Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Rủi ro tỷ giá tăng, nhưng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tăng

Tuệ Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Bất chấp những rủi ro tỷ giá, dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng tích cực, đặc biệt là mức tăng mạnh trong tháng 10 vừa qua. Những quốc gia nào đang tăng cường đầu tư vào Việt Nam và đâu là động lực cho xu hướng này?

Mười tháng đầu năm nay, lượng vốn FDI giải ngân ước đạt 18 tỉ đô la Mỹ, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.

Rủi ro tỷ giá chưa phải là vấn đề?

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20-10-2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt gần 25,76 tỉ đô la Mỹ, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là con số tăng khá đột biến, khi nhìn lại sáu tháng đầu năm nay chỉ tiêu thống kê này vẫn đang giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước, bảy tháng tăng trở lại 4,5%, tám tháng tăng 8,2%, còn chín tháng chỉ mới tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước khi đạt 20,2 tỉ đô la Mỹ.

Xu hướng tăng của dòng vốn đầu tư từ nước ngoài ngày càng mạnh mẽ hơn, dù thị trường ngoại hối liên tục chịu áp lực trong những tháng qua với rủi ro tỷ giá gia tăng.

Tỷ giá trung tâm đô la Mỹ/tiền đồng tính đến cuối tuần qua (27-10) đã leo lên mức 24.107, tăng 2,1% so với đầu năm nay, trong đó tính riêng khoảng thời gian từ cuối tháng 6 đến nay đã tăng đến 1,3%. Tương tự, trong mức tăng 4,2% giá niêm yết đô la Mỹ của Vietcombank so với đầu năm nay, chủ yếu tập trung trong bốn tháng trở lại đây với mức tăng 4,1%. Nếu theo dõi diễn biến trên thị trường tự do, giá đô la Mỹ so với đầu năm nay tăng 3,5%, nhưng nếu tính khoảng thời gian từ cuối tháng 6 đến nay thì ghi nhận mức tăng đến 4,1%.

Song, nhìn sang nhiều đồng tiền khác trong khu vực, sự mất giá của tiền đồng so với đô la Mỹ là chưa đáng kể. Cụ thể, nhân dân tệ của Trung Quốc đã rớt giá xấp xỉ 6% so với đô la Mỹ từ đầu năm đến nay, yên Nhật lao dốc gần 15%, ringgit Malaysia giảm 9%, won Hàn Quốc giảm gần 8%, bath Thái giảm gần 4,5%.

Dòng vốn FDI đăng ký mới từ Trung Quốc (tính cả Hồng Kông) lên tới hơn 5,6 tỉ đô la Mỹ, chiếm 36,7% tổng vốn đăng ký mới trong 10 tháng đầu năm 2023.

Điều này cho thấy rủi ro tỷ giá chưa phải là vấn đề quá lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn hiện nay.

Trong khi đó, năm nay, dù có thể chưa đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, nhưng Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới với mức tăng dự báo đạt khoảng 5%. Điều quan trọng hơn là cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ của Việt Nam đều đang phối hợp theo hướng nới lỏng, các dự án đầu tư công đang được tập trung triển khai nhanh hơn, không chỉ để tháo gỡ các điểm nghẽn về hạ tầng mà còn nhằm mục tiêu kích thích tăng trưởng tích cực hơn trong giai đoạn tới, nên dòng vốn đầu tư nước ngoài có lẽ cũng muốn đón đầu cho một chu kỳ tăng trưởng mới.

Chính vì vậy, không chỉ tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tăng mà vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện cũng duy trì xu hướng tăng ổn định trong suốt những tháng qua. Tính chung mười tháng đầu năm nay, lượng vốn FDI giải ngân ước đạt 18 tỉ đô la Mỹ, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 10 tháng trong năm năm qua.

