Thứ tư, 8/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nâng niu giá trị vượt trội của sông Sài Gòn

PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Nếu biết tổ chức tốt thì dải bờ sông Sài Gòn này hoàn toàn có thể trở thành dòng sông lịch sử - văn hóa - di sản và kinh tế, đóng góp vào sự phát triển và tạo hình ảnh của TPHCM.

Sông Sài Gòn đoạn qua Củ Chi giáp Bình Dương. Ảnh: H.P

Sau gần 40 năm đô thị hóa nhanh, quỹ đất đẹp và “ra tấm ra miếng” của TPHCM đã dần cạn kiệt, nay chỉ còn đất ở Cần Giờ, Củ Chi, nhưng dải đất ven sông Sài Gòn đoạn chảy qua thành phố dài 80 ki lô mét về cơ bản vẫn còn trong tình trạng tự nhiên, chưa được khai thác bao nhiêu. Có thể các đại gia quên mất nó, cũng có thể giá trị lớn lao của nó còn tiềm ẩn rất sâu trong cơ tầng địa văn hóa - lịch sử khiến cho những người non tay không dám đụng tới. Đó là điều may mắn, được coi phước lớn của thành phố. Nếu biết tổ chức tốt thì dải bờ sông này hoàn toàn có thể trở thành dòng sông lịch sử - văn hóa - di sản và kinh tế (còn gọi là dòng sông tiền), đóng góp vào sự phát triển và tạo hình ảnh của thành phố.

Hầu hết các thành phố lớn và nổi tiếng trên thế giới đều gắn liền với sông, bởi sông là nguồn cội của sự sống. Nó mang lại cho con người nước uống, nước trồng trọt, chăn nuôi và các nguồn lợi từ sông như phù sa, tôm cá, giao thông thủy và cả không khí trong lành nữa. Paris có sông Seine, London có sông Thames, Moscow có sông Moscow, Bangkok có sông Chao Phraya, Thượng Hải có sông Hoàng Phố; ở Việt Nam sông Hồng gắn với Hà Nội, sông Hương gắn với Huế, sông Hàn gắn với Đà Nẵng, sông Hậu gắn với Cần Thơ và sông Sài Gòn gắn với TPHCM. Mỗi con sông ở đô thị có những giá trị và vẻ đẹp khác nhau, trong số đó sông Sài Gòn thực sự là món quà vô giá mà trời đất ban tặng cho chúng ta.

Sông Sài Gòn là phụ lưu của sông Đồng Nai. Các con sông lớn của Việt Nam hầu hết đều có thủy nguồn từ bên ngoài biên giới như sông Hồng, sông Cửu Long, nhưng sông Đồng Nai là con sông nội địa hoàn toàn nằm trong lãnh thổ Việt Nam. Sông Sài Gòn dài 256 ki lô mét, chảy qua địa phận các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương và TPHCM. Phần chảy qua địa phận TPHCM khoảng 80 ki lô mét, có lưu lượng trung bình vào khoảng 54 mét khối/giây, bề rộng khoảng 225-370 mét, độ sâu có chỗ tới 20 mét, diện tích lưu vực trên 5.000 ki lô mét vuông.

Chúng ta đang sở hữu một không gian sông, bờ sông Sài Gòn cực kỳ quý báu không chỉ về hình thể, vẻ đẹp cảnh quan, giá trị vật lý mà còn cả giá trị tinh thần, đầy ắp di sản, công trình kiến trúc và tâm linh. Một phần do mẹ thiên nhiên trao tặng, một phần do nhiều thế hệ chung tay vun đắp nên. Nó dường như là mảnh đất dài rộng cuối cùng ở trung tâm thành phố, do vậy chúng ta cần thận trọng khi “đánh thức” nó.

Từ thuở khai sinh lập địa đến nay người Sài Gòn vẫn sống nhờ sông Sài Gòn. Ngay ngày hôm nay, mỗi ngày Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cung ứng 2,4 triệu mét khối nước sạch cho sản xuất và tiêu dùng thì 90% trong số đó là từ sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Một điều đặc biệt là cho dù mùa khô hay mùa mưa thì sông Sài Gòn không bao giờ cạn, nó chỉ vơi bớt đi, hơn thế nữa do lòng sông không rộng cho nên dù là ở hạ lưu, lưu tốc của nó vẫn đủ mạnh để đẩy những rác, bèo và chất bẩn công nghiệp, cũng như nước thải sinh hoạt ra ngoài biển để cho nước sông khá sạch, thêm nữa là nước sông Sài Gòn không chứa nhiều phù sa như sông Hồng hay sông Tiền, sông Hậu. Hà Nội được gọi là thành phố trong sông Hồng, nhưng Hà Nội lại không lấy nước sông Hồng để làm nguồn nước thô đầu vào mà lấy nước sông Đà cách xa hàng trăm ki lô mét, bởi nước sông Hồng có một thời chở “nặng phù xa” (nay sông Hồng không ngập nước tràn bờ nữa, đê sông coi như không còn tác dụng, có nhiều thời điểm nước thấp cạn đáy có thể lội bộ qua sông). Nói như thế để thấy mai này khi khai thác sông Sài Gòn, có thể có nhiều khu công nghiệp, nhà máy, hàng quán, phố xá giăng giăng thì cũng phải bảo toàn được độ trong sạch của con sông này. Nó là nguồn nước duy nhất không thay thế cho hơn 10 triệu người đấy.

Sông Sài Gòn còn được coi là một trong số các con sông có hình thể đẹp nhất Việt Nam, có thể cả ở khu vực nữa. Nếu các con sông qua các thành phố của Việt Nam như sông Hồng, sông Tiền, sông Hậu, hay những con sông ở Đông Nam Á như sông Chao Phraya qua Bangkok, sông Pasig qua Manila, sông Tonle Sap qua Phnôm Pênh có hình dáng tương đối thẳng, suông thì sông Sài Gòn lại có hình dáng rất đẹp. Nhìn từ trên cao xuống, sông Sài Gòn uốn lượn như một dải lụa mềm màu xanh nhiều chỗ bị bẻ cong tạo ra những doi đất lồi được gọi là cục u lạc đà như ở khu địa đạo Củ Chi, An Nhơn Tây, khu đô thị Vạn Phúc, Thanh Đa, Thảo Điền, Thủ Thiêm...

Sông Sài Gòn đoạn hạ lưu chảy qua TPHCM khá êm đềm, trông rất hiền lành. Bờ sông được tạo từ nền đất yếu, nhiều chỗ là đất mượn do phù sa bồi đắp, dễ lún sụt, nhiều mạch nước ngầm, túi nước, túi bùn bên dưới. Vì đặc tính của sông như thế cho nên khi tổ chức không gian và thiết kế dải đô thị này cần cẩn trọng, nếu không thì nhiều công trình có tải trọng lớn như đường cao tốc, các khối nhà cao tầng, những dãy phố liền kề chạy mút tầm mắt sẽ làm lún, vỡ bờ sông, còn nếu làm bờ kè cứng thì sẽ làm sông đổi dòng chảy dẫn đến hiện tượng sụt lún, tạo hàm ếch hai bờ, dòng chảy bào mòn các cục u lạc đà và dần làm mất Thanh Đa, Thủ Thiêm, Thảo Điền, Nhà Rồng.

Hơn 80 ki lô mét chiều dài dòng sông qua địa phận TPHCM tính từ điểm cực Bắc là xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi và điểm cuối là quận 7 hợp với sông Soài Rạp. Sông Sài Gòn chính là mặt tiền của thành phố. Hai đầu của sông là hai cánh rừng, điểm đầu là rừng tự nhiên và tái sinh ở Củ Chi và điểm kết là rừng ngập nước Cần Giờ được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Chính vì nhận ra tầm quan trọng của Sông Sài Gòn trong việc điều tiết khí hậu cho nên gần 100 năm dưới thời Pháp thuộc và sau này là Việt Nam Cộng hòa, các nhà quy hoạch, thiết kế đều nâng niu sông Sài Gòn và coi sông như một cái máy khổng lồ điều tiết khí hậu của cả thành phố. Tất cả công trình xây dựng thời Pháp ở Bạch Đằng (quận 1) và Khánh Hội (quận 4), sau năm 1954 mở rộng sang quận Bình Thạnh, đều xây dựng theo nguyên tắc thấp bên ngoài cao bên trong, các công sở, khách sạn đều chỉ cao hai tầng và không kết thành dãy liên tục nhằm đón gió và ánh sáng từ sông vào, nhất là hơi ấm có vị của biển. Tất cả trục đường được kiến tạo đều chạy trực chỉ với bến sông (cảng Bạch Đằng, Khánh Hội) để đón gió và chính những trục đường này như là ống dẫn chuyển gió mát vào sâu trong lòng thành phố, có thể kể ra như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tôn Đức Thắng, Hai Bà Trưng, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Hàm Nghi, Đoàn Như Hài, Hoàng Diệu... Người ta đứng trên cầu Nguyễn Văn Trỗi vẫn cảm nhận được gió thổi từ sông đến.

Một điểm nữa được coi là điểm cộng cho dải ven sông Sài Gòn này đó là các giá trị di sản và văn hóa. Mặc dù các di sản lịch sử và kiến trúc ở hai bên bờ sông Sài Gòn có khá nhiều nhưng phân bổ không đều và có phần tản mát. Tập trung nhiều nhất là khúc bờ sông thuộc quận 1, một phần quận 4 và Bình Thạnh. Bao gồm bến cảng Nhà Rồng, thủy đài, cột cờ thủ ngữ, trụ sở cơ quan hải quan, khách sạn Riverside, khách sạn Majectic, bảo tàng Tôn Đức Thắng, tượng Trần Hưng Đạo, ụ tàu Ba Son, công viên bờ sông, cầu Sài Gòn... Tất cả các công trình này đều có tuổi đời trên 100 năm. Các đoạn tiếp theo là cầu Bình Lợi, cầu Bình Triệu và điểm cuối của đoạn sông này là địa đạo Củ Chi, đền tưởng niệm Bến Dược. Dọc theo đoạn sông này còn có chùa, đình miếu, nhà đặc trưng Nam bộ, và đặc biệt là các làng nghề như làng nghề trồng hoa, cây cảnh, làng nông nghiệp sinh thái, làng đan lát, làng bánh tráng...

Chúng ta đang sở hữu một không gian sông, bờ sông Sài Gòn cực kỳ quý báu không chỉ về hình thể, vẻ đẹp cảnh quan, giá trị vật lý mà còn cả giá trị tinh thần, đầy ắp di sản, công trình kiến trúc và tâm linh. Một phần do mẹ thiên nhiên trao tặng, một phần do nhiều thế hệ chung tay vun đắp nên. Nó dường như là mảnh đất dài rộng cuối cùng ở trung tâm thành phố, do vậy chúng ta cần thận trọng khi “đánh thức” nó. Bất cứ một hành xử sai lầm nào với dòng sông Sài Gòn là chúng ta phải trả giá rất đắt và như thế là có lỗi với con cháu mai sau.

(*) Nguyên Trưởng khoa Đô thị học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới