Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nhật Bản muốn hút tiền ‘nhàn rỗi’ vào kênh đầu tư cho startup

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Chuyển tiền tiết kiệm của hộ gia đình sang đầu tư và nuôi dưỡng các công ty khởi nghiệp là hai trong số những mục tiêu chính của Thủ tướng Fumio Kishida. Bằng cách nới lỏng các quy định huy động vốn từ cộng đồng, Nhật Bản đang tìm cách thúc đẩy chu kỳ đầu tư tăng trưởng một cách bền vững và toàn diện.

Một sự kiện của startup diễn ra ở Fukuoka. Các startup Nhật Bản bị khống chế ở các mức trần gọi vốn thấp hơn so với các startup phương Tây. Ảnh: Nikkei Asia

Chuyển tiền nhàn rỗi thành nguồn lực tăng trưởng

Năm 2015, Nhật Bản đã sửa đổi luật công cụ tài chính để tạo cơ chế cho các startup có thể huy động vốn từ cộng đồng. Đến năm 2017, các nền tảng gọi vốn cộng đồng phát triển mạnh, startup có thể gọi vốn từ công chúng thông qua các nền tảng gọi vốn cộng đồng như Fundinno và Ecrowd.

Theo Nikkei Asia, các nhà đầu tư nhỏ lẻ hiện không thể chi quá 500.000 yen (3.339 đô la) mỗi năm vào các công ty khởi nghiệp thuộc sở hữu tư nhân thông qua các nền tảng gọi vốn cộng đồng. Vì thế, Cơ quan Dịch vụ tài chính (FSA) dự kiến sẽ tăng mức trần lên ít nhất là từ 1 triệu yen (gấp 2 lần) mà các nhà đầu tư nhỏ có thể góp vào các startup chưa niêm yết thông qua các nền tảng gọi vốn cộng đồng (crowdfunding).

Cùng với đó, FSA dự định sẽ nâng tổng mức vốn startup có thể gọi trên các nền tảng crowdfunding từ 100 triệu yen hiện nay lên 500 triệu yen trong mỗi năm tài chính. Thay đổi của FSA nhằm giúp hệ sinh thái khởi nghiệp nước này có thể tiếp cận với các chương trình tương tự ở Mỹ.

Nhu cầu gọi vốn của các startup Nhật Bản đang tăng lên hàng năm. Tính đến nửa đầu năm nay, 48,8% số startup đã huy động được ít nhất 100 triệu yen, có 32,9% startup huy động được từ 100 triệu đến 500 triệu yen.

Tính từ năm 2017 đến tháng 8 -2023, các công ty khởi nghiệp của Nhật Bản đã huy động được 12,4 tỉ yen từ nguồn vốn cộng đồng. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn một số nước khác. Cụ thể, chỉ riêng năm ngoái, Mỹ đã huy động được số tiền tương đương 73,8 tỉ yen, trong khi ở Anh là 100,1 tỉ yen được huy động vào năm 2020.

Crowdfunding là công cụ mới của tổ chức, doanh nghiệp

Thực tế, hình thức gọi vốn cộng đồng ở Nhật Bản chậm nhiều năm so với Mỹ, và việc gọi vốn đã theo phương hướng tăng trưởng khác theo hướng đây là một cách để quyên tiền cho các hội đoàn từ thiện.

Tuy nhiên, mọi thứ đang thay đổi nhanh chóng. Theo Disrupting Japan, trang thông tin chuyên về crowdfunding, từ năm ngoái Nhật Bản đã bắt đầu sửa đổi luật để tận dụng nguồn vốn từ cộng đồng cho các dự án mới, ý tưởng mới. Đợt sửa đổi quy định sắp tới (dự kiến áp dụng vào 2024) của FSA là một sức đẩy mới cho các startup Nhật Bản.

Hiện crowdfunding đang là công cụ mới được các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình của Nhật Bản sử dụng. Vụ gọi vốn thành công ngoài mong đợi của Bảo tàng Quốc gia khoa học và thiên nhiên (NMNS) ở Tokyo đầu tháng 8-2023 được xem là điển hình mới nhất của crowdfunding sau khi gỡ bỏ các hạn chế tại xứ hoa anh đào.

Đây là bảo tàng lớn nhất và lâu đời nhất ở Nhật Bản (146 tuổi), NMNS hiện là nơi lưu giữ năm triệu hiện vật, từ bộ xương khủng long đến gấu nhồi bông, ở nhiệt độ và độ ẩm không đổi.

Trong năm tài chính vừa qua, bảo tàng nhận 2,5 tỉ yen từ nhà nước, số tiền chiếm đến 80% chi phí hoạt động của NMNS, chi phí còn lại phụ thuộc vào bán vé và quyên góp của công chúng.

Tuy nhiên, sau khi chính phủ Nhật Bản quyết định cắt giảm và từ chối các đề nghị hỗ trợ thêm tài chính để bảo tàng duy trì hoạt động, Giám đốc Kenichi Shinoda đã xuất hiện trong một video (vào ngày 7-8) để kêu gọi công chúng hỗ trợ 100 triệu yen, góp phần cứu “những món quà quá khứ gửi đến tương lai”.

Chỉ chín tiếng đồng hồ sau khi bảo tàng mở tài khoản trên nền tảng gọi vốn cộng đồng Readyfor, tính đến hôm 9-8 có hơn 30.000 cá nhân đã quyên góp 480 triệu yen (3,4 triệu đô la) cho bảo tàng. Hiện số tiền huy động đã hơn gấp đôi số trên. Chương trình kêu gọi vốn cộng đồng của bảo này dự kiến sẽ tiếp tục đến ngày 5 -11.

Để đáp lại, bảo tàng này đã chuẩn bị các món quà độc đáo để đáp lại thịnh tình của nhà tài trợ, chẳng hạn các phiên bản mẫu thực vật bằng nhựa acrylic, chuyến tham quan bảo tàng mà Chủ tịch bảo tàng làm người hướng dẫn và thuyết minh, một buổi học ngoài trời về nhân chủng học với bộ xương người cổ đại…

Hiện có bốn hình thức góp vốn cộng đồng chính dành cho các startup gồm (1) vốn góp sẽ được xem là điểm thưởng và startup sẽ trả bằng các lợi ích phi tài chính, (2) vốn góp được quy thành tỷ lệ cổ phần trong dự án, doanh nghiệp hay liên doanh, (3) vốn góp được xem là nợ và startup sẽ trả vốn gốc và lãi suất sau, (4) tiền góp vào được xem là quyên tặng tự nguyện, thường là các hoạt động và tổ chức từ thiện. Trường hợp bảo tàng Bảo tàng Quốc gia khoa học và thiên nhiên ở Nhật Bản thuộc loại (1) và (4).

Theo Nikkei Asia, Asahi Shimbun, Disrupting Japan, AFP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới