(KTSG Online) - Trong một nỗ lực kích thích kinh tế, Trung Quốc quyết định phát hành thêm khoảng 137 tỉ trái phiếu chủ quyền, đồng thời cho phép các chính quyền địa phương bán trước hạn ngạch trái phiếu đặc biệt phát hành trong năm 2024.
- Liệu Trung Quốc có rơi vào khủng hoảng tài chính?
- Nợ chính quyền địa phương ở Trung Quốc là rủi ro tài chính hàng đầu của châu Á
Hôm 24-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc phê duyệt kế hoạch phát hành thêm 1.000 tỉ nhân dân tệ (137 tỉ đô la) trái phiếu chủ quyền. Cơ quan này cũng thông qua dự luật cho phép các chính quyền địa phương phát hành trước trái phiếu đặc biệt trong hạn ngạch trái phiếu được bán trong năm 2024. Trước đó, các chính quyền địa phương được yêu cầu hoàn tất phát hành hạn ngạch trái phiếu đặc biệt trị giá 3.800 tỉ nhân dân tệ cho năm 2023 trong tháng 9 để tài trợ cho các dự án hạ tầng.
Các quyết định trên được đưa ra ngoài kỳ họp ngân sách thông thường của Quốc hội Trung Quốc. Theo Tân hoa xã, 137 tỉ đô la huy động từ trái phiếu chủ quyền mới sẽ được sử dụng cho hoạt động tái thiết các vùng gánh chịu lũ lụt và các thiên tai khác cũng như cải thiện hạ tầng thoát nước đô thị nhằm tăng sức chống chịu thiên tai. Một nửa số tiền trên sẽ được sử dụng trước cuối năm nay và tiền còn lại dành cho chi tiêu trong năm sau.
Kế hoạch kích thích mới nhất, theo sau một loạt các biện pháp từng phần như cắt giảm lãi suất, giảm chi phí vay thế chấp cho người mua nhà, cho thấy Bắc Kinh lo lắng về sự phục hồi kinh tế không như kỳ vọng ở thời kỳ hậu Covid-19. Một phần của vấn đề là gánh nặng nợ ngày càng tăng của khu vực chính quyền địa phương và cuộc khủng hoảng bất động sản chưa có dấu hiệu lắng dịu. Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra chính sách hỗ trợ cho các hộ gia đình để giúp nền kinh tế chuyển đổi sang trọng tâm tiêu dùng.
Các nhà kinh tế nhìn chung bất ngờ về thời điểm Trung Quốc tung ra động thái kích thích mới khi dữ liệu tăng trưởng trong những tuần gần đây có vẻ ổn định. Nhưng họ cho rằng, việc phát hành nợ mới với con số khá khiêm tốn là không đủ để đảo ngược những lực cản kéo dài đối với nền kinh tế, chẳng hạn nhu cầu của doanh nghiệp và người tiêu dùng đang suy yếu.
Một nghìn tỉ nhân dân tệ trái phiếu chính phủ chỉ chiếm chưa đến 1% GDP của Trung Quốc. Để so sánh, gói kích thích mà Bắc Kinh tung ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 chiếm hơn 12% GDP của nước này vào thời điểm đó.
“Gói kích thích mới chắc chắn không phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi. Nhưng điều đó xác nhận rằng lập trường chính sách tổng thể của Trung Quốc vẫn mang tính hỗ trợ do động lực phục hồi kinh tế vẫn còn mong manh”, Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc ở Macquarie Group, bình luận.
Một số nhà kinh tế cho rằng gói kích thích mới gửi đi một tín hiệu bất thường rằng chính quyền trung ương sẵn sàng gánh vác trách nhiệm tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng, sau khi giao nhiệm vụ này cho chính quyền địa phương trong phần lớn thập niên qua. Hồi tháng 6, tờ Wall Street Journal đưa tin, các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh đã cân nhắc việc phát hành khoảng một nghìn tỉ nhân dân tệ trái phiếu đặc biệt để hỗ trợ các chính quyền địa phương có nợ nần lớn và củng cố niềm tin kinh doanh. Đề xuất đó đã không được Chủ tịch Tập Cận Bình chấp thuận vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, những trận lũ lụt lớn vào mùa hè này khiến hàng triệu người sơ tán do nhà cửa bị ngập, gây căng thẳng thêm cho tình hình tài chính ở phía đông bắc Trung Quốc, đặc biệt là tỉnh Hà Bắc giáp Bắc Kinh. Sự bất mãn của công chúng tăng cao sau những thiệt hại do lũ lụt gây ra. Truyền thông nhà nước đưa tin, tỉnh Hà Bắc có thể phải mất hai năm để tái thiết sau khi cơn bão Doksuri gây ra lũ lụt, tàn phá miền bắc Trung Quốc hồi tháng 8, khiến ít nhất 29 người thiệt mạng và thiệt hại kinh tế trực tiếp là 95,8 tỉ nhân dân tệ.
Theo Tân hoa xã, quyết định hỗ trợ các khu vực bị thiên tai được đưa ra tại một cuộc họp cấp cao do ông Tập Cận Bình chủ trì hồi tháng 8. Việc phát hành thêm trái phiếu chủ quyền cũng có nghĩa là Bắc Kinh cho phép tăng thâm hụt tài khóa lên 3,8% GDP trong năm nay, tăng so mức trần 3% mà chính phủ đặt ra vào tháng 3.
Theo Larry Hu, dù gói kích thích mới sẽ giúp Trung Quốc duy trì mức tăng trưởng 10% về đầu tư hạ tầng trong thời gian còn lại của năm, nhưng không giúp chuyển tài sản trực tiếp hoặc gián tiếp sang hộ gia đình để thúc đẩy tiêu dùng.
Trung Quốc báo cáo tăng trưởng quí 3 tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, một kết quả có thể đảm bảo Trung Quốc sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay. Điều này làm suy yếu triển vọng Bắc Kinh tung ra nhiều biện pháp cứu trợ khẩn trương hơn, các nhà kinh tế nhận định.
Lần gần đây nhất Trung Quốc thay đổi mục tiêu thâm hụt ngân sách là vào năm 2008, khi các quan chức cho biết sẽ chi một nghìn tỉ nhân dân tệ để xây dựng lại các khu vực bị tàn phá trong trận động đất ở tỉnh Tứ Xuyên. Cuối năm đó, Bắc Kinh công bố gói kích thích trị giá 586 tỉ đô la để thúc đẩy nhu cầu trong nước và giúp ngăn chặn suy thoái kinh tế toàn cầu.
Rất hiếm khi các kế hoạch tài khóa của chính quyền trung ương được sửa đổi ngoài chu kỳ ngân sách thông thường, vì vậy động thái lần này của Bắc Kinh báo hiệu mối lo ngại rõ ràng về tăng trưởng trong ngắn hạn”, các nhà kinh tế của Capital Economics viết trong một báo cáo gửi khách hàng.
Wei Yao, nhà kinh tế trưởng châu Á ở ngân hàng Société Générale, cho biết lỗ hổng tài chính ở các chính quyền địa phương ngày càng trầm trọng hơn do bong bóng bất động sản vỡ, khiến nguồn thu chính của họ từ việc bán đất suy giảm mạnh. Bà nói: “Ít nhất, Bắc Kinh thừa nhận rằng khu vực chính quyền địa phương đang đối mặt với những hạn chế tài chính mang tính cấu trúc. Đó là một vấn đề khá lớn”.
Hiện tại, trọng tâm của Trung Quốc vẫn là duy trì sự phục hồi mong manh để tránh thảm họa kinh tế. “Chúng tôi cần chuẩn bị tốt cho năm tới và thực hiện các chính sách ổn định tăng trưởng. Nền tảng phục hồi kinh tế hiện nay không vững chắc. Trong năm tới, chúng tôi vẫn nên đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 5%”, một cố vấn giấu tên của chính phủ Trung Quốc, nói.
Theo Reuters, WSJ