Thứ bảy, 9/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Làm gì khi mốc nâng hạng thị trường chứng khoán đã cận kề?

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Việt Nam đã đạt được những bước tiến trong việc thoả mãn các điều kiện nâng hạng thị trường chứng khoán, nhưng còn một số hạn chế, đặc biệt về sở hữu nước ngoài và ký quỹ trước giao dịch (pre-funding).

Nâng hạng thị trường chứng khoán là một trong những mục tiêu lớn mà Chính phủ đang hướng tới, với quyết tâm nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2025.

Tuy nhiên, xếp hạng mới nhất của MSCI và FTSE Russell cho biết Việt Nam hiện vẫn trong nhóm các thị trường cận biên với nhiều điểm cần cải thiện. Đáng lưu ý, những nhận xét của MSCI không khác nhiều so với một năm trước đó, với các điểm nghẽn ở sở hữu nước ngoài, các tài liệu tiếng Anh, thị trường ngoại hối, thanh toán bù trừ, thủ tục đăng ký đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Các cơ quan quản lý của Việt Nam cho rằng, hiện có hai vấn đề cốt lõi cần tháo gỡ là giới hạn sở hữu nước ngoài (Foreign Ownership Limit) và yêu cầu ký quỹ  trước giao dịch (pre-funding), theo tiêu chí xếp hạng của FTSE Russell. Còn khung phân loại xếp hạng của MSCI với năm nhóm tiêu chí về khả năng tiếp cận thị trường (Market Accessibility) cho thấy Việt Nam còn phải nỗ lực nhiều hơn.

Việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam đòi hỏi nỗ lực tổng thể từ các cơ quan quản lý và các thành viên tham gia thị trường .Ảnh minh hoạ: Lê Vũ

Lấn cấn giữ hay bỏ ký quỹ

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho rằng, yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) là trở lại lớn nhất với quá trình nâng hạng thị trường.

Theo ông Sơn, việc nhà đầu tư có thể yêu cầu mua chứng khoán T+2 thì đến ngày T+2 mới nộp tiền, còn ngày T+0 chỉ đặt cọc số lượng nhỏ không phải vấn đề lớn vì thông lệ quốc tế đã làm rồi. Tuy nhiên, sẽ có rủi ro cho thị trường Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư không có tính kỷ luật.

“Ngày T+0 họ đặt cọc nhưng T+2 lại không có tiền trả tiếp thì lúc đó tính sao?”, ông Sơn đặt câu hỏi và cho rằng để đảm bảo được các tiêu chí nâng hạng thì có những thách thức rất lớn với bản thân doanh nghiệp, cơ quan quản lý do yêu cầu đảm bảo toàn vẹn khả năng chống chịu rủi ro của thị trường.

Ông cũng cho biết các thành viên trên thị trường kỳ vọng hệ thống giao dịch chứng khoán KRX sắp được đưa vào vận hành là cơ sở về mặt kỹ thuật cho việc không cần yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải có đủ 100% tiền trong tài khoản trước khi mua chứng khoán.

Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, cho rằng với cấp độ FTSE thì TTCK Việt Nam đang thiếu một chỉ tiêu quan trọng là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, từ đó dẫn đến thiếu tiêu chí sai sót, rủi ro trong thanh toán. Liên quan tới vấn đề Pre-funding, ông cho rằng thị trường Việt Nam không nhất thiết phải có quy định về ký quỹ, song phải có biện pháp phòng ngừa rủi ro.

Khảo sát trên thế giới cho thấy trong trường hợp không ký quỹ, tỷ lệ nhà đầu tư không thanh toán chỉ chiếm 2%, tương đương mức tổn thất khoảng 3 tỉ đô la Mỹ một năm trên toàn cầu. Dựa vào nghiên cứu trên, ông Lực đã đưa ra 3 biện pháp phòng ngừa rủi ro.

Thứ nhất, Việt Nam cần dứt khoát nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin giao dịch, tránh xảy ra những lỗi sai sót.

Thứ hai, kiểm soát hành vi của nhà đầu tư bằng cách tăng chế tài xử lý, xử phạt 1.000–5.000 đô la hoặc tính tiền phạt dựa trên tỷ lệ số tiền.

Thứ ba, tăng thẩm quyền cho các công ty chứng khoán trong việc thẩm định rủi ro.

Công ty chứng khoán có thể tự đưa ra quyết định một nhà đầu tư cần ký quỹ trước giao dịch hay không, đồng thời được phép đưa ra cơ chế xử lý rủi ro, được phép tịch thu tài sản, chứng khoán, thanh lý chứng khoán khi nhà đầu tư không thể thanh toán.

