Thứ ba, 5/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Cải thiện chuỗi giá trị nông sản cần hướng đến thị trường

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong chín tháng đầu năm, xuất khẩu nông sản tăng vọt khiến nhiều chuyên gia đặt lại vấn đề xây dựng chuỗi giá trị liên kết cho nông nghiệp, trong đó nhấn mạnh đến việc nhìn nhận nghiêm túc về "nhân vật chính" là thị trường.

Tiêu sạch lên container của Viet Spices, thành viên Phúc Sinh Group tại Bình Dương. Hình: DNCC.

Tiếp tục câu chuyện chuỗi giá trị liên kết nông nghiệp

Một điểm sáng trong xuất khẩu mới đây là nông sản tiếp tục tăng trưởng mạnh, góp phần cải thiện giá trị xuất khẩu trong bối cảnh nhiều mặt hàng chủ lực như thủy sản hay lâm sản giảm sâu.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu nông sản ước đạt 4,8 tỉ đô la Mỹ, giảm 2,7% so với tháng trước nhưng tăng 22% so với cùng kỳ. Tính chung lượng xuất siêu trong 9 tháng đầu năm của nhóm nông, lâm, thủy sản đạt hơn 8 tỉ đô la Mỹ, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu mà Việt Nam có lợi thế so sánh vẫn đạt mức tăng khá cao, chẳng hạn như rau quả (tăng 160%), gạo (tăng 37,8% về lượng và 80,4% giá trị), sắn và các sản phẩm của sắn (tăng 34,2% về lượng và 41,8% giá trị), hạt điều (tăng lần lượt 56% và 39,6%), hạt tiêu (tăng 37,6% và 22,7%).

Con số tăng trưởng xuất khẩu cao của nông sản lần nữa lại khiến nhiều chuyên gia đặt lại vấn đề cải thiện chuỗi giá trị lĩnh vực này, đặc biệt là trong bối cảnh nghịch lý xuất khẩu hàng đầu thế giới nhưng khả năng cạnh tranh lại ở mức thấp so với khu vực.

Một vấn đề cốt lõi được nhắc đến nhiều là vì khả năng chen chân vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu chưa cao vì chưa chế biến sâu, khi có đến khoảng 80% các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu hiện nay chủ yếu ở dạng nông sản thô, hàm lượng chế biến thấp.

Nguồn: Vietstock

Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng dẫn lại một đánh giá của Viện Công nghệ sau thu hoạch, cho biết tỷ lệ sản phẩm nông sản chế biến đạt chất lượng quốc tế mới chỉ đạt khoảng trên dưới 10% và số doanh nghiệp chế biến nông sản đăng ký chất lượng sản phẩm hiện mới dừng ở tỷ lệ khoảng 15%.

Một điểm yếu khác là câu chuyện của hậu cần (logistics). Chia sẻ trong nhiều hội thảo trước đó, các doanh nghiệp cho hay chi phí logistics trong ngành nông sản rất cao, chiếm đến 20-25% giá thành sản phẩm, trong khi Thái Lan chỉ khoảng 12%.

Logistics cho nông nghiệp luôn là bài toán khó khi tổn thất sau thu hoạch rất cao, ước khoảng 30-35%, tỷ lệ sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu thấp, nhưng vấn đề đặt ra cũng là nhiều loại chưa đáp ứng đúng nhu cầu thị trường, theo số liệu của tịch hiệp hôi Rau quả Việt Nam chia sẻ trước đó.

Chuỗi giá trị cần đưa “thị trường” lên hàng đầu

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp. Sự phát triển của nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị cho thấy vai trò quan trọng của việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hợp đồng. Đồng thời, việc thực hiện hợp đồng một cách nghiêm túc là tiền đề bảo đảm cho các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm và đầu tư có hiệu quả trong nền kinh tế thị trường nói chung và trong lĩnh vực kinh doanh nông sản nói riêng.

Vì đặc thù của ngành, đã có nhiều cuộc họp bàn, hội nghị tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông nghiệp và gia tăng giá trị nông sản nói chung. Các giải pháp được nhắc đến bao gồm góc nhìn từ phía cơ quan quản lý, giới doanh nghiệp và nông dân. Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý hiện nay là quan điểm nhìn từ phía thị trường đang được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây.

Phát biểu tham luận tại diễn đàn “Phát triển chuỗi cung ứng sản xuất nông nghiệp an toàn” do VCCI chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức cuối tháng 9 vừa qua, TS. Từ Minh Thiện, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Dịch vụ Thái Bình Dương đã nhấn mạnh vào câu chuyện của thị trường, tức phải nhìn vào các nhu cầu bắt buộc.

Theo đó, doanh nghiệp phải có mức giá cạnh tranh, khả năng cung cấp số lượng lớn, thường xuyên và đúng hạn. Chất lượng sản phẩm phải tốt và đồng nhất, đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần hướng đến người dùng và xu hướng tiêu thụ thực phẩm trên thế giới, trong đó nhấn mạnh đến 3 yếu tố là sức khỏe, sự thuận tiện và thích thú. “Đây là giá trị cốt lõi của sản phẩm, phải có sự khác biệt. Nông sản phải luôn luôn đảm bảo được giá trị cốt lõi”, TS. Từ Minh Thiện chia sẻ.

Tuy nhiên, vấn đề của thị trường hiện này là các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nông sản vì bấp bênh từ cả phía cầu lẫn phía cung. Ông Bùi Văn My, Phó tổng giám đốc Tổng Cty Nông nghiệp Sài gòn, cho biết một vấn đề của chuỗi liên kết là khó tìm được đơn vị sẵn sàng chia sẻ, ổn định lâu dài.

Đây là bài toán muôn thuở của nông nghiệp, nhưng ngược lại cũng cho thấy vấn đề mang tính thị trường như liên kết lỏng lẻo giữa doanh nghiệp và nông dân. Thực tế cho thấy cả hai bên đều không ít lần than phiền về việc “bẻ kèo” của phía còn lại.

Chuỗi liên kết trên thị trường nông sản là cần thiết vì không ai có thể đủ sức để làm một mình. Để hướng đến xây dựng chuỗi liên kết, ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, chia sẻ tại diễn đàn của VCCI, cho rằng cần phải có mục tiêu hướng đến thị trường, có thị trường rồi mới có doanh nghiệp. Tùy vào thị trường mà chuỗi cung ứng biến đổi theo phù hợp chứ không cứng nhắc. “Thị trường mới là yếu tố then chốt của chuỗi”, ông nói.

Theo ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI, hiện ở khu vực phía Bắc và khu vực đồng bằng Sông Cửu Long cũng đã xuất hiện một vài chuỗi liên kết, đồng bộ từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo nhiều hình thức liên kết khác nhau. Trong đó, các chuỗi cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kết nối tiêu dùng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm gia tăng giá trị.

Đây được xem là những tín hiệu mới trên thị trường khi xuất hiện các chuỗi liên kết tự nguyện. Tuy nhiên, thị trường nông sản còn rất nhiều bài toán khó, hạ tầng, môi trường kinh doanh, các quy chuẩn sản phẩm, khung pháp lý và thực thi các chính sách hỗ trợ cần thiết,…

Nhìn tương lai xa hơn, thách thức với nông sản Việt không chỉ là phát triển thực phẩm an toàn, đạt chuẩn mà còn hướng phát triển thực phẩm an toàn mà còn phải hướng đến phát triển xanh và bền vững. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, một ước tính gần đây cho thấy diện tích đất nông nghiệp sẽ suy giảm nặng nề. Đây cũng là câu chuyện của thị trường cần phải được tính toán cẩn thận.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới