Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhật Bản hút các tập đoàn khách sạn hạng sang ASEAN đến đầu tư

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các chuỗi kinh doanh khu nghỉ dưỡng hạng sang từ Đông Nam Á đang mở rộng mảng kinh doanh ở Nhật Bản nhằm khai thác dòng khách quốc tế giàu có và với đồng yen yếu cũng thúc đẩy thêm dòng vốn đầu tư bên ngoài vào bất động sản du lịch nước này.

Các chuỗi resort siêu sang của Đông Nam Á đang tăng tốc đầu tư sang Nhật Bản để tận dụng dòng khách quốc tế đang đổ dồn về đây. Trong ảnh là khu nghỉ dưỡng mùa đông ở Hakuba, với các biệt thự có giá từ 200.000 yen mỗi đêm của Kanolly Hotels, Singapore. Ảnh: Kanolly Hotels.

Tận dụng đồng yen yếu, lãi suất thấp

Đồng yen yếu và lãi suất thấp là yếu tố thu hút đầu tư vào Nhật Bản. Các tập đoàn châu Âu, Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc có truyền thống dẫn đầu đầu tư vào các khu nghỉ dưỡng của Nhật Bản. Nay, càng có nhiều công ty Đông Nam Á gia nhập thị trường Nhật Bản khi nền kinh tế khu vực phát triển.

Giám đốc tài chính Bruce Bromley của tập đoàn Soneva Holdings có trụ sở tại Singapore nói rằng Sovena có kế hoạch mở các khu nghỉ dưỡng ở Nhật Bản sớm nhất là vào năm 2027. Cụ thể, Sovena đã ký hợp đồng mua một hòn đảo ngoài khơi hòn đảo Okinawa và có kế hoạch mua đất ở Myoko, tỉnh Niigata, miền trung Nhật Bản.

Hiện Soneva điều hành các khu nghỉ dưỡng sang trọng, bao gồm cả ở Maldives và Thái Lan, với các biệt thự có hồ bơi riêng. Tập đoàn đang nhắm đến những người nước ngoài giàu có muốn tận hưởng những bãi biển ở Okinawa và trượt tuyết ở Myoko. Cả hai khu nghỉ dưỡng này đều được lên kế hoạch trở thành khu nghỉ dưỡng kiểu biệt thự và dự kiến giá tại hai nơi này từ 250.000 yen (1.700 đô la) mỗi đêm.

Bruce Bromley cho biết, nhu cầu giải trí ở Nhật Bản đang tăng lên rõ rệt, đồng thời Soneva đang đặt việc phát triển các khu nghỉ dưỡng ở Nhật Bản lên ưu tiên hàng đầu. Ông cho biết công ty cũng quan tâm đến các nhà trọ truyền thống của Nhật Bản. Theo kế hoạch, tập đoàn Soneva sẽ đầu tư tổng cộng 100 tỉ yen trong năm năm tới cho các dự án mới.

Tháng 12-2022, chuỗi Kanolly Hotels có trụ sở tại Singapore đã khai trương một khu nghỉ dưỡng biệt thự tại Hakuba, tỉnh Nagano - vốn nổi tiếng về trượt tuyết. Giá cả khác nhau tùy theo mùa, dao động từ 200.000 đến 800.000 yen mỗi đêm. Khách sang từ Đông Nam Á và Úc cũng đang đến Nhật Bản, góp phần lắp đầy phòng ở đây vào mùa cao điểm.

Yuji Kato, giám đốc nhóm tại Viện nghiên cứu Nomura Thái Lan, cho biết các dự án ở Nhật Bản “được coi là rẻ hơn so với các nước khác, bao gồm cả đất đai, nhà cửa và cơ sở hạ tầng như nước, điện và giao thông”.

Theo hãng dịch vụ bất động sản Jones Lang LaSalle, đầu tư của các công ty nước ngoài vào khách sạn ở Nhật Bản đạt tổng cộng 162,5 tỉ yen vào năm 2022, tăng gấp sáu lần so với năm trước đó và phục hồi hơn 90% so với mức của năm 2019 (trước Covid-19). Đầu tư trong năm 2023 đang trên đà vượt con số của năm ngoái, chỉ riêng sáu tháng đầu năm đạt 128,5 tỉ yen.

Theo báo cáo từ Viện nghiên cứu Oraga của Nhật Bản, có 17 khách sạn sang trọng nước ngoài với tổng số 3.765 phòng sẽ được mở tại Nhật Bản trong năm nay.

Chú trọng yếu tố bền vững và đồng đều trong phát triển du lịch

Dữ liệu chính thức cho lượng du khách nước ngoài đến Nhật Bản đã hồi phục gần mức trước Covid-19. Theo tổ chức Du lịch quốc gia Nhật Bản (JNTO), nước này đã đón 2,18 triệu khách nước ngoài trong tháng 9-2023, hơn 96% so với cùng kỳ năm 2019. Nhưng sự hồi phục này không đồng đều trên cả nước, với 25/47 tỉnh có số khách trên 60% so với trước Covid. Trong tháng 9 vừa rồi, khách Hàn Quốc đứng đầu với 570.400 lượt khách, tiếp theo là Đài Loan với 385.300 lượt.

Tuy nhiên, du khách tràn ngập cũng là một mối lo với nhiều địa phương Nhật Bản. Nhiều hòn đảo nhỏ ở các tỉnh thành xa bắt đầu thu phí 100 yen/khách nhằm tránh lượng khách quá đông làm đảo lộn sinh hoạt của cư dân địa phương.

Trong tháng 10 này, thị trấn Kutchan trên đảo chính cực bắc Hokkaido, nơi có khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Niseko, đã sửa đổi các quy định về phát triển khu nghỉ dưỡng. Theo đó, các giới hạn về không gian sàn, tỷ lệ diện tích sàn và chiều cao đối với các cơ sở đã được siết chặt. Cùng với sự phát triển du lịch thì giá bất động sản ở đây cũng tăng theo.

Tháng 3-2023, chính phủ Nhật Bản đã phê duyệt kế hoạch phát triển cho giai đoạn 2023 - 2025 nhằm thúc đẩy du lịch toàn quốc, thu hút khách đến các tỉnh thành khác, cách xa Tokyo và các đô thị lớn. Chính phủ Nhật Bản cũng chú trọng du lịch bền vững với các nhóm khách nhỏ hơn, không theo đoàn lớn, chú trọng thị trường siêu sang, phát triển du lịch y tế và ẩm thực…

Theo Nikkei Asia, Japan Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới