(KTSG) - Tận dụng mọi tiềm năng, lợi thế của Việt Nam để làm thời trang bền vững là niềm đau đáu thường trực của Quách Kiến Lân, nhà sáng lập của Greenyarn.
- Con đường màu xanh của Vải sợi Bảo Lân
- Nhà sáng lập của Vải sợi Bảo Lân và con đường màu xanh Greenyarn
Hành trình thời trang bền vững của Greenyarn bắt đầu từ mùa hè năm 2011 bằng niềm tin của người sáng lập, về sự hòa hợp, cân bằng giữa con người và thiên nhiên, mong muốn xây dựng một mô hình kinh doanh vải sợi bền vững hoàn thiện. Năm 2012, thương hiệu Greenyarn ra mắt, bắt đầu tập trung vào tìm kiếm các nguồn nguyên liệu xanh, bền vững cho ngành dệt may. Đến nay, Greenyarn - thương hiệu sợi bền vững của Công ty Vải sợi Bảo Lân - đã có năm dòng sản phẩm vải sợi nổi bật như sợi tre chống nắng, sợi hữu cơ, sợi tái chế có chứng chỉ, sợi supima...
Chỉ tập trung vào những sản phẩm bền vững
Gia đình Quách Kiến Lân đã bắt đầu kinh doanh vải sợi từ những năm 1970 của thế kỷ 20 nên nói chính xác là ngành dệt may đã gắn bó với truyền thống gia đình. Được ba mẹ đưa đi du học New Zealand từ nhỏ, thời gian dài sống tại đây khiến anh chịu ảnh hưởng sâu sắc về lối sống và tình yêu môi trường của người New Zealand. Mười năm sống tại New Zealand đã hình thành những suy nghĩ hướng về môi trường, về lối sống bền vững trong tâm trí Lân, và thời trang bền vững là một lựa chọn để kinh doanh.
Bản thân Lân yêu thích một lối sống chậm, gần gũi với thiên nhiên. Anh cũng mong muốn có một môi trường mà đa số người xung quanh mình sống có trách nhiệm, chừng mực, nhà nhà có khu vườn riêng, không khí bên ngoài trong lành, đường phố, sông ngòi luôn sạch sẽ. Anh mong muốn nhìn thấy Việt Nam cũng có thể phát triển theo hướng tốt đẹp như vậy cho tương lai.
Sau khi về nước, anh tham gia công việc kinh doanh của gia đình một thời gian ngắn nhưng nhận thấy rằng không phù hợp, do đó quyết định tự mình mở một công ty riêng - Công ty Vải sợi Bảo Lân - để tập trung phát triển nguồn nguyên liệu dệt may bền vững. Anh lựa chọn kinh doanh trong lĩnh vực vải sợi xuất phát từ truyền thống gia đình, nhưng hướng đến bền vững chỉ vì đó là một phần của cuộc đời mình.
Thời trang bền vững, sản xuất nguyên liệu dệt may từ thiên nhiên vẫn là một hướng đi mới mẻ ở Việt Nam. “Định hướng từ những ngày đầu tiên của Công ty Bảo Lân đã là bền vững, và chỉ tập trung vào những sản phẩm bền vững, do đó chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn, suýt đóng cửa đến hai lần. Những khó khăn ngày đầu đó không chỉ ở việc khách hàng không quan tâm đến sản xuất bền vững, mà còn ở việc chúng tôi không thể tìm thấy nguồn nguyên liệu bền vững để phát triển. Sau những lần thất bại đã cho tôi được bài học rằng cần phải có một kế hoạch tổng thể và tầm nhìn xa với những thử nghiệm ở số lượng ít, từ đó thường xuyên đổi mới và cải tiến dần để ngày một tốt hơn. Chúng ta có thể bắt đầu với việc chưa hoàn hảo, nhưng cần phải thay đổi và phát triển chính mình để ngày một tiệm cận sự hoàn hảo”, Quách Kiến Lân nói.
Bảo Lân đi sâu vào nghiên cứu, tìm nguồn, phát triển và phân phối các loại vải sợi thiên nhiên đến các nhà sản xuất và công ty dệt may Việt Nam. Khó khăn nhất không phải ở việc nghiên cứu hay sản xuất ra sản phẩm, mà đó là làm cho khách hàng thay đổi thói quen cũ để thực hiện theo đúng quy trình của sản phẩm. Những gì đã quen thường khó thay đổi, do đó Lân phải giới thiệu nhiều về sản phẩm cũng như thuyết phục bằng nhiều cách để khách hàng thử nghiệm.
Phải phổ biến, dễ tiếp cận
Năm 2017, Công ty Bảo Lân ra mắt dự án Gý19 lấy cảm hứng từ di sản và văn hóa Việt Nam. Ý tưởng về màu của sợi mélange được truyền cảm hứng từ những cảnh đẹp dân dã, có ý nghĩa và gắn liền với người Việt Nam. Từ những hình ảnh chọn lọc kỹ càng, nhà thiết kế đã thổi hồn vẻ đẹp văn hóa của Việt Nam vào những sản phẩm riêng với nét giá trị văn hóa, tri thức đậm chất bản địa.
Chất liệu sợi được dùng cho bộ sưu tập là cotton 100%, kết hợp với tiêu chuẩn nhuộm tơ của Oekotex (một tiêu chuẩn nhuộm tơ sợi ít gây ô nhiễm môi trường), hướng đến mục tiêu là những sợi mélange từ Gý19 sau khi hết hạn sử dụng có thể phân hủy được, không gây hại đến thiên nhiên và môi trường.
Thời trang bền vững, sống xanh luôn là đam mê bất tận của Quách Kiến Lân, Giám đốc Công ty Vải sợi Bảo Lân. Và anh luôn chắt chiu từng cơ hội để hiện thực hóa ước mơ của mình. Anh góp quỹ để Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia trồng rừng ngập mặn tại tỉnh Cà Mau. Mong muốn hình ảnh mặc bền - sống xanh trở nên gần gũi, chân thực và dễ thực hiện hơn bao giờ hết, anh kêu gọi mọi người thu gom chai nhựa để tham dự sự kiện “Có chai là có tất” vào mỗi cuối tuần. “Trao em tất” là dự án cộng đồng với mục tiêu đem đến 10.000 đôi tất (vớ) sưởi ấm đôi chân các em nhỏ vùng Tây Bắc vào mùa đông lạnh giá. Thông qua những chiến dịch thu gom chai nhựa, Remarkable sẽ sản xuất những đôi vớ mềm mịn, ấm áp từ sợi Polyester, thay bạn đem yêu thương gửi trao cho trẻ em miền núi vào mùa đông sắp đến…
Rất nhiều công ty ở Việt Nam đã bước vào con đường hoạt động bền vững, thuận tự nhiên, sinh thái… nhưng rồi lại hụt hơi trước áp lực kinh doanh nên cuối cùng lại trở về với việc chạy theo số lượng để lấy các đơn hàng lớn. Greenyarn cũng hụt hơi nhiều lần và suýt dừng hoạt động đến hai lần, nhưng vì quy mô công ty thuộc dạng nhỏ, chi phí cố định ít cũng giúp họ có thể linh hoạt hơn, dễ dàng xoay chuyển để cầm cự lâu dài hơn. Theo Lân mỗi doanh nghiệp đều có những vấn đề khác nhau, và không có “tiên dược” nào có thể trị được bá bệnh. Con đường bền vững cần được nhìn nhận và xây dựng bằng những gì cốt lõi nhất, từ ý thức và suy nghĩ từ những người chủ chốt của mỗi doanh nghiệp, và nền tảng ấy cần có thời gian dài để kiên định theo đuổi chứ không thể thấy được ngay trong ngắn hạn.