Triển vọng từ nâng tầm quan hệ với các cường quốc

Nếu xét chi tiết hơn ở dòng vốn đăng ký, lượng vốn đăng ký cấp mới ghi nhận tỷ trọng vượt trội hơn 59%, khi đạt 15,29 tỉ đô la Mỹ, tăng 54% so với cùng kỳ. Số dự án mới được cấp phép theo đó cũng tăng vọt 66,1%, lên 2.608 dự án. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới nhiều nhất với số vốn đăng ký đạt 13,27 tỉ đô la Mỹ, chiếm 86,7% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa các cường quốc gia tăng, các nền kinh tế lớn tiếp tục xu hướng tách rời nhau, đơn cử là mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã xấu đi kể từ khi cuộc chiến thương mại giữa hai nước bắt đầu từ năm 2018, Việt Nam đã đón nhận dòng vốn FDI lớn đổ vào trước xu hướng tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng của nhiều tập đoàn đa quốc gia.

Chẳng những vậy, chính các nhà đầu tư từ Trung Quốc cũng tăng cường rót vốn vào Việt Nam như là một cứ điểm sản xuất mới để hạn chế bị đánh thuế cao từ các đối thủ, đồng thời tận dụng các mối quan hệ thương mại của Việt Nam tiếp tục được nâng cao trên thị trường thế giới. Ngoài ra, trong khi các quốc gia phát triển khác vẫn đang duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát, Trung Quốc ngược lại vẫn nới lỏng chính sách khi liên tục cắt giảm lãi suất trong thời gian qua, do đó các nhà đầu tư từ Trung Quốc càng có nhiều lợi thế hơn trong sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư ra nước ngoài.

Số liệu thống kê cho thấy tính theo đối tác đầu tư, đã có 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2023. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 4,65 tỉ đô la Mỹ, chiếm hơn 18% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 3,93 tỉ đô la, chiếm 15,2% tổng vốn đầu tư. Hồng Kông (Trung Quốc) đứng thứ ba với gần 3,54 tỉ đô la, chiếm hơn 13,7% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan,...

Tuy nhiên, nếu chỉ tính riêng 68 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới trong 10 tháng đầu năm nay, Hồng Kông là nhà đầu tư lớn nhất với 3,1 tỉ đô la, chiếm 20,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Singapore với 3,09 tỉ đô la, chiếm 20,2%; Trung Quốc 2,51 tỉ đô la, chiếm 16,5%; Đài Loan 2 tỉ đô la, chiếm 13,1%; Hàn Quốc 1,67 tỉ đô la, chiếm 10,9%; Nhật Bản 725,4 triệu đô la, chiếm 4,7%. Như vậy, dòng vốn FDI đăng ký mới từ Trung Quốc (tính cả Hồng Kông) đã lên tới hơn 5,6 tỉ đô la, chiếm khoảng 36,8% tổng vốn đăng ký mới.

Mới đây, Việt Nam đã nâng tầm quan hệ với Mỹ lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện, mở ra cơ hội không chỉ thu hút dòng vốn đầu tư mạnh mẽ từ các tập đoàn lớn của Mỹ, mà còn có thể giúp thúc đẩy kim ngạch thương mại giữa hai nước. Những năm qua Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, riêng giá trị xuất siêu của Việt Nam sang nước này trong 10 tháng đầu năm nay ước đạt hơn 67 tỉ đô la.

Trong khi đó, ở dòng vốn đăng ký điều chỉnh, tuy tổng vốn đầu tư tăng thêm chỉ đạt hơn 5,33 tỉ đô la Mỹ, chiếm tỷ trọng gần 21% và giảm đến 39% so với cùng kỳ năm trước, nhưng nếu xét theo số dự án vẫn có 1.051 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 19,4% so với cùng kỳ. Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn được khẳng định và họ tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu.

Có thể thấy dù đối mặt với không ít thách thức trong nền kinh tế, nhất là trước rủi ro tỷ giá vẫn chịu áp lực gia tăng, xu hướng tăng trưởng của dòng vốn FDI tiếp tục được duy trì là một động lực tích cực cho nền kinh tế. Tuy nhiên, trước việc chính sách thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực từ đầu năm 2024, Việt Nam cần sớm ban hành các chính sách mới thật phù hợp để vừa tận dụng nguồn thu thuế từ các dự án đầu tư nước ngoài hiện nay tại Việt Nam, vừa đảm bảo vẫn duy trì được vị thế của Việt Nam như là một trong những quốc gia hấp dẫn dòng vốn đầu tư nước ngoài trong suốt nhiều năm qua.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới