Thứ năm, 28/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nguy cơ làn sóng vỡ nợ doanh nghiệp trên toàn cầu tăng vọt trong năm 2024

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online)  - Những doanh nghiệp ngập trong nợ nần trên khắp châu Âu, Trung Đông và châu Phi sẽ phải chật vật tìm cách tái cấp vốn (đảo nợ) trị giá 500 tỉ đô la trong nửa đầu năm 2024 trong bối cảnh lãi suất dự kiến vẫn ở mức cao, theo hãng tư vấn Alvarez & Marsal. Đó là một thách thức lớn có thể giết chết nhiều doanh nghiệp “thây ma”, đang tồn tại lay lắt nhờ “ống thở” tín dụng.

Những doanh nghiệp yếu kém ở châu Âu, Trung Đông và châu Phi sẽ phải chạy đua với thời gian để tìm cách đảo nợ khoảng 500 tỉ đô la trong nửa đầu năm 2024. Ảnh: Business Standard

Sau nhiều năm lãi suất thấp, giờ đây, nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với chi phí nợ tăng vọt khi các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu bao gồm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất. Họ phải tìm cách tái cấp vốn với con số lớn nhất trong nhiều năm, đúng lúc các ngân hàng đang tìm cách hạn chế rủi ro trước các quy định về vốn chặt chẽ hơn sắp được áp dụng theo chuẩn mực Basel III. 

Theo các chuyên gia ngành tài chính, nhiều doanh nghiệp nhỏ và yếu đang tìm kiếm các khoản vay tư nhân và các thương vụ phát hành trái phiếu mới giữa lúc lợi suất trái phiếu của các chính phủ, vốn ảnh hưởng đến lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, đang tăng vọt trên toàn cầu.

Nếu không đảm bảo được lượng tiền mặt cần thiết, các doanh nghiệp có khả năng vỡ nợ và sa thải nhân viên.

“Lãi suất cao ngày càng gây khó khăn với các công ty, đặc biệt là những doanh nghiệp ‘thây ma’ vốn dựa vào lãi suất thấp để duy trì hoạt động nhưng hầu như không thể trả được nợ. Tôi nghĩ cuối cùng chúng ta sẽ bắt đầu chứng kiến sự sụp đổ của một số doanh nghiệp đó”, Julie Palmer, đối tác tại hãng tư vấn tái cấu trúc nợ Begbies Traynor, bình luận.

Thuật ngữ “thây ma” được sử dụng rộng rãi trong bối cảnh kinh doanh để chỉ các công ty dựa vào chính sách hỗ trợ từ chính phủ, ngân hàng và nhà đầu tư để duy trì hoạt động.

Các chính sách hỗ trợ này thể bao gồm cơ cấu lại các khoản nợ, giảm lãi suất hoặc các điều khoản thoải mái hơn khác, có thể giúp các ngân hàng tránh mất trắng các khoản nợ.

Các dấu hiệu căng thẳng đang xuất hiện. Dữ liệu mới nhất của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh cho thấy, trong tháng 8, số doanh nghiệp mất khả năng thanh toán ở Anh và xứ Wales là 2.308, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo của Begbies Traynor cho thấy, trong quí 2, có 438.702 doanh nghiệp trên khắp nước Anh gặp căng thẳng tài chính đáng kể.  Con số này tăng 8,5% so với một năm trước đó.

Trong mùa hè này, nhà bán lẻ hàng giảm giá Wilko (Anh) mất khả năng trả nợ mùa hè này, dẫn đến hàng nghìn việc làm bị cắt giảm.

Casino, nhà bán lẻ lớn thứ sáu của Pháp, vừa hoàn tất kế hoạch tái cấu trúc nợ để tránh phá sản.

Nicola Marinelli, giáo sư tài chính của Đại học Regent, cho biết các ngân hàng trung ương chỉ tạm dừng chứ chưa sẵn sàng chấm dứt chu kỳ thắt chặt tiền tệ.

Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cảnh báo các ngân hàng không nên xem nhẹ rủi ro vỡ nợ doanh nghiệp sau khi Anh và xứ Wales ghi nhận số doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ trong quí 2 tăng cao nhất kể từ năm 2009.

Theo Paul Kirkbright, giám đốc quản lý hoạt động tái cơ cấu của hãng tư vấn Alvarez & Marsal (A&M), một một ngân hàng lớn giới thiệu 100 doanh nghiệp nhỏ mỗi tháng cho nhóm tư vấn tái cơ cấu nợ của A&M. Con số đó tăng gấp 10 lần so với 18 tháng trước.

Eva Shang, đồng sáng lập và CEO của Legalist, một quỹ phòng hộ có trụ sở tại Mỹ,  chuyên cung cấp tài chính cho cho các công ty phá sản theo chương 11, tiết lộ công ty của bà nhận được hơn 300 đơn xin tài trợ kể từ tháng 1. Họ chủ yếu là từ các doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn do lãi suất tăng.

Các chuyên gia trong ngành cho biết, các quy định thắt chắt hơn về vốn dự trữ đối hơn đối với các ngân hàng (chuẩn mực Basel III), áp dụng kể từ năm 2025, dự kiến sẽ hạn chế khả năng hỗ trợ các công ty đang cần vay vốn mới.

Katie Murray, Giám đốc tài chính của ngân hàng NatWest Group, lo ngại về việc các quy định vốn liên quan đến Basel III có thể ảnh hưởng đến hoạt động cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ.

Naresh Aggarwal, giám đốc chính sách của Hiệp hội quản lý tài chính doanh nghiệp (Anh), cho biết, một số ngân hàng đã thắt chặt các điều khoản tín dụng và thậm chí loại bỏ hoàn toàn một số khách hàng doanh nghiệp nhỏ. Ông chỉ ra rằng các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng và bán lẻ đang chịu căng thẳng lớn nhất.

 Các công ty cần tiền mặt có thể tìm kiếm nguồn vốn từ các công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân. Tim Metzgen, người đứng đầu bộ phận tư vấn nợ phụ trách khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi của A&M cảnh báo, bất kỳ  vụ phá sản nào của doanh nghiệp lớn đều có khả năng gây ra "hiệu ứng lây nhiễm".

"Tình hình của các doanh nghiệp hiện nay giống như đang đi trên dây. Họ vẫn có thể đi đến đích, nhưng thực tế có một số cơn gió ngược khá mạnh có thể lật đổ họ”, Metzgen nói.

Theo Reuters

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới