi suất tăng cao gây áp lực lên thị trường và nền kinh tế, có thể ảnh hưởng đến tiêu thụ dầu. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt mức cao nhất trong 16 năm là 4,88% vào hôm 4-10 trước khi giảm nhẹ trong phiên giao dịch cuối buổi chiều.
“Chi phí lãi suất cao hơn có khả năng làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn và cuối cùng tác động tiêu cực đến nhu cầu dầu mỏ”, Stephen Ellis, nhà phân tích của Morningstar bình luận.
Trong báo cáo gửi khách hàng hôm 4-10, các nhà phân tích hàng hóa của ngân hàng JP Morgan, nhận định nhu cầu dầu đang bắt đầu bị phá hủy. Họ ghi nhận mức tiêu thụ xăng của Mỹ đang ở mức thấp nhất theo mùa vụ trong 22 năm qua. Họ nhận định giá nhiên liệu ở Mỹ tăng 30% trong quí 3 năm nay đã làm giảm nhu cầu, dẫn đến mức giảm theo mùa là 223.000 thùng mỗi ngày.
Giá dầu tăng trung bình 28% trong quí trước và nhảy lên mức cao nhất năm 2023 trong tháng 9, do tác động của chính sách cắt giảm sản lượng của OPEC+ và các biện pháp hạn chế nguồn cung hơn nữa từ Saudi Arabia và Nga.
Các nhà phân tích của JPMorgan dự kiến nhu cầu dầu thô sẽ giảm trong quí này sau đợt phục hồi gần đây.
“Giá dầu mục tiêu vào cuối năm theo dự báo của chúng tôi vẫn là 86 đô la/thùng”, Natasha Kaneva, người đứng đầu nhóm chiến lược hàng hóa toàn cầu của JPMorgan, nói. Bà nhận định sau khi sụt giảm trong mùa hè, lượng dầu tồn kho của Mỹ sẽ tăng nhẹ trong những tháng cuối năm.
“Hơn nữa, nhu cầu hạn chế do giá dầu tăng một lần nữa trở nên rõ ràng ở Mỹ, châu Âu và một số thị trường mới nổi”, các nhà phân tích cho biết
Theo báo cáo của JPMorgan, Trung Quốc và Ấn Độ thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay. Tuy nhiên, trong tháng 8 và tháng 9, Trung Quốc bắt đầu trích xuất dầu dự trữ để sử dụng sau khi giá dầu tăng mạnh.
Người tiêu dùng có thể đã đến ngưỡng chịu đựng của họ đối với giá xăng, một sản phẩm phái sinh từ dầu mỏ. Giá xăng ở Mỹ đạt mức cao nhất năm 2023 vào tháng 9 trong bối cảnh nguồn cung dầu bị siết chặt.
“Đã có những dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng Mỹ phản ứng bằng cách cắt giảm mức tiêu thụ nhiên liệu”, báo cáo của JPMorgan nhận định.
Kaneva cho biết thêm, trong khi nhu cầu xăng của Mỹ cao hơn dự báo của các nhà phân tích trong nửa đầu năm, giá xăng tăng đột biến trong quí 3 đã làm giảm nhu cầu.
Hôm qua, Bộ Năng lượng của Saudi Arabia tái khẳng định tiếp tục cắt giảm nguồn cung dầu thô tự nguyện 1 triệu thùng mỗi ngày cho đến cuối năm. Trong khi đó, Nga cho biết họ tiếp tục cắt giảm xuất khẩu dầu thô 300.000 thùng/ngày.
Nhưng, chênh lệch giá crack (chênh lệch giữa giá của một thùng dầu thô và sản phẩm hóa dầu từ thùng dầu đó), một thước đo lợi nhuận lọc dầu, giảm xuống dưới 20 đô la/thùng, thấp nhất trong khoảng 1,5 năm.
Jim Ritterbusch, Chủ tịch của hãng tư vấn Ritterbusch & Associates nhận xét, biên lợi nhuận lọc dầu “rơi tự do”, cho thấy giá dầu và lãi suất cao làm tăng khả năng xảy ra suy thoái kinh tế đồng thời hạn chế nhu cầu mua dầu thô dự trữ.
“Điều này có thể khiến nhu cầu yếu hơn nữa và Saudi Arabia và Nga không thể ứng phó thông qua việc cắt giảm sản lượng bổ sung”, Ritterbusch nói.
Tin tức kinh tế ảm đạm cũng gây áp lực lên giá dầu. Dữ liệu cho thấy tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ đã chậm lại trong tháng 9. Nhật báo Kommersant của Nga dẫn các nguồn thạo tin cho biết Điện Kremlin có thể sẵn sàng nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu diesel trong những ngày tới.
Trong cuộc họp trực tuyến hôm 4-10, Ủy ban Bộ trưởng Giám sát chung của OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bên ngoài, quyết định giữ nguyên chính sách sản lượng hiện nay.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak khẳng đinh, việc cắt giảm nguồn cung của Saudi Arabia và Nga đã giúp cân bằng thị trường dầu mỏ, đồng thời cho biết thị trường nội địa được hưởng lợi từ lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel và xăng của Điện Kremlin.
Theo Reuters, Yahoo Finance