(KTSG Online) - Sau khi công bố kết quả trúng thầu gói thầu XL1 đoạn Chơn Thành - Đức Hòa của đường Hồ Chí Minh, dự án đã đủ điều kiện để khởi công trong thời gian sớm nhất. Dự án có tổng chiều dài 73 km, đi qua các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và Long An.
- Khởi công đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hòa trong quí 4
- Đã bố trí 1.200 tỉ đồng đầu tư đường Hồ Chí Minh qua Thái Nguyên
TTXVN đưa tin, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) vừa có thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu xây lắp XL1 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, đoạn Chơn Thành - Đức Hòa.
Đơn vị trúng thầu gói thầu XL1 là Tập đoàn Đèo Cả. Gói thầu XL1 bao gồm thi công xây dựng đoạn km 10 - km 41, bao gồm sáu cầu. Gói thầu có giá trị xây lắp 6.801 tỉ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng là 730 ngày.
Đối với gói thầu còn lại XL2, XL3, đại diện Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, đang chờ xin ý kiến chấp thuận của các cơ quan chức năng. Dự kiến hai gói thầu này sẽ hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu trong năm nay.
Theo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, sau khi công bố kết quả trúng thầu gói thầu XL1, dự án đã đủ điều kiện để khởi công trong thời gian sớm nhất.
Theo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn Chơn Thành - Đức Hoà có tổng chiều dài gần 73 km, không bao gồm cầu vượt và nút giao với quốc lộ 22 đã được đầu tư giai đoạn trước. Đường đi qua các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, và Long An, là 4 trong 8 tỉnh và thành phố của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư quy mô hai làn xe, bề rộng nền đường hơn 12 m; bề rộng mặt đường hơn 11 m. Giai đoạn hoàn chỉnh dự án sẽ có quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường hơn 32 m. Tổng mức đầu tư dự án là gần 2.300 tỉ đồng.
Trước đó, dự án này được triển khai vào năm 2009. Tuy nhiên, đến năm 2011, dự án bị đình hoãn thi công theo Nghị quyết số 11/NQ-CP và Chỉ thị số 1792/CT-TTG của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô bảo đảm an sinh xã hội.
Đến nay, dự án được tái khởi động với mục tiêu tiếp tục hoàn thành các hạng mục thi công dở dang nhằm nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh, góp phần chia sẻ lưu lượng với các trục dọc vùng Đông Nam bộ.