Người lãnh đạo cần thường xuyên chia sẻ, lan tỏa những giá trị và ý nghĩa của tính bền vững cho cấp quản lý và những bộ phận bên dưới để từng cá nhân có thể hiểu hơn về mục tiêu chung, cùng đồng lòng và kiên nhẫn mỗi ngày. Việc chấp nhận rằng mình chưa hoàn hảo, cũng có lúc sai, lúc thiếu sót và bình tĩnh giải quyết, thay đổi, cải tiến mỗi ngày, chầm chậm và không gấp gáp sẽ giúp cho tập thể thấu hiểu lẫn nhau và vững bước hơn trên con đường bền vững ấy.
Tiềm năng của thị trường nguyên liệu dệt may từ thiên nhiên, thời trang bền vững của Việt Nam, Quách Kiến Lân cho rằng so với những nước khác, nguồn nguyên liệu từ thiên nhiên dùng cho ngành dệt may ở Việt Nam còn khá hạn chế. Nhưng mỗi đất nước có nét đặc trưng riêng, do đó Việt Nam cần học hỏi những điều hay điều tốt từ các nước bạn cũng như tự tạo ra những nét cá tính riêng biệt phù hợp và tôn vinh nền văn hóa chúng ta. Chẳng hạn như việc trồng cây bông (làm sợi cotton) không thật sự phù hợp tại Việt Nam, nhưng chúng ta có thể phát triển tốt nguồn nguyên liệu từ cây gai dầu (vải hemp) hay cây sen (vải sen)…
Thời trang bền vững tại Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu, vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhưng từ đó lại có rất nhiều cơ hội để tiếp cận. Nói về khó khăn, dễ thấy nhất và lớn nhất là cái nhìn của người tiêu dùng, cộng đồng hiểu cũng như ủng hộ còn hạn chế, vì khi đề cập đến từ “bền vững” hay “môi trường”, đa phần trong quan niệm mọi người sẽ nghĩ đến những hình ảnh của rác thải, mất vệ sinh, không đẹp.
Do vậy, những người làm thời trang bền vững cần cố gắng hơn rất nhiều để thay đổi hình ảnh trong tâm trí người tiêu dùng, từ đó thay đổi những suy nghĩ tiêu cực để hướng đến những cái nhìn tích cực với hình ảnh đẹp hơn cho sản phẩm, cho doanh nghiệp và cho thiên nhiên môi trường quanh ta.
“Chúng tôi tin rằng lối sống bền vững là tương lai mà nhân loại đang hướng đến, và may mặc bền vững là một trong những chìa khóa hướng đến tương lai này. Chính vì thế, Bảo Lân mong muốn trở thành công ty dẫn đầu trong hành trình này và giúp cho ngành hàng dệt may bền vững trở nên phổ biến, dễ tiếp cận với giá cả hợp lý như mặt hàng truyền thống đến cho mọi người”, Quách Kiến Lân nói.
Bảo Lân là công ty vải sợi bền vững đầu tiên tại Việt Nam và Greenyarn là thương hiệu chuyên sản xuất sợi bền vững của Bảo Lân. Thương hiệu này đạt chứng nhận tiêu chuẩn dệt may hữu cơ toàn cầu GOTS (Global Organic Textile Standard). Chứng nhận GOTS đảm bảo rằng toàn bộ chuỗi cung ứng đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về cả xã hội và môi trường, mọi thứ từ nguyên liệu thô đến thành phẩm đều được đưa vào chứng nhận. Một vài tiêu chí được cân nhắc trong chứng nhận GOTS gồm: lao động, hóa chất được sử dụng, loại sợi, xử lý nước thải và bao bì. GOTS cũng thống nhất các tiêu chuẩn giữa các quốc gia và hiện đang giám sát 1,4 triệu công nhân tại 4.600 nhà máy trên toàn thế giới.