“Để giải quyết được điều này, Việt Nam cần dứt khoát nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để tránh lỗi sai sót. Bên cạnh đó, kiểm soát hành vi của nhà đầu tư bằng cách tăng chế tài, xử phạt”, ông Lực nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng giám đốc đầu tư Khối chứng khoán thuộc VinaCapital, cho biết qua trao đổi với các công ty chứng khoán thì các đơn vị này có thể phối hợp với các bên liên quan hỗ trợ ứng vốn cho nhà đầu tư nước ngoài để thực hiện giao dịch mà không cần ký quỹ 100%. Nhưng về lâu dài, việc triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP), trong đó ngân hàng lưu ký được là thành viên thanh toán bù trừ, sẽ giải quyết được vấn đề pre-funding.

Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), cho rằng việc áp dụng mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) với sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong đó ngân hàng lưu ký phải là thành viên bù trừ (bên cạnh các thành viên bù trừ là các công ty chứng khoán - PV) là phương án tối ưu để xử lý vướng mắc pre-funding.

Thực tế, mô hình CCP cũng từng được các chuyên gia và cơ quan quản lý đề cập nhiều lần trong quá khứ. Nhưng việc tháo gỡ trở ngại này, theo một chuyên gia kinh tế, không chỉ phụ thuộc vào Bộ Tài chính mà còn phụ thuộc vào các bộ ngành khác, nhất là NHNN.

“Vai trò của Ngân hàng Nhà nước rất quan trọng trong việc triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) trong đó ngân hàng lưu ký cũng là thành viên bù trừ, và mức độ linh động trong việc điều hành chính sách tỷ giá. Có điều, những động thái tích cực từ cơ quan này vẫn chưa được rõ ràng”, chuyên gia này đánh giá.

"Điểm nghẽn" sở hữu nước ngoài

Với vấn đề sở hữu nước ngoài, quy định tại Nghị định 155/2020 của Chính phủ cho thấy tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện theo bốn tiêu chí, gồm điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; quy định pháp luật của từng ngành nghề cụ thể; quy định tại danh mục các ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài, trường hợp không quy định cụ thể thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty là 50% vốn điều lệ; các trường hợp khác thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài là không hạn chế. Còn với các công ty hoạt động đa ngành nghề, có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì sẽ không vượt quá mức thấp nhất trong các quy định.

Với những tiêu chí trên, TS Cấn Văn Lực cho rằng vấn đề sẽ nằm ở những ngành nghề có quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài và những ngành nghề thuộc danh mục hạn chế tiếp cận thị trường, bởi những trường hợp khác thì đang thực hiện theo thông lệ quốc tế hoặc không có hạn chế. Do đó, muốn giải quyết vấn đề về sở hữu nước ngoài thì Việt Nam sẽ cần thay đổi các quy định với từng ngành nghề, cũng như rà soát lại danh mục những ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, việc rà soát danh mục ngành nghề không hề đơn giản, bởi theo ông Phạm Hồng Sơn thì hiện có tới 25 ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường và 59 ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài, theo Luật Đầu tư và Nghị định 31/2021 của Chính phủ. Trong khi trên thực tế, giấy phép hoạt động của doanh nghiệp hiện có rất nhiều ngành nghề, trong đó mỗi ngành lại có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài khác nhau, dẫn đến khó khăn khi soi chiếu.

Ông Sơn cho biết hiện nhiều doanh nghiệp đã hết “room ngoại” và nêu vấn đề “khi nhà đầu tư nước ngoài muốn mua thì làm thế nào, liệu chúng ta có nới room không?” vì với nhà đầu tư nước ngoài, họ đầu tư 10 tỉ đô la không có nghĩa là tiền đổ hết về đây, mà sẽ lựa chọn những doanh nghiệp tốt.

Để giải quyết vấn đề, bà Nguyễn Hoài Thu kiến nghị giảm bớt số lượng ngành nghề ở trong danh sách này với những ngành nghề không nhất thiết phải hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, việc phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) cũng sẽ giúp nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư vào những doanh nghiệp đã chạm giới hạn tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh vấn đề “room ngoại”, ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế thuộc UBCKNN, nhận định việc thị trường Việt Nam chưa được nâng cấp lên “mới nổi” còn liên quan tới các yếu tố về khả năng tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, một trong những vấn đề quan trọng cần cải thiện chính là tăng cường quyền tiếp cận thông tin một cách công bằng và minh bạch cho nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài hai trở ngại lớn nêu trên, bà Nguyễn Hoài Thu cho biết còn một số vấn đề khác cũng cần giải quyết để TTCK Việt Nam được nâng hạng, gồm thủ tục đăng ký mở tài khoản mới cho nhà đầu tư nước ngoài còn tốn nhiều thời gian; một số thông tin về doanh nghiệp, các quy định về pháp lý không có sẵn bằng tiếng Anh; và còn một số hạn chế về mức độ tự do hóa trên thị trường giao dịch ngoại hối.

“Nếu giải quyết được tất cả những vấn đề nêu trên, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ sớm được nâng hạng. Đây sẽ là bước ngoặt quan trọng của thị trường chứng khoán Việt Nam và là một trong những động lực phát triển về lâu dài cho các doanh nghiệp niêm yết, đồng thời góp phần vào việc mang thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam hơn nữa”, bà Thu nhấn mạnh.

Làm gì khi cơ hội nâng hạng đã tới gần?

Các chuyên gia thuộc bộ phận nghiên cứu của Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) đánh giá việc nâng hạng sẽ mang lại vị thế mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam, đồng thời thu hút nguồn vốn đầu tư.

Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi nhiều nỗ lực tổng thể của toàn bộ các thành viên tham gia thị trường, trong đó không chỉ có các cơ quan quản lý mà đến từ các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư, ngân hàng lưu ký và cả các ngân hàng thương mại tham gia.

Theo SSI Research, các cơ quan chức năng hiện đang tập trung nhiều nguồn lực để có thể đảm bảo thỏa mãn được các tiêu chí từ các tổ chức xếp hạng như FTSE Russel và MSCI. Nhìn chung, các tiêu chí định lượng không phải trở ngại lớn với Việt Nam vì trên thị trường đã có đủ số lượng cổ phiếu đại diện. Nhưng nhóm tiêu chí định tính, nhất là tiêu chí về “chu kỳ thanh toán (DVP)”, lại là rào cản chính trong quá trình nâng hạng của Việt Nam.

Do đó, SSI Research kỳ vọng việc vận hành hệ thống KRX là điều kiện cần và sự xuất hiện của cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) là điều kiện đủ để các giao dịch được thực hiện và kiểm soát rủi ro về mặt thanh toán.

Theo kế hoạch, hệ thống công nghệ thông tin mới KRX sẽ chuẩn bị vận hành vào ngày 11-12, đến ngày 25-12 chính thức vận hành. Hệ thống này là cơ sở hạ tầng cần thiết để triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm, Central Clearing Counterparty (CCP) và từ đó, giải quyết một trong những nút thắt trọng yếu của việc lên hạng là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding).

Nhưng việc vận hành có hiệu quả CCP cần sự tham gia nỗ lực từ các bên liên quan như NHNN, công ty chứng khoán, ngân hàng lưu ký và thanh toán. Đồng thời, sửa đổi các luật liên quan như Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, theo SSI Research.

Còn Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSVN) cho rằng việc CCP hoạt động sẽ chỉ giải quyết một trong những nút thắt, còn yếu tố liên quan đến rào cản với nhà đầu tư nước ngoài sẽ cần thêm các động thái mạnh mẽ hơn từ cơ quan điều hành. Theo đó, việc nâng hạng nhiều khả năng sẽ phải chờ ít nhất đến năm 2025 mới được thông qua.

Về vĩ mô, bà Nguyễn Hoài Thu cho biết Chính phủ đang điều hành kinh tế tốt với mức tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô cao hơn các nước trong khu vực. Điều này được thế giới ghi nhận, ví dụ tạp chí Global Finance 2023 đánh giá Thống đốc NHNN ở mức cao nhất (A+), ngang với Thụy Sĩ.

Môi trường đầu tư – kinh doanh Việt Nam cũng có nhiều cải thiện tích cực, với chỉ số minh bạch tăng đáng kể so với 5 năm trước đây. Điều này đã giúp việc kêu gọi vốn đầu tư trực tiếp (FDI) vào Việt Nam đạt được mức tăng cao và đều đặn, ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đáng lưu ý, chất lượng FDI cũng được cải thiện, tập trung vào các ngành công nghệ cao với nhiều giá trị gia tăng hơn trước đây.

Do đó, điều quan trọng là Việt Nam cần tiếp tục duy trì chính sách phát triển kinh tế ổn định, bền vững và làm cho môi trường kinh doanh ngày càng thân thiện với nhà đầu tư hơn, giảm bớt các rào cản kỹ thuật để các nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy được chào đón và tạo điều kiện thuận lợi để cạnh tranh bình đẳng với nhà đầu tư trong nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới