Thứ sáu, 29/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Dữ liệu số trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo: Hứa hẹn khu vực tư, thách thức khu vực công

Nguyễn Quang Đồng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Phát triển được vững chắc “nền móng” dữ liệu số - ở mọi cấp độ, từ khu vực công đến khu vực tư, từ doanh nghiệp lớn đến doanh nghiệp nhỏ và vừa - sẽ là tiền đề tốt để đất nước bước vào kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo đầy thách thức.

Bên trong trung tâm dữ liệu VNG Data Center. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang đầu tư hàng trăm triệu đô la cho hệ thống trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Ảnh: VNG

Dù năm 2023 chưa đi qua, nhưng nếu phải chọn một từ khóa cho lĩnh vực công nghệ trong năm nay, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ đến “AI” - trí tuệ nhân tạo. Cơn “sóng thần” ChatGPT càn quét các diễn đàn công nghệ toàn cầu nửa đầu năm nay chắc chắn xác lập một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên ứng dụng AI rộng rãi vào đời sống kinh tế - xã hội. Nhưng với Việt Nam, trước khi nói đến khai phá rộng rãi các tiềm năng của AI (lẫn ứng phó với những hệ quả, tác dụng phụ của công nghệ này), cần trở lại với một yếu tố nền tảng hơn - đó là dữ liệu số.

Tại sao là dữ liệu số?

Một công thức rút gọn được thừa nhận rộng rãi trong giới công nghệ về sự trỗi dậy ngoạn mục của AI trong vòng hơn một thập niên qua, đó là: AI = năng lực tính toán của máy tính + dữ liệu. Ở vế thứ nhất, những tiến bộ của ngành bán dẫn, đặc biệt là thiết kế và chế tạo bộ vi xử lý (chip xử lý) tạo ra bước tiến mạnh mẽ cho năng lực xử lý thông tin của máy móc. Và vế thứ hai cung cấp điều kiện đủ: dữ liệu số là nguyên liệu đầu vào để “học máy” (machine learning) có đất phát triển trở thành công nghệ thông minh.

Công thức rút gọn trên cũng là tiền đề đơn giản để giải thích cho cuộc chạy đua quyết liệt giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc trong cuộc chiến công nghệ hơn năm năm qua. Bởi lẽ, trong kỷ nguyên AI, khả năng thống lĩnh và kiểm soát được ngành chip xử lý hàm ý kiểm soát được điều kiện cần để thống lĩnh làn sóng công nghệ mới. Khi không có điều kiện cần thì những yếu tố khác đều vô nghĩa.

Về cơ bản, giống như những công nghệ khác, AI sẽ đi qua hai giai đoạn: giai đoạn nghiên cứu - phát triển và giai đoạn triển khai ứng dụng. Hiện nay, có thể nói giai đoạn 1 - giai đoạn nghiên cứu đã đạt được thành tựu và thế giới đang khởi đầu bước tiếp theo: ứng dụng rộng rãi AI trong đời sống kinh tế - xã hội. Tác giả Kai-Fu Lee, trong cuốn sách nổi tiếng của mình mang tên Các siêu cường AI - ví von AI với phát minh ra điện, sau giai đoạn “tạo ra” điện trong phòng thí nghiệm sẽ là giai đoạn “điện khí hóa” cuộc sống.

Với Việt Nam, lợi thế quốc gia không phải là phát minh ra AI, cũng không phải là chế tạo được những con chip tiên tiến. Vấn đề của Việt Nam là làm sao để đứng trên vai những người khổng lồ - tức là ứng dụng tốt nhất công nghệ được phát minh. Khi AI bước sang giai đoạn thứ 2, giai đoạn đưa AI vào ứng dụng trên thực tế, dữ liệu lại là yếu tố nền tảng, bởi chip xử lý có thể đi mua hoặc thuê dưới dạng dịch vụ nhưng dữ liệu là thứ riêng có, không thể thuê hay mua được.

Dữ liệu và AI, khối doanh nghiệp tư tăng tốc

Không chờ đến khi ChatGPT được giới thiệu, trong vòng năm năm gần đây, doanh nghiệp khối tư nhân Việt Nam đã năng nổ và tăng tốc nhanh chóng trong việc đưa công nghệ số vào đổi mới mô hình, hoạt động kinh doanh của mình. Tiến trình chuyển đổi số, dưới sự thúc đẩy tích cực của Chính phủ, góp phần giúp doanh nghiệp hiểu rõ lợi ích của các giải pháp công nghệ và tạo lập một nhận thức mới: kinh doanh trong kỷ nguyên số không thể không ứng dụng sâu rộng các giải pháp công nghệ số.

Các thách thức lớn nhất mà Việt Nam đối mặt bao gồm: thiếu một tầm nhìn rõ ràng, đi kèm với một kế hoạch hành động cụ thể và có xác lập thứ tự ưu tiên hợp lý về khai thác dữ liệu; chưa ý thức được và có kế hoạch cụ thể cho vấn đề bảo vệ an toàn dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu cá nhân của công dân.

Các ngành/lĩnh vực đang đi đầu gồm tài chính - ngân hàng, dịch vụ giao nhận hàng hóa, thương mại điện tử, và giáo dục. Đây cũng chính là những ngành/lĩnh vực có đông đảo doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp công nghệ tham gia; cũng như thu hút vốn đầu tư lớn nhất từ các quỹ đầu tư.

Xét riêng trên khía cạnh ứng dụng công nghệ dữ liệu, Việt Nam có nhiều cái tên nổi bật, điển hình như Trusting Social - doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không những ở thị trường Việt Nam mà còn vươn ra thị trường toàn cầu.

Với sự năng động của khu vực tư nhân, tiềm năng tăng trưởng của công nghệ dữ liệu và AI là rất lớn. Có lẽ vấn đề chính sách hiện nay là làm thế nào để những giải pháp này thực sự đến được hàng triệu hộ kinh doanh, và nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa - vốn là nhóm chủ đạo trong nền kinh tế.

Bài toán lớn cho khu vực công

So với khu vực tư, chuyển đổi số và khai thác dữ liệu trong khu vực công, dù được quan tâm, nhưng chưa thực sự tạo ra các kết quả rõ nét.

Lợi ích của khai thác dữ liệu, và tương lai là ứng dụng công nghệ AI, rất lớn. Công nghệ số và dữ liệu mở ra cơ hội lớn để Việt Nam tạo sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong quản trị công và thực thi các chức năng của nền hành chính nhà nước.

Trong ngắn hạn và trung hạn, nếu khai thác được tiềm năng dữ liệu, sẽ giúp đổi mới hệ thống hành chính, nâng cao hiệu quả quản trị - điều hành, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của khối cơ quan công quyền; đồng thời giúp bộ máy nhà nước cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Về dài hạn, nếu có chiến lược và lộ trình mở kho tài nguyên dữ liệu một cách hợp lý, khối dữ liệu từ khu vực công có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo thêm động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo việc làm và góp phần nâng cao hiệu suất của nền kinh tế.

Dù số lượng các trường hợp điển hình ứng dụng công nghệ số và khai thác dữ liệu trong khu vực công còn khá ít ỏi, tuy nhiên thành công bước đầu của những ví dụ trải rộng từ cấp bộ, ngành đến các địa phương minh chứng rõ ràng cho tiềm năng nêu trên.

Ở cấp độ ngành, các ngành như thuế, bảo hiểm xã hội số hóa hoàn chỉnh quy trình kê khai, nộp thuế, thực hiện nghĩa vụ về bảo hiểm xã hội, giúp doanh nghiệp không còn phải tiếp xúc trực tiếp với chính quyền. Thí điểm ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn giúp ngành bảo hiểm xã hội phát hiện ra các trường hợp gian lận trong chi trả bảo hiểm y tế.

Ở cấp độ địa phương, tỉnh Thừa Thiên Huế thí điểm bước đầu về sử dụng dữ liệu để kiểm tra tính hợp lý và hợp lệ của chi trả hỗ trợ xã hội trong giai đoạn dịch Covid-19. Hệ thống dữ liệu báo cáo giúp TPHCM tự tin đề xuất thí điểm bỏ mô hình tổ dân phố.

Xét khía cạnh tăng cường tính tương tác, hiệu quả cung cấp thông tin từ chính quyền đến người dân, việc triển khai rộng rãi các ứng dụng thông minh, với các điển hình thành công như Huế, Tây Ninh, Đà Nẵng cho thấy tiềm năng lớn về nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương.

Đi xa hơn, việc sử dụng “dữ liệu hiện trường” - tức dữ liệu phản ánh các ý kiến, yêu cầu từ người dân - giúp tăng hiệu quả phục vụ của chính quyền, đặc biệt là trong các vấn đề dân sinh sát sao với đời sống hàng ngày của người dân.

Ở mức độ cao nhất - ứng dụng dữ liệu cho chức năng hoạch định chính sách và ra quyết định điều hành của lãnh đạo địa phương, dù chưa có ví dụ cụ thể về trường hợp thành công, nhưng TPHCM với chiến lược dữ liệu của thành phố sắp sửa được ban hành, hứa hẹn sự đột phá.

Tuy tiềm năng đầy hứa hẹn, nhưng hiện thực hóa những cơ hội mà công nghệ và dữ liệu mang lại không phải là công việc dễ dàng. Các thách thức lớn nhất mà Việt Nam, ở cấp quốc gia, cấp độ ngành, lẫn địa phương đối mặt bao gồm hai vấn đề chính: thiếu một tầm nhìn rõ ràng, đi kèm với một kế hoạch hành động cụ thể và có xác lập thứ tự ưu tiên hợp lý về khai thác dữ liệu; chưa ý thức được và có kế hoạch cụ thể cho vấn đề bảo vệ an toàn dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu cá nhân của công dân. Do đó, bài toán chính sách cho khai thác dữ liệu vẫn cần tiếp tục được nghiên cứu và chờ câu trả lời.

(*) Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới