Thứ bảy, 30/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhà máy đường đóng cửa, nông dân trông chờ vào bán… mía chục!

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sau nhiều lần hoạt động cầm chừng, nhà máy đường còn lại của Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco) đã quyết định “đóng cửa”. Điều này, đẩy nông dân ở vùng trồng mía trọng điểm của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là tỉnh Hậu Giang vào cảnh chỉ còn trông chờ vào bán mía chục (mía ép lấy nước giải khát)...

Vùng mía mía ở Hậu Giang trông chờ vào bán mía chục khi nhà máy đóng cửa. Ảnh: Trung Chánh

Từng có hàng chục nhà máy đường được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, toàn vùng ĐBSCL chỉ còn lại hai nhà máy duy nhất là nhà máy đường Sóc Trăng và nhà máy đường Trà Vinh, tức vừa có thêm một nhà máy bị “khai tử” ở vụ ép 2023-2024 là Phụng Hiệp của Casuco.

“Đóng cửa” vì mía không đủ để ép

Trao đổi với KTSG Online, ông Trần Vĩnh Chung, Tổng giám đốc Casuco cho biết, đại hội cổ đông của đơn vị này đã biểu quyết bằng văn bản đi đến thống nhất đóng cửa nhà máy Phụng Hiệp trong vụ ép 2023-2024.

Theo đó, lý do dẫn đến việc ngưng hoạt động nhà máy Phụng Hiệp được cho là lượng mía nguyên liệu được nông dân sản xuất không đủ để ép. “Diện tích mía của Hậu Giang theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ còn 3.200 héc ta”, ông Chung dẫn chứng, nhưng cho rằng, nếu tính diện tích có mía thật sự (loại bỏ phần mương nước trong ruộng mía - PV), thì diện tích chỉ khoảng 1.560 héc ta.

Tuy nhiên, theo ông Chung, đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 800 héc ta được nông dân thu hoạch bán mía chục, tức diện tích còn lại chỉ khoảng 760 héc ta, bao gồm 300 héc ta mía trồng bán lấy nước và hơn 400 héc ta mía nguyên liệu phục vụ sản xuất đường. “Nhưng họ (nông dân) vẫn chuyển sang bán mía nước khi giá cao hơn”, ông Chung cho biết và thông tin, mía nguyên liệu quá ít, trong khi nhà máy cần huy động để hoạt động liên tục với công suất 2.300-2.500 tấn/ngày.

Một dẫn chứng được ông Chung đưa ra để minh chứng cho việc huy động mía của nhà máy Phụng Hiệp gặp khó khăn dẫn đến phải đóng cửa, đó là vụ ép 2022-2023 vừa qua, đơn vị này có kế hoạch ép 80.000 tấn mía nguyên liệu, nhưng kết quả thực hiện chỉ được hơn 14.000 tấn, tương đương chỉ được khoảng 6 ngày hoạt động.

“Điển hình vụ vừa rồi (2022-2023), chúng tôi thông báo mua 20 ngày mới huy động được 5.000 tấn mía để mở máy chạy. Thế nhưng, chạy xong lượng mía đó (5.000 tấn), nhà máy phải ngưng hai đợt với tổng thời gian 19 ngày mới chạy lại và ép được tổng cộng có hơn 14.000 tấn”, ông Chung dẫn chứng.

Nhà máy đường Phụng Hiệp đóng cửa. Ảnh: Trung Chánh

Ông Trần Ngọc Hiếu, Chủ tịch HĐQT Casuco cũng cho biết, vụ mía năm nay, tổng diện tích vùng nguyên liệu của đơn vị này ở tỉnh Hậu Giang là khoảng 1.559 héc ta, trong đó, có 739 héc ta diện tích sản xuất mía nguyên liệu phục vụ sản xuất đường và còn lại được sản xuất để bán mía chục.

Tuy nhiên, theo ông Chung, đến ngày 20-10, đã có 275 trong tổng số 739 héc ta mía sản xuất dành cho mục đích sản xuất đường được nông dân chuyển sang bán mía chục, tức diện tích còn lại chỉ 464 héc ta. Điều này, chính là nguyên nhân dẫn đến việc Casuco đóng cửa nhà máy đường Phụng Hiệp vụ ép 2023-2024.

Ông Nguyễn Văn Cảnh, ngụ ấp Phó Đường, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang bên ruộng mía. Ảnh: Trung Chánh

Giá bán giảm, nông dân thua lỗ

Từ việc nhà máy đường Phụng Hiệp đóng cửa, trong khi hai nhà máy đường còn lại ở ĐBSCL là Sóc Trăng và Trà Vinh dự kiến đến tháng 2-2024 mới khởi động vụ ép, cho nên, việc tiêu thụ mía của nông dân phụ thuộc hoàn toàn vào việc bán mía chục. Điều này, đã khiến giá bán mía sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.

Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Văn Biển, ngụ ấp Quyết Thắng B, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, đang vận chuyển mía từ ruộng ra lộ để giao cho thương lái nói: “Năm nay bèo quá (ý nói giá bán giảm, lợi nhuận không có- PV)”.

Theo ông Biển, một bó mía (12 cây) có trọng lượng khoảng 20 kg được thương lái mua với giá chỉ 24.000 đồng, tương đương khoảng 1.200 đồng/kg, trong khi vụ năm ngoái giá thấp nhất cũng 1.700 đồng/kg. “Phân bón tăng giá, mía giống, nhân công mọi thứ đều tăng, trong khi giá bán lại giảm nên không có lãi”, ông cho biết và dẫn chứng, mỗi công (1.000 m2) mía bán được khoảng 14 triệu đồng, trong khi chi phí đầu tư cũng ở mức tương đương.

Dù giá mua mía chục đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nông dân trồng mía ở huyện Phụng Hiệp cho biết, buộc lòng phải bán do đây là kênh tiêu thụ duy nhất. “Ruộng nào mía bị ngã coi như bỏ vì thương lái mua mía chục không mua”, ông Biển nói.

Ông Nguyễn Văn Cảnh, ngụ ấp Phó Đường, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết, thay vì phải qua trung gian là thương lái, ông chọn bán trực tiếp cho người mua ép mía nước. “Bán trực tiếp thì mỗi ngày tiêu thụ được vài chục bó, tức sản lượng tiêu thụ chậm, nhưng được giá hơn vì không phải qua thương lái”, ông Cảnh giải thích và cho biết, lợi nhuận vụ này cũng chỉ khoảng 2-3 triệu đồng/công.

Theo ông Cảnh, khoảng 3 năm gần đây, tình hình hoạt động của nhà máy đường Phụng Hiệp không ổn định đã khiến không ít hộ nông dân "quay lưng" với cây mía. “Dân ở đây bỏ mía chuyển sang trồng mít, sầu riêng nhiều lắm rồi”, ông nói.

Lái mua mía chục vào thu mua mía cho nông dân ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Trung Chánh

Ghi nhận thực tế của KTSG Online cho thấy, đối với những hộ nông dân còn gắn bó với cây mía, thì việc sản xuất cũng đã thay đổi, tức thay vì xuống giống đồng loạt để cung cấp nguyên liêu cho nhà máy đường như trước đây, thì hiện do trồng bán mía chục nên có chỗ ruộng mía đang thu hoạch, chỗ đang xuống giống, chỗ thì cây đang trong giai đoạn phát triển. “Bây giờ mía bốn mùa (ý nói mía có quanh năm- PV) luôn rồi”, ông Biển nói.

Ông Chung của Casuco thừa nhận, vụ mía năm nay, đơn vị này đã ngưng hoàn toàn việc liên kết đầu tư, bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. “Do năm rồi mình ký hợp đồng hơn 800 héc ta, nhưng chỉ thu mua có hơn 14.000 tấn mía nên vụ này không có đầu tư nữa”, ông giải thích.

Ông Hiếu thì cho biết, thời gian tới, đơn vị này sẽ làm việc với UBND tỉnh Hậu Giang cùng các sở, ngành liên quan cũng như lực lượng khuyến nông cấp xã để vận động người dân trồng mía nguyên liệu. Đồng thời, tuyển chọn, phục tráng giống mía phù hợp với thổ nhưỡng vùng nguyên liệu để nông dân gắn bó với cây trồng này.

Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra trong thực tế, việc khôi phục lại vùng mía nguyên liệu ở tỉnh Hậu Giang không phải là điều dễ dàng…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới