(KTSG Online) – Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco) đã thông qua Nghị quyết tạm dừng hoạt động nhà máy đường Phụng Hiệp trong niên vụ 2023-2024. Đây là kết quả sau khi CASUCO lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản.
Trao đổi với KTSG Online vào hôm nay, 20-10, một vị lãnh đạo của Casuco xác nhận, nhóm cổ đông lớn đã biểu quyết (biểu quyết bằng văn bản - PV) thông qua phương án sản xuất vụ 2023-2024 của Nhà máy đường Phụng Hiệp (nhà máy đường duy nhất của Casuco còn hoạt động trước khi có biểu quyết dừng sản xuất - PV) là phương án 2, tức dừng sản xuất.
Thông tin nêu trên cũng đã được xác thực tại văn bản số 31/NQ-CASUCO/2023 về Nghị quyết đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ được ông Trần Ngọc Hiếu, Chủ tịch HĐQT Casuco ký ngày 19-10.
Theo đó, bên cạnh tạm dừng sản xuất nhà máy đường Phụng Hiệp, Casuco sẽ thực hiện giải quyết lao động theo quy định và các tồn tại có liên quan.
Trước đó, Casuco đã đưa ra hai phương án sản xuất cho nhà máy đường Phụng Hiệp trong niên vụ 2023-2024, bao gồm phương án 1: tiếp tục sản xuất nhưng chấp nhận lãi, lỗ theo diễn biến thực tế; phương án 2 là tạm dừng hoạt động.
Báo cáo của Casuco cho thấy, niên vụ 2022-2023 vừa qua, nhà máy đường Phụng Hiệp của đơn vị này chỉ ép được 14.516 tấn mía (kế hoạch ban đầu là 80.000 tấn), với kết quả hoạt động lỗ trên 21,3 tỉ đồng (kế hoạch ban đầu là lãi 2,02 tỉ đồng)
Theo tìm hiểu của KTSG Online, những năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành mía đường khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng sa sút, khiến không ít hộ nông dân phải lần lượt bỏ loại cây trồng vốn từng một thời mang lại thu nhập cao.
Báo cáo của UBND tỉnh Hậu Giang - địa phương sản xuất mía trọng điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, vụ mía 2022-2023 địa phương xuống giống được 3.286 héc ta, giảm 14,48% so với cùng kỳ, phân bổ tập trung ở huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy. Đến hết tháng 9-2023, đã thu hoạch được 1.414 héc ta, (chủ yếu bán mía nước), giảm 9,3% so với cùng kỳ.
Theo các số liệu tổng hợp từ ngành nông nghiệp, ĐBSCL từ chỗ có 90.000 héc-ta trồng mía, nay giảm xuống chỉ còn khoảng 15.000 - 16.000 héc-ta. Diện tích mía tập trung ở Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh và một phần ở Cà Mau. Từ chỗ có 10 nhà máy đường hoạt động, đến 2022, ĐBSCL chỉ còn 3 nhà máy ở Hậu Giang, Sóc Trăng và Trà Vinh còn hoạt động.
Cây mía từng là cây trồng cây chủ lực một thời của tỉnh Hậu Giang, nhờ nó mà nhiều hộ nông dân vươn lên thoát nghèo. Nhưng qua thời gian, việc thiếu hụt nhân công, giá cả trồi sụt và sự khó khăn về đầu ra đã khiến nhiều người dân không còn mặn mà với mía. Với những gì đang diễn ra trên thị trường, có thể vào niên vụ 2023-2024, vùng mía lớn nhất ở ĐBSCL nhiều khả năng sẽ đi vào ký ức.