Chủ Nhật, 1/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Lợi nhuận ngân hàng suy giảm vì thừa tiền

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Huy động vốn gia tăng, trong khi tín dụng tăng trưởng chậm khiến biên lãi ròng (NIM) và lợi nhuận của một số ngân hàng sụt giảm trong quí 3-2023.

Gánh nặng lãi suất huy động

BacABank là ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo tài chính quí 3-2023 với lợi nhuận trước thuế giảm mạnh so với cùng kỳ do nguồn thu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi kém khả quan. Cụ thể, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 77 tỉ đồng trong quí 3, giảm hơn 70% cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 9 tháng, lợi nhuận ngân hàng chỉ đạt 550 tỉ đồng, giảm 23% so với cùng giai đoạn năm trước.

Trong số các mảng kinh doanh, trừ hoạt động kinh doanh ngoại hối thì nguồn thu từ các mảng kinh doanh khác của ngân hàng đều sụt giảm. Trong đó, hoạt động tín dụng ghi nhận thu nhập lãi thuần chỉ đạt 426 tỉ đồng trong quí 3-2023, giảm 33%.

Điều này xuất phát từ việc tín dụng của ngân hàng chỉ tăng 4,8%, trong khi tiền gửi khách hàng tăng tới 18,2% so với đầu năm. Theo đó, tiền gửi tăng nhanh khiến gánh nặng trả lãi cho người gửi tiền lớn, trong khi thu nhập từ hoạt động cho vay tăng chậm là nguyên nhân khiến nguồn thu hoạt động kinh doanh cốt lõi (cho vay) giảm sút. Trong quí 3-2023, thu nhập từ lãi của BacABank chỉ tăng 24,5%, trong khi chi phí lãi tăng tới 43%, khiến thu nhập lãi thuần giảm tới 33%.

Điểm tích cực là tốc độ tăng quy mô tổng tài sản và huy động của BacABank vẫn giữ ở ngưỡng hai con số. Cụ thể, tổng tài sản của ngân hàng ở mức 145.000 tỉ đồng tính tới cuối quí 3-2023, tăng hơn 12% so với đầu năm.

Tình trạng có tiền, nhưng không thể giải ngân cho vay ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận các ngân hàng. Ảnh minh hoạ: LÊ VŨ

VPBank cũng công bố báo cáo tài chính quí 3-2023 với lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ trong đạt 3.076 tỉ đồng, giảm 36%. Luỹ kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ đạt 10.973 tỉ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ.

Còn lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng trong đạt 3.117 tỉ đồng trong quí 3-2023, giảm 31% so với cùng kỳ, nhưng đã có sự cải thiện so với quí 1 và quý 2-2023. Luỹ kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng đạt 8.279 tỉ đồng, giảm 58%.

Một phần nguyên nhân sụt giảm này đến từ việc ngân hàng không còn ghi nhận khoản thu đột biến từ thoả thuận bảo hiểm độc quyền. Còn yếu tố ảnh hưởng lớn hơn tới lợi nhuận ngân hàng là nguồn thu từ hoạt động tín dụng và hoạt động khác. Cụ thể, thu nhập lãi thuần hợp nhất của VPBank là hơn 8.800 tỉ đồng - giảm 15%, còn lợi nhuận khác chỉ ghi nhận gần 500 tỉ đồng - thấp hơn nhiều so với con số 1.200 tỉ đồng ghi nhận cùng kỳ năm trước.

PG Bank cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế ở mức 56,6 tỉ đồng trong quí 3-2023, giảm 60% do tất cả các mảng kinh doanh đều ghi nhận sự sụt giảm về lợi nhuận so với cùng kỳ. Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 61% còn 1,6 tỉ đồng; lãi thuần từ hoạt động khác giảm 76% về mức hơn 7,1 tỉ đồng.

Nhưng yếu tố chính khiến lợi nhuận quí 3-2023 của PG Bank suy giảm, theo đại diện ngân hàng, là thu nhập lãi thuần giảm 16%. Việc giảm chỉ tiêu này do tình hình hoạt động chung quí 3 của ngành ngân hàng khó khăn, dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp. Ngoài ra, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 42% do tình hình xuất nhập khẩu nói chung của các doanh nghiệp trong quí 3 kém dẫn đến các hoạt động thanh toán, L/C bị ảnh hưởng lớn.

Huy động vốn tăng nhanh hơn giải ngân cho vay cũng là nguyên nhân khiến gánh nặng chi phí của nhiều ngân hàng tăng lên trong quí 3, làm giảm biên lợi nhuận. Tính tới cuối tháng 9-2023, ước tính tiền gửi khách hàng tại Vietcombank tăng 8,3%, trong khi tín dụng chỉ tăng 3,6%. Với VIB, huy động vốn tăng 7%, trong khi cho vay tăng 5%. Với HDBank, huy động vốn tăng 50%, trong khi cho vay tăng khoảng 12% so với đầu năm.

Trước đó, tại một hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp ở Hà Nội diễn ra cuối tháng 9-2023, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Vietcombank, cũng thừa nhận tăng trưởng huy động vốn của ngân hàng cao gấp 6 lần tăng trưởng tín dụng, khiến ngân hàng phải chịu áp lực rất lớn trong giải ngân vốn. Nhưng thể không dựa vào yếu tố này để hạ chuẩn cho vay do lo ngại nợ xấu sẽ phát sinh, khiến chi phí vốn ngân hàng của ngân hàng có thể tăng lên.

Còn một kết quả điều tra của Vụ Dự báo thống kê thuộc NHNN cho biết các ngân hàng thông tin nhu cầu vay vốn quí 3-2023 chưa có nhiều cải thiện với tỷ lệ tổ chức tín dụng nhận định nhu cầu vay vốn của khách hàng trong quý 3-2023 là “cải thiện” đạt mức thấp hơn so với quí 2-2023 và thấp hơn mức kỳ vọng tại kỳ điều tra trước.

Lý giải thực trạng trên, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho rằng có bốn nguyên nhân.

Thứ nhất, vào tháng 9 và 10-2022, NHNN thực hiện tăng lãi suất điều hành hai lần, mỗi lần tăng 1%, khiến mặt bằng lãi suất cho vay bị đẩy lên mức 10-12% một năm. Thậm chí có một số hợp đồng tín dụng ghi nhận mức lãi suất hơn 12% một năm.

Thứ hai, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2023 ghi nhận mức tăng trưởng âm trong nhiều tháng, thậm chí có tháng ghi nhận mức âm trên 10% trong bối cảnh giá trị xuất khẩu gần bằng 100% GDP.

“Điều này tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp xuất khẩu và gián tiếp tới các doanh nghiệp liên quan, thông qua đó tác động tới nền kinh tế”, ông Ánh phân tích.

Thứ ba, rất nhiều doanh nghiệp thiếu các điều kiện cần thiết để tiếp cận nguồn vốn, chẳng hạn điều kiện liên quan tới tài sản đảm bảo, các hợp đồng vay tín dụng mà phía tổ chức tín dụng đánh giá là khả thi hay không hoặc liên quan đến các khoản nợ, lịch sử tín dụng của doanh nghiệp… dù một số doanh nghiệp có thể chấp nhận mức lãi suất tương đối cao.

Thứ tư, nhu cầu vốn tín dụng hiện nay cơ bản nằm ở doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong khi chỉ chưa tới 50% các doanh nghiệp này thể tiếp cận tín dụng chính thức một cách dễ dàng trong nhiều năm qua.

Theo ông Ánh, nếu tình trạng như nêu trên vẫn tiếp diễn, phía ngân hàng sẽ đối mặt với rất nhiều vấn đề, khi nguồn vốn huy động vào lên tới hàng chục triệu tỉ đồng sẽ không thể giải ngân được.

“Cuối năm ngoái đầu năm nay, ngân hàng đã phải huy động tiền gửi với lãi suất rất cao, nên nếu nguồn vốn đó không cho vay được thì phía ngân hàng sẽ phải chịu lỗ”, ông Ánh nói và cho biết 50% thu nhập của các ngân hàng vẫn dựa vào tín dụng, nên việc không thể giải ngân vốn vay sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của ngân hàng.

Bên cạnh rủi ro giảm lợi nhuận, chuyên gia này dự báo việc tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng có xu hướng gia tăng sẽ làm tăng chi phí trực tiếp và gián tiếp để xử lý nợ xấu qua các nghiệp vụ như trích lập dự phòng rủi ro hoặc biện pháp khác. Điều này khiến ngân hàng rơi vào vòng xoáy là muốn tăng tín dụng mà không tăng được, dẫn tới rủi ro cho hoạt động ngân hàng.

Tại một báo cáo gửi tới Quốc hội mới đây, NHNN cho biết chất lượng tín dụng của nhiều ngân hàng có dấu hiệu đi xuống. Theo đó, một số ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tính trên tổng dư nợ cho vay vượt 3% tính đến cuối tháng 6-2023 như VietBank, NCB, ABBank, BVBank, VPBank, OCB, PGBank.

Trong bối cảnh trên, việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng vẫn gặp nhiều khó khăn do thị trường bất động sản ảm đạm khiến việc xử lý tài sản đảm bảo là bất động sản càng thách thức.

Làm sao để dòng vốn đi vào sản xuất, kinh doanh?

Sau những nỗ lực giảm lãi suất của NHNN, hiện lãi suất cho vay trên thị trường đã tương đối hợp lý, nhưng quan trọng nhất “làm sao để tăng khả năng hấp thụ nguồn vốn cho doanh nghiệp?” là vấn đề được đặt ra.

TS Vũ Đình Ánh cho rằng muốn tăng khả năng hấp thụ vốn thì doanh nghiệp phải phục hồi được hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi được khả năng tiêu thụ. Đồng thời, ngân hàng cần xem xét các khoản nợ đến hạn nhưng chưa được thanh toán do những khó khăn, giảm bớt các điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vay, đặc biệt với các DNNVV.

"Khi đó không chỉ giải quyết bài toán về việc thừa - thiếu tiền trên thị trường, mà còn tái cơ cấu lại nguồn vốn tín dụng theo hướng lành mạnh, bền vững, đáp ứng đúng nhu cầu doanh nghiệp", ông Ánh nói.

Về giải pháp cho các ngân hàng, chuyên gia cho rằng cần rà soát lại các danh mục khách hàng kể cả khách hàng hiện tại và khách hàng tiềm năng, từ đó tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng mà họ đánh giá là đáp ứng đủ các điều kiện, tuy nhiên vì vướng mắc một số quy trình, thủ tục để có thể giải ngân khoản vay. Tiếp đó, là các vấn đề liên quan đến lịch sử tín dụng mà các ngân hàng có thể xử lý dựa trên cơ sở pháp luật.

Bà Trần Thị Lan Anh, đại diện Công ty TNHH Vĩnh Hiệp - một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu cà phê ở tỉnh Gia Lai, cho biết thực tế các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ hiện phải vay vốn theo hình thức thế chấp bằng các bất động sản là chủ yếu. Điều này khiến họ chỉ được vay một số tiền rất hạn chế, trong khi việc thu nông sản và xuất khẩu lại rất khẩn trương vì đây là một mặt hàng có tính thời vụ cao.

Để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, bà Lan Anh cho rằng cần có chính sách cấp tín dụng phù hợp theo ngành nghề nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh vào vụ mùa, qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, cạnh tranh công bằng với doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Nhà nước.

Vị này đề nghị ngành ngân hàng có chính sách cấp tín dụng theo từng nghành hàng, đặc biệt là lĩnh vực nông sản, trong đó có cà phê - một trong năm sản phẩm mũi nhọn của nông nghiệp Việt Nam và chiếm khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Theo đó, cần một gói tín dụng đặc thù riêng cho ngành cà phê và các doanh nghiệp đầu ngành, với yêu cầu bền vững về lãi suất, “room” tín dụng và chính sách tài sản đảm bảo (hàng hóa - PV).

Về sản phẩm tài chính, bà Lan Anh cho rằng có thể xem xét áp dụng các sản phẩm vay vốn dựa vào phương án sản xuất kinh doanh, gồm: hợp đồng, quyền phải thu, dòng tiền, hàng hoá, để các doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay tín chấp tạo, qua đó chủ động hơn về vốn. Ngoài ra, ngân hàng có thể xem xét cho vay dựa trên uy tín của doanh nghiệp, người mua và bảo hiểm tiền phải thu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới