Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Lãi suất tiền gửi về mức thấp kỷ lục – tín hiệu gì từ Vietcombank?

Tuệ Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trước những dự báo gần đây rằng mặt bằng lãi suất có thể tăng trở lại, các ngân hàng vẫn kiên trì chính sách giảm lãi suất từ đầu tháng 10-2023 đến nay, đặc biệt Vietcombank vừa đưa lãi suất tiền gửi về mức thấp kỷ lục. Đâu là động lực và tín hiệu gì phía sau xu hướng này?

Sau lần giảm 0,2 điểm phần trăm ở kỳ hạn từ ba tháng trở lên vào đầu tháng 10-2023, Vietcombank tiếp tục giảm thêm 0,2 điểm phần trăm ở kỳ hạn từ một tháng đến 60 tháng. Ảnh: T.L

Trang chủ

Bất ngờ từ Vietcombank

Bất chấp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục hút ròng thanh khoản tiền đồng qua kênh tín phiếu trong một tháng qua, góp phần đẩy lãi suất thị trường liên ngân hàng dần tăng trở lại nhằm hạn chế hoạt động đầu cơ tỷ giá từ các tổ chức, cũng như tín dụng có dấu hiệu tăng trưởng nhanh hơn từ cuối tháng 9, các ngân hàng vẫn kiên trì chính sách giảm lãi suất huy động vốn từ đầu tháng 10 đến nay, phản ánh lượng vốn trong hệ thống vẫn khá dư thừa.

Ngay cả ngân hàng lớn là Vietcombank dù đang niêm yết lãi suất tiền gửi ở mức thấp nhất thị trường, vẫn tiếp tục có động thái giảm thêm lãi suất tiền gửi vào cuối tuần qua (ngày 20-10), đánh dấu lần giảm thứ 2 liên tiếp chỉ trong tháng 10 này. Cụ thể, sau lần giảm 0,2 điểm phần trăm ở kỳ hạn từ ba tháng trở lên vào đầu tháng, ngân hàng này tiếp tục giảm thêm 0,2 điểm phần trăm ở kỳ hạn từ một tháng đến 60 tháng.

Có ba điểm đáng chú ý ở lần giảm lãi suất tiền gửi này của Vietcombank.

Thứ nhất, sau đợt giảm mới nhất, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng của Vietcombank chỉ còn 2,8%/năm; kỳ hạn ba tháng còn 3,1%/năm; kỳ hạn 6-9 tháng còn 4,1%/năm và kỳ hạn từ 12 tháng trở lên chỉ còn 5,1%/năm. Đây không chỉ tiếp tục là các mức lãi suất huy động vốn thấp nhất trên thị trường hiện nay, mà còn là mức thấp kỷ lục của Vietcombank trong nhiều năm qua, khi thấp hơn cả mức đáy mà ngân hàng này từng niêm yết vào thời điểm tháng 1-2021, lúc nền kinh tế đang hứng chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và đẩy lãi suất hệ thống ngân hàng liên tục giảm sâu.

Thứ hai, đợt giảm vừa qua cũng ghi nhận lần giảm thứ 10 liên tiếp của Vietcombank kể từ đầu năm đến nay, đánh dấu giai đoạn lãi suất giảm nhanh nhất của ngân hàng này cũng trong nhiều năm qua. Nếu so với thời điểm cuối năm 2022, khung lãi suất tiền gửi niêm yết của Vietcombank đã giảm từ 1,9-2,3 điểm phần trăm tùy kỳ hạn. Điểm nhấn Vietcombank cũng phản ánh bức tranh rộng lớn hơn về xu hướng giảm lãi suất huy động vốn của hệ thống ngân hàng từ đầu năm đến nay, khi không ít ngân hàng thương mại tư nhân thậm chí có số lần giảm và mức giảm còn lớn hơn cả Vietcombank.

Mỗi động thái giảm lãi suất của Vietcombank sẽ mang đến những tín hiệu nhất định về triển vọng lãi suất trong thời gian tới, cũng như thường mở đường cho việc giảm lãi suất sau đó của các ngân hàng khác. Tuy nhiên, có lẽ thời gian tới dư địa giảm thêm lãi suất sẽ không còn nhiều, vì không phải ngân hàng nào cũng có được những lợi thế và đặc thù như Vietcombank.

Thứ ba và cũng là điểm gây không ít ngạc nhiên, đó là thông thường Vietcombank và ba ngân hàng thương mại gốc quốc doanh khác là Agribank, BIDV và VietinBank có động thái giảm lãi suất tiền gửi cùng lúc khi đã có sự đồng thuận trước đó, nhưng lần này chỉ có mỗi Vietcombank đơn phương hành động. Ba ngân hàng còn lại hiện vẫn chưa có động thái gì tính đến thời điểm đầu tuần này (23-10). Vì vậy, hiện khung lãi suất tiền gửi niêm yết của Vietcombank đã rớt về mức thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với khung lãi suất tiền gửi của ba ngân hàng nói trên.

Trước những dự báo gần đây cho rằng mặt bằng lãi suất có thể tăng trở lại, trong bối cảnh tỷ giá và lạm phát đang chịu áp lực đi lên, đặc biệt sau những căng thẳng địa chính trị gần đây đã đẩy giá hàng hóa leo thang và đô la Mỹ tiếp tục tăng mạnh, việc các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi, đặc biệt là động thái mới nhất của Vietcombank, cho thấy nhiều tín hiệu đáng để xem xét.

Tín hiệu gì?

Có thể thấy trước triển vọng không mấy tích cực của kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng, trong khi các kênh đầu tư khác vẫn bất ổn và tiềm ẩn rủi ro cao, dòng vốn vẫn đang trung thành với kênh trú ẩn an toàn là tiền gửi ngân hàng. Điều này giải thích vì sao lãi suất huy động vốn liên tục giảm sâu nhưng huy động vốn của nhiều ngân hàng vẫn tăng trưởng tích cực.

Trong khi đó, rủi ro tiềm ẩn trong nền kinh tế ở mức cao, thể hiện qua nợ xấu toàn ngành liên tục đi lên từ đầu năm đến nay, khiến các ngân hàng e ngại và không mặn mà đẩy mạnh cho vay, nên cũng giảm nhu cầu huy động vốn. Số liệu cập nhật gần nhất cho thấy tăng trưởng tín dụng đến ngày 11-10 mới đạt 6,29%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (11,12%) và định hướng điều hành cả năm 2023 (14-15%).

Chính vì vậy, dễ hiểu khi mới đây, ngày 21-10, Thủ tướng Chính phủ đã phát Công điện số 990/CĐ-TTg yêu cầu NHNN thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng, nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Bên cạnh đó, tăng cường hơn nữa kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tiếp tục hỗ trợ, chia sẻ hiệu quả khách hàng gặp khó khăn, thúc đẩy phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về phía Vietcombank, ngân hàng này có lẽ cũng đang kiểm soát tín dụng chặt chẽ hơn. Ngoài ra, điều đặc biệt ở ngân hàng này là có nguồn vốn huy động bằng đô la Mỹ rất lớn, do có thế mạnh về kinh doanh ngoại tệ, lượng khách hàng xuất, nhập khẩu lớn. Từ khi trần lãi suất huy động đô la Mỹ về 0% vào cuối năm 2015, dòng tiền gửi đô la Mỹ có xu hướng tập trung về Vietcombank nên tiền gửi đô la Mỹ của ngân hàng này ngày càng tăng tỷ trọng trong cơ cấu tiền gửi.

Trước diễn biến tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng biến động mạnh gần đây, khả năng một lượng vốn đã dịch chuyển sang đô la Mỹ và tạm gửi vào Vietcombank chờ sóng tỷ giá cuối năm. Điều này càng giúp cho nguồn vốn huy động ngoại tệ của Vietcombank tăng trưởng cao hơn. Do đó, ngân hàng này có thể chuyển sang tiền đồng để kinh doanh, khiến nguồn vốn tiền đồng có thể càng dư thừa hơn tạo điều kiện liên tục giảm lãi suất tiền gửi tiền đồng.

Ngoài ra, Vietcombank trước giờ là một trong những ngân hàng tích cực kinh doanh trên thị trường liên ngân hàng ở vị thế người cho vay. Tuy nhiên, lãi suất trên thị trường 2 thời gian qua quá thấp, cộng thêm toàn hệ thống thừa vốn nên nhu cầu vay trên thị trường 2 cũng giảm xuống. Những ngân hàng như Vietcombank cũng giảm hoạt động trên thị trường 2, vì vậy nguồn vốn nhàn rỗi càng lớn.

Đáng lưu ý, Vietcombank đã được lựa chọn làm ngân hàng thanh toán cho hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên sàn HNX bắt đầu hoạt động từ ngày 19-7-2023. Với vai trò là ngân hàng thanh toán, có lẽ một lượng tiền thanh toán thường xuyên đọng lại trên hệ thống của Vietcombank, giúp thanh khoản của ngân hàng này luôn ở thế dồi dào nên càng có điều kiện giảm thêm lãi suất tiền gửi.

Thường xuyên được xem là chỉ báo định hướng thị trường, mỗi động thái giảm lãi suất của Vietcombank sẽ mang đến những tín hiệu nhất định về triển vọng lãi suất trong thời gian tới, cũng như thường mở đường cho việc giảm lãi suất sau đó của các ngân hàng khác. Tuy nhiên, có lẽ thời gian tới dư địa giảm thêm lãi suất sẽ không còn nhiều, vì không phải ngân hàng nào cũng có được những lợi thế và đặc thù như Vietcombank.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới