Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Mỹ trở thành điểm sáng hiếm hoi của nền kinh tế toàn cầu

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Với nền tảng tiêu dùng trong nước mạnh mẽ, Mỹ nổi lên như là điểm sáng hiếm hoi khi đà tăng trưởng kinh tế ở hầu hết các thị trường phát triển và mới nổi đều đang trì trệ, theo dữ liệu nghiên cứu của Financial Times (FT).

Sức chi tiêu mạnh mẽ của người tiêu dùng Mỹ là động lực quan trọng giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng ổn định. Ảnh: Getty

Chỉ số theo dõi đà phục hồi kinh tế toàn cầu của FT và Viện Brookings (Mỹ), hay còn gọi là TIGER, cập nhật định kỳ hai năm một lần, cho thấy xung lực tăng trưởng ở các thị trường phát triển và mới nổi chậm lại về mức yếu nhất kể từ khi thế giới thoát khỏi ra khỏi lệnh phong tỏa kiểm soát Covid-19. Riêng nền kinh tế của Mỹ vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định, trở một trong số ít điểm sáng kinh tế trên toàn cầu khi lãi suất cao gây thiệt hại ở những nơi khác.

Chỉ số TIGER so sánh các chỉ số về hoạt động kinh tế thực, thị trường tài chính và niềm tin người tiêu dùng và doanh nghiệp với mức trung bình lịch sử của chúng ở cả nhóm nền kinh tế tiên tiến lẫn nhóm nền kinh tế mới nổi.

Dữ liệu nghiên cứu của FT thông qua chỉ số TIGER nhấn mạnh tình trạng mong manh của tăng trưởng toàn cầu, với các chỉ số về niềm tin ở các nền kinh tế tiên tiến cũng như các thước đo về hoạt động kinh tế ở cả các nền kinh tế phát triển và mới nổi đều giảm mạnh trong những tháng gần đây.

Các chỉ số niềm tin nhúng xuống sau khi tăng mạnh trong mùa xuân, với Trung Quốc là một trong những nước chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất. Chỉ số hoạt động kinh tế thực, bao gồm các dữ liệu như GDP, doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp và việc làm, giảm ở nhóm nền kinh tế phát triển lẫn mới nổi. Trung Quốc, Nhật Bản và Đức nằm trong số những nước có chỉ số hoạt động kinh tế thực giảm mạnh nhất.

Tuần trước, bà Kristalina Georgieva, Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá rằng khả năng nền kinh tế toàn cầu “hạ cánh cứng” (tăng trưởng chậm lại đáng kể và tỷ lệ thất nghiệp cao) đã giảm một phần nhờ vào hoạt động kinh tế mạnh mẽ của Mỹ.

IMF nâng dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm nay lên 2,1% từ mức 1,8% dự báo hồi tháng 7, đồng thời điều chỉnh dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm tới lên 1,5% từ mức 1%. IMF lạc quan hơn về kinh tế Mỹ sau khi chứng kiến đầu tư kinh doanh mạnh mẽ hơn trong quí 2 và tăng trưởng tiêu dùng vẫn kiên cường.

Tuy nhiên, IMF vẫn lo ngại nền kinh tế toàn cầu đối mặt với triển vọng yếu kém trong 5 năm tới khi các nhà hoạch định chính sách xoay sở giải quyết những thách thức bao gồm lạm phát cao và mức nợ công cao.

Bà Kristalina Georgieva nhận định, đà sự phục hồi chậm và không đồng đều kể từ đại dịch đã dẫn đến sự khác biệt sâu sắc hơn về vận mệnh kinh tế giữa các nước.

IMF ước tính, tổng sản lượng kinh tế bị mất mát trên toàn cầu lên tới 3,7 nghìn tỉ đô la Mỹ sau khi chịu một loạt cú sốc liên tiếp kể từ năm 2020. bao gồm tác động của đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp ở các thị trường phát triển và mới nổi đang ở mức thấp nhất kể từ đại dịch Covid-19. Ảnh: FT

Eswar Prasad, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Brookings, ghi nhận “các cỗ máy tăng trưởng chính trên thế giới” đang giảm tốc do sự kết hợp của các yếu tố ngắn hạn và những trở ngại dài hạn như chính sách tiền tệ thắt chặt, căng thẳng địa chính trị và nợ công cao. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh trong thời gian gần đây càng gây nguy hiểm hơn nữa cho nền kinh tế toàn cầu.

“Hoạt động kinh tế đang suy yếu trên diện rộng và dù thị trường tài chính tương đối thuận lợi hồi đầu năm, niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp vẫn bị ảnh hưởng nặng nề. Áp lực lạm phát đang dịu lại trên khắp thế giới, nhưng giá năng lượng tăng cao và những rạn nứt địa chính trị ngày càng mở rộng có thể ngăn cản xu hướng này và cũng ảnh hưởng đến tăng trưởng”, Prasad nói.

Prasad lưu ý, Mỹ vẫn đang đạt mức tăng trưởng ổn định nhưng các nền kinh tế tiên tiến khác đang ở trong tình trạng tồi tệ. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ hầu như không tăng từ mức thấp nhất trong nhiều thập niên, ngay cả khi lạm phát đã giảm. Trong tháng trước, nền kinh tế Mỹ tạo ra 336.000 việc làm mới, gấp đôi mức dự báo.

Tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ ghi nhận nhờ xuất khẩu tăng hơn dự kiến, mức thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 8 thu hẹp 9,9%, xuống còn 58,3 tỉ đô la, thấp nhất kể từ tháng 9-2020.

Đà tăng trưởng bền bỉ của nền kinh tế lớn nhất thế giới, vốn khiến các nhà kinh tế cũng như các nhà hoạch định chính sách ngạc nhiên, là nhờ sức mạnh của người tiêu dùng Mỹ. Được hỗ trợ bởi khoản tiết kiệm lớn tích lũy kể từ đại dịch, cùng với thị trường lao động thắt chặt, người Mỹ vẫn tiếp tục chi tiêu bất chấp Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất.

Nhưng với việc khoản tiền tiết kiệm ngày càng cạn kiệt, giá xăng tăng trở lại và các chương trình hỗ trợ tài chính thời đại dịch Covid-19 kết thúc, một số nhà kinh tế cảnh báo rằng kinh tế Mỹ có thể bắt đầu tăng trưởng chậm lại.

Họ cho rằng biên độ lãi suất cao nhất 22 năm từ 5,25-5,5% của Mỹ vẫn chưa thể hiện đầy đủ tác động và điều đó sẽ là một trở ngại khác cho triển vọng tăng trưởng của Mỹ.

Theo Financial Times

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới