Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Dệt may mong đã vượt qua ngày giông bão

Hùng Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Những tín hiệu cho thấy tình hình đơn hàng sản xuất của các doanh nghiệp dệt may đang có chiều hướng "ấm dần" lên để dự báo rằng đáy xấu nhất ngành dệt may đã đi qua.

Dù vẫn còn khó khăn nhưng các doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu với giá trị hàng chục tỉ đô la Mỹ này lại lo lắng sẽ khó tuyển được người lao động khi thị trường phục hồi và năng lực sản xuất trở lại như trước.

Đơn hàng sản xuất của doanh nghiệp dệt may đang "ấm dần" lên. Ảnh minh họa: TTXVN

Vượt qua nỗi lo suy giảm đơn hàng sản xuất

Đại diện doanh nghiệp dệt may lớn của tỉnh Đồng Nai cho biết 2 tháng nay đơn hàng sản xuất đi thị trường Mỹ và khu vực châu Âu đã tăng trở lại. Đáng chú, doanh nghiệp sản xuất và gia công cho hơn 10 nhãn hàng thời trang quốc tế này cho biết đến nay, đơn hàng nhận làm tại các nhà xưởng của doanh nghiệp đủ cho người lao động làm việc đến hết năm nay.

Còn ông Trần Văn Quy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dệt may Trung Quy, cho biết 2 tuần nay ông liên tục đón tiếp các khách hàng may mặc để tìm hiểu cũng như đề nghị về cung ứng vải sợi tại doanh nghiệp ở khu công nghiệp Hải Sơn, tỉnh Long An.

"Hàng loạt doanh nghiệp may mặc trong và ngoài nước có nhu cầu sử dụng vải sợi tại công ty chúng tôi để thay thế nguyên liệu vải sợi lâu nay họ nhập khẩu từ Trung Quốc", ông Quy chia sẻ, và cho biết ngay cả những doanh nghiệp Trung Quốc cũng đến nhà máy để tìm hiểu khả năng cung ứng vì họ có kế hoạch dịch chuyển sản xuất đến Việt Nam.

Theo ông Quy lý giải việc gia tăng lượng doanh nghiệp may mặc tìm hiểu khả năng cung ứng vải sợi tại Trung Quy là vì các nhãn hàng thời trang thế giới, các thị trường nhập khẩu sản phẩm may mặc đang siết chặt nguồn nguyên liệu vải sợi từ Trung Quốc.

Điều này dự báo khả năng sản phẩm may mặc sản xuất ở Việt Nam sẽ gia tăng lên trong thời gian tới và nguyên liệu vải trong nước sẽ được sử dụng nhiều hơn để thay thế nguồn nguyên liệu này lâu nay được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean), Phó Chủ tịchHội Dệt may Thêu đan TPHCM (AGTEK), dù thị trường xuất khẩu chưa đạt được mục tiêu như các năm, nhưng đơn hàng của doanh nghiệp đã dần phục hồi khoảng 80% so với trước. "Đây là động lực để doanh nghiệp tập trung vào sản xuất và hoàn thành các đơn hàng sản xuất cho 3 tháng cuối năm", ông Việt chia sẻ.

Chia sẻ tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập AGTEK tổ chức tối ngày 6-10, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch AGTEK cho biết, từ đầu năm 2023 tới nay ngành dệt may gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu sụt giảm đơn hàng, không chỉ vậy tại nội địa sức tiêu thụ cũng giảm.

Tuy nhiên, bước sang quí 4 năm 2023, tình hình của ngành đã có phần khởi sắc hơn khi thị trường nội địa và xuất khẩu bắt đầu có nhu cầu trở lại.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy sau nhiều tháng xuất khẩu bị sụt giảm nhiều, hàng dệt may bước sang tháng 9 vừa qua ước đạt kim ngạch 3 tỉ đô la Mỹ, tăng 9,6% so với tháng trước đó.

Đối mặt với thiếu hụt lao động khi thị trường phục hồi

Dù tính chung 9 tháng đầu năm, lượng đơn hàng sụt giảm từ 20 - 30% nhưng theo nhận định của lãnh đạo AGTEK, 3 tháng cuối năm chuyển biến tình hình có dấu hiệu tốt hơn. "Giai đoạn u ám nhất của ngành đã dần đi qua", vị Chủ tịch AGTEK nhận định.

Có thể nói ngành dệt may Việt Nam được nhận định đã qua "đáy xấu nhất" và dự kiến đơn hàng sẽ dần phục hồi từ quí 4 này. Các doanh nghiệp dệt may được kỳ vọng sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận dương trở lại trong quí cuối cùng của năm nay, nhưng khó có thể đạt được mục tiêu hồi đầu năm đặt ra.

Ngành dệt may Việt Nam đã thoát được đáy xấu nhất. Ảnh minh họa: TL

Trước đó, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), đơn vị dệt may hàng đầu Việt Nam, cũng có nhận định ngành dệt may Việt Nam đã qua đáy xấu nhất”. Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng cho biết hơn một nửa khách hàng của tập đoàn này đánh giá tình hình thị trường đang tốt lên, tín hiệu chung cho thấy hiệu quả ngành may trong 6 tháng cuối năm nay sẽ tương đương 6 tháng đầu năm.

Tương tự, SSI Research nhận định đơn đặt hàng đối với ngành dệt may Việt Nam dự kiến sẽ được cải thiện dần từ quí 4-2023. Tập đoàn Dệt may Việt Nam hiện cũng lưu ý các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần lưu ý về rủi ro quy mô đơn hàng bị giảm và rủi ro tỷ giá.

Đại diện Vinatex cũng cho biết, đang xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực với ngành dệt may. Gần đây, các đối tác từ châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á… đến tìm hiểu sản phẩm may mặc có xu hướng tăng nhanh so với giai đoạn trước. Điều này tạo kỳ vọng sản lượng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong những tháng cuối năm sẽ tăng so với những tháng qua.

Tuy vậy, Hiệp hội vẫn thận trọng dự báo, xuất khẩu hàng dệt may và nguyên liệu của Việt Nam năm nay đạt trên dưới 40 tỉ đô la, giảm khoảng 9 - 10% so với kết quả đạt được của năm 2022.

Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh TPHCM (VCCI TP HCM), cũng cho rằng đã xuất hiện một số tín hiệu hồi phục và cơ hội phát triển của ngành dệt my. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tháng 8 đạt 3,4 tỉ đô la cao nhất trong 11 tháng gần đây và là tháng thứ 4 liên tiếp kim ngạch xuất khẩu tăng so với tháng trước. Đặc biệt, xuất khẩu sang thị trường Mỹ đã có dấu hiệu hồi phục với kim ngạch tháng 8-2023 đạt 1,5 tỉ đô la, tăng 2,3% so với tháng trước.

"Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa qua, việc hai quốc gia nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện là cơ hội tốt đối với xuất khẩu hàng hóa nói chung và hàng dệt may nói riêng. Để tận dụng tốt các cơ hội này trong thời gian tới, ngành dệt may cần tập trung nâng cao năng suất lao động, gia tăng giá trị sản phẩm và tăng cường sự chủ động và sáng tạo hơn nữa trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên phụ liệu, mở rộng quan hệ đối tác, bạn hàng, thị trường...", ông Liêm bày tỏ.

Kỳ vọng về đơn hàng những tháng cuối năm 2023, bà Phạm Thị Xuân Trang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, dẫn báo cáo của một số doanh nghiệp trong hiệp hội cho thấy tháng 10 và tháng 11 đã bắt đầu có đơn hàng. Tuy nhiên, số đơn hàng này chỉ đủ duy trì hoạt động của nhà máy và giữ chân người lao động. Doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được những khách hàng tiềm năng.

Đáng chú ý, theo các doanh nghiệp ở khu vực phía Nam, có một thực trạng khá nghịch lý là dù đơn hàng còn rất thấp nhưng để tìm nguồn lao động cho đơn hàng trở lại thì rất khó khăn.

Đơn cử như tại Bình Dương việc tìm người lao động cho ngành này với doanh nghiệp là "mỏi mắt". Dẫn đến tình trạng này là do lúc đơn hàng sản xuất cạn kiệt, người lao động bị cắt giảm giờ làm hoặc làm cách ngày nên thu nhập của họ bị sụt giảm nhiều không đủ trang trải trong cuộc sống.

Không ít trong số đó đã xoay chuyển đổi công việc khác hoặc quay về quê sinh sống, trong khi hiện nay hầu hết các địa phương đều phát triển các khu công nghiệp, thu hút được nhiều nhà đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất.

Có khả năng cao sau thời gian khó khăn kéo dài thì doanh nghiệp dệt may sẽ khó tuyển được lao động trở lại làm việc như trước.  Ảnh minh họa: TL

Theo bà Phạm Thị Xuân Trang, trước đây đơn hàng nhiều, người lao động chủ yếu là dân nhập cư có thể tăng ca và có mức thu nhập 12 - 13 triệu đồng/tháng nên họ có thể đủ trang trải cuộc sống.

Tuy nhiên, hiện nay hầu hết doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng. Công nhân chỉ hoạt động cầm chừng, phải giảm giờ làm, thậm chí có nhà máy công nhân làm 1 ngày, nghỉ 1 ngày dẫn đến thu nhập bị giảm nhiều.

Theo người đứng đầu Hiệp hội Dệt may Bình Dương, với mức thu nhập chỉ còn 5-7 triệu đồng mỗi tháng, người lao động không đủ trả tiền phòng trọ, tiền ăn, cho con đi học… Họ không thể bám trụ lại nhà máy, mà phải bỏ về quê. "Có một thực tế là doanh nghiệp không chỉ lo thiếu đơn hàng mà còn rất lo thiếu công nhân", bà Trang lo lắng.

Liên quan vấn đề lao động của ngành, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch AGTEK, cũng cho rằng điều này đã được dự báo trước khi mà đơn hàng sản xuất của nhiều doanh nghiệp bị sụt giảm mạnh.

Theo ông Hồng, trong thời gian thị trường khó khăn kéo dài vừa qua, nhiều doanh nghiệp biết trước khó khăn tuyển được lao động khi đơn hàng sản xuất phục hồi nên đã cố gắng ghồng gánh, tìm mọi cách để giữ chân người lao động dù đơn hàng bị sụt giảm 50-70%.

Ngành dệt may xác định lao động là tài sản số 1, trên cả tài sản thiết bị, công nghệ, nhà xưởng nên dù trong bối cảnh hiện nay, những đơn vị thiếu hụt đơn hàng thì cũng đang tìm cách xoay xở để giữ chân người lao động.

Và việc giữ chân người lao động được cho là tình thế để khi đơn hàng phục hồi thì có thể có lao động làm việc ngay hoặc là vấn đề trách nhiệm của doanh nghiệp lo an sinh của người lao động trong tình hình khó khăn. Tuy nhiên, nếu người lao động nhận thấy công việc không được đảm bảo và thu nhập không đủ trang trải cuộc sống thì buộc họ phải chuyển đổi.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, tình trạng doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng tiếp tục kéo dài từ quí 4/2022 đến nay dẫn đến hàng trăm ngàn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc, tập trung ở các ngành hàng như dệt may, da giày, sản xuất linh kiện... Trong đó người lao động trong ngành dệt may bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

Đó là chưa kể những lĩnh vực thâm dụng lao động như dệt may, da giày, đồ gỗ vốn dĩ nhiều năm qua ngày càng khó tuyển dụng khi mà nhiều ngành sản xuất công nghiệp khác như điện tử, công nghệ... ngày càng phát triển và thu hút lượng lao động lớn với thu nhập cao và được cho là thời thượng hơn.

Đáng chú ý, không ít người lao động giờ đây cũng không muốn ràng buộc công việc trong nhà xưởng kéo dài 8-10 giờ trong ngày trong khi họ có nhiều cơ hội làm việc tự do hơn như lái xe ôm công nghệ, bán hàng online...

Do đó, với cuộc khủng hoảng khó khăn thị trường vừa qua, các doanh nghiệp dệt may dự báo sẽ khó tuyển được lao động như trước khi thị trường phục hồi trở lại.

Dù vậy, ông Chủ tịch AGTEK cho rằng giai đoạn khó khăn hiện nay ngành vẫn ưu tiên tìm kiếm đơn hàng sản xuất. Vấn đề lao động về sau thì giải pháp có thể là đầu tư công nghệ hiện đại hơn và tăng ca sản xuất khi đơn hàng dồi dào... Đồng thời, tập trung vào việc cải thiện năng suất lao động, hiệu quả quản trị, giảm chi phí… song song với tập trung đổi mới công nghệ tự động hóa giảm sức lao động cũng như số lượng lao động.